TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC
TẬP 3
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Đại hội Hoằng pháp Malaysia
Thời gian: 09-09-2000
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Minh
Xin chào các vị Pháp sư, các vị cư sĩ đại đức!
Ngày hôm qua đã đem bốn câu của điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước giảng qua đoạn tu mười nghiệp thiện.
Đoạn thứ hai của mười thiện là bốn thiện của khẩu nghiệp: không vọng ngữ, không hai lời, không ác khẩu, không thêu dệt.
Thế Tôn ở trong rất nhiều kinh luận dạy người đoạn ác tu thiện, phần nhiều đều là y theo thân, khẩu, ý. Nhưng chúng ta xem thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn dạy chúng ta cương lĩnh tu học, thứ tự sắp đặt của Ngài không giống như các kinh luận khác. Ngài đem khẩu nghiệp đặt ở trước nhất: “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người, khéo giữ thân nghiệp không mất oai nghi, khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh không nhiễm”. Dụng ý này rất sâu rộng.
Chúng sanh tạo ác, làm tất cả việc bất thiện, thì khẩu nghiệp là rất thuận tiện, rất dễ dàng và cũng tạo ra nhiều nhất. Cho nên Phật đem khẩu nghiệp đặt ở trước nhất, dụng ý này rất sâu, rất rộng.
Điều thứ nhất, Phật dạy chúng ta không vọng ngữ.
Xã hội ngày nay, có rất nhiều vị đồng tu nói với tôi, không vọng ngữ thì không được, không vọng ngữ thì nơi nào chúng ta cũng bị thiệt thòi, nơi nơi đều không được lợi ích. Vậy chúng ta học Phật, rốt cuộc có cần phải tuân thủ điều răn dạy này của Phật hay không?
Nếu như chúng ta tỉ mỉ mà tư duy, bình lặng mà quan sát, phải hỏi lại chính mình, chúng ta có phải là muốn tiếp tục ở trong sáu cõi chịu luân hồi hay là hy vọng ngay đời này thoát khỏi luân hồi đi làm Phật, đi làm Bồ Tát? Đây là tiền đề thứ nhất mà chúng ta suy ngẫm. Nếu như chúng ta hy vọng ngay trong đời này thoát khỏi luân hồi, không còn làm những việc của sáu đường ba cõi nữa, vậy thì chúng ta tất cả phải thuận theo giáo huấn của Phật Đà. Nếu như muốn tiếp tục đọa vào ba cõi sáu đường, vậy thì có thể tùy thuận theo ý nghĩ của chính mình. Sự việc này Phật cũng không miễn cưỡng người, tôi càng không giám miễn cưỡng, tôi chỉ nhắc nhở đến đây thôi, các vị tự mình đi chọn lựa. Nhưng nếu bạn muốn hỏi tôi, tôi có thể nói với bạn, tôi chọn lựa ngay trong đời này thoát khỏi luân hồi, tôi không làm việc sáu cõi sanh tử luân hồi nữa. Tất cả tùy thuận giáo huấn của Phật, Bồ tát. Phật dạy chúng ta làm thế nào, thì trung thực mà làm theo.
Không vọng ngữ, nhất định không được lừa dối bất cứ người nào. Họ lừa dối ta thì được, tại sao vậy? Họ là người của sáu cõi luân hồi, ta không thể lừa dối họ, ta phải cùng Phật, Bồ tát học tập. Không sợ thiệt thòi, không sợ lỗ.
Con người ở đời rất khó sống đến một trăm tuổi, cho dù sống đến một trăm tuổi, thời gian của một trăm năm rất ngắn thôi. Chịu thiệt một trăm năm, chịu lỗ một trăm năm, mà sau đó đến thế giới Cực Lạc để làm Phật, thật là xứng đáng! Việc này chúng ta phải tính toán cho rõ ràng, rốt cuộc thì ai được lợi, ai được hại? Nhất định phải làm cho thật rõ, minh minh bạch bạch. Cho nên không vọng ngữ là chính xác. Người với người qua lại, người với tất cả chúng sanh qua lại quan trọng nhất là thành thật, lời nói phải có chữ tín.
Thứ hai, không hai lưỡi.
Hai lưỡi là khiêu khích phải quấy, tội này rất nặng! Ở trên kinh nói với chúng ta, quả báo của hai lưỡi là ở địa ngục cắt lưỡi. Các vị đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, trong địa ngục có địa ngục cắt lưỡi. Địa ngục cắt lưỡi là do tạo nghiệp gì vậy? Nói hai lưỡi, khiêu khích phải quấy.
Thứ ba là ác khẩu.
Ác khẩu là nói thô lỗ, lời nói rất khó nghe, làm cho người nghe không dễ chịu.
Thứ tư là lời nói thêu dệt.
Điều này cũng rất nghiêm trọng. Lời nói thêu dệt mục đích là dối gạt chúng sanh. Thế nên hiện tại có một số đồng tu hỏi tôi, thế nào là lời thêu dệt, nêu ra một thí dụ để họ hiểu. Hiện tại thí dụ này quá nhiều. Những loại biểu diễn trong ca múa vũ trường, đó chính là lời thêu dệt. Ngày nay gọi là Văn Nghệ, danh từ rất dễ nghe. Văn nghệ, ca vũ, diễn xuất, ngày xưa có hay không? Có! Bạn xem qua trong Luận Ngữ, sách Thi Thư, Khổng Lão Phu Tử đối với lễ nhạc giữ một nguyên tắc, thi ca lúc đó chính là ca dao của ngày nay. Sưu tập nó lại, tiến hành thẩm định. Tiêu chuẩn của thẩm định chỉ ba chữ: “Tư vô tà”. Đây là chánh pháp. Cái này là hiệu quả văn nghệ chánh diện.