Trì Giới Vi Bổn
Tịnh độ Vi Quy
Quán Tâm Vi Yếu
Thiện Hữu Vi Y
TỨ TRỌNG GIỚI TƯỚNG
Tập 1
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: Ngày 21 tháng 8 năm 2016
Địa điểm: Chùa Tịnh Độ Thiện Quả Lâm, Đài Loan
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị đại đức Tỳ-kheo, Ni sư, chư vị Sa-di, cư sĩ tôn kính, cùng quý vị liên hữu đang xem phát sóng trực tiếp chào mọi người buổi chiều!
Mời để tay xuống. Pháp hội học giới, niệm Phật lần này của chúng ta có chỗ không giống với Phật thất mọi khi. [Pháp hội] lần này chú trọng ở học tập giới pháp. Đại sư Ngẫu Ích từng nói: “Trì giới niệm Phật vốn là một môn”, cho nên người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ như chúng ta nhất định phải nghiêm túc học tập giới pháp, giữ gìn giới luật. Trong bài văn “Tịnh Độ Chỉ Yếu” của đại sư Ấn Quang, ngài đã chỉ ra rất rõ ràng rằng: “Phàm là người tu tịnh nghiệp thì đầu tiên nhất định phải nghiêm trì tịnh giới, thứ hai nhất định phải phát tâm Bồ-đề, thứ ba nhất định phải đủ tín nguyện sâu”. Ba điều này thiếu một cũng không được.
Trì giới là nền tảng của hết thảy pháp môn Đại thừa, chỉ cần là Phật pháp thì đều nhất định phải xây dựng trên nền tảng của giới luật. Nếu như không trì giới thì không phải là Phật pháp nữa, cho nên Tịnh tông đương nhiên cũng không ngoại lệ. Đại sư Ngẫu Ích nói: “Tịnh giới là nhân, Tịnh độ là quả”. Người muốn sanh về Tịnh độ, thì nhất định phải trì tịnh giới. Trì giới phải trì đến thanh tịnh, ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thanh tịnh. Đây gọi là trì tịnh giới. Sau đó còn phải phát tâm Bồ-đề, phải phổ độ chúng sanh. Làm sao để phổ độ chúng sanh? Cũng là phải khuyên mọi người trì giới niệm Phật, đây chính là phương tiện thù thắng nhất để độ chúng sanh. Họ có thể trì giới thì có thể đoạn được nhân ác trong hiện tại, nên quả ác ở tương lai sẽ không còn nữa. Họ có thể niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Vậy chúng ta muốn cầu sanh Tịnh độ, thì bản thân nhất định phải đầy đủ tin sâu nguyện thiết. Tín nguyện đầy đủ thì chắc chắn vãng sanh, hơn nữa người mà tín nguyện đầy đủ thì nhất định là người an vui thanh tịnh, nhất định là người nghiêm trì tịnh giới, do đó họ nhất định rất vui vẻ trì giới, rất an vui thanh tịnh. Người như vậy mới có thể vãng sanh Tịnh độ.
Trong kinh Đại Phẩm Bát-nhã, Phật đã dạy bảo chúng ta như vậy: “Nếu ta không trì giới, thì sẽ đọa trong ba đường ác, còn không được thân người, huống hồ có thể thành tựu chúng sanh, cõi nước Phật thanh tịnh, đầy đủ hết thảy chủng trí”. Nếu như Phật không trì giới thì sẽ đọa ba đường ác, hơn nữa còn không được thân người, làm sao có thể thành tựu chúng sanh? Vậy tâm Bồ-đề làm sao có thể thực tiễn? Làm sao có thể thành tựu cõi nước Phật thanh tịnh? Làm sao có thể thành tựu hết thảy chủng trí? Mọi người tu Tịnh độ đều hy vọng có thể lúc mạng chung tự tại vãng sanh.
Trong Đại Trí Độ Luận nói: “Người trì giới, lúc mạng chung, gió dao xẻ thân, gân mạch cắt đứt, tâm không sợ hãi”. Cho nên, đây là nói cho bạn biết, bạn làm thế nào để đến lúc mạng chung tâm không điên đảo thì được vãng sanh về nước Cực Lạc của A-di-đà Phật. Bạn muốn tâm không điên đảo thì nhất định phải nghiêm túc trì giới, vậy mới có thể làm được. Người trì giới trong lúc mạng chung, cho dù gió dao cắt xẻ thân thể, tứ đại phân ly, đau khổ vô cùng. Chúng ta cũng thấy được những trường hợp như vậy ở trước mắt. Lúc lâm chung, trong khoảng thời gian này họ đã thị hiện cho chúng ta thấy mọi sự đau khổ lúc tứ đại phân ly, gân mạch cắt đứt, người gầy yếu không thể tả, thậm chí ngay cả khí lực nói chuyện cũng không có, thế nhưng tâm không sợ hãi. Một chút sợ hãi đều không có, chánh niệm phân minh, hơn nữa càng đến lúc mạng chung thì họ không ăn gì nữa, đầu óc họ rất sáng suốt, đối với cảnh giới bên ngoài phản ứng rất nhanh nhạy, rất có trí tuệ, chân thật là tâm không điên đảo. Đây là do họ có thể nghiêm trì giới luật cho nên đạt được quả báo như vậy. Nếu như người không nghiêm túc trì giới thì đến lúc mạng chung sẽ khó tránh khỏi tinh thần rối loạn, tâm ý điên đảo, thậm chí nghiệp chướng hiện tiền, ví dụ như bất tỉnh nhân sự, hoặc là ngay cả thân bằng quyến thuộc cũng không nhận ra, hoàn toàn bị ác nghiệp trói buộc nên không cách gì thoát khỏi. Lúc này, bạn bảo họ niệm Phật thì họ cũng không niệm nổi nữa.