/ 4
6

TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC -

HIẾU DƯỠNG CHA MẸ LÀ NGUỒN CỘI CỦA PHƯỚC BÁO

(Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa)

TẬP 4

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: 29/05/2011

Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật-đà Hồng Kông


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 540, bắt đầu xem từ hàng thứ 5 từ dưới lên.

Thứ ba là không dâm dật, không tà dâm. “Ngừng dứt làm việc ác, như dâm dục với người không phải thê thiếp, nên làm việc thiện cung kính”. Tiếp theo Niệm Lão giải thích cho chúng ta. Câu thứ nhất ở trong loại chánh nhân thứ hai là tu hành thập thiện. Điều thứ nhất trong thập thiện là không sát sanh, thứ hai là không trộm cắp, thứ ba là không dâm dục, đây là ba điều thiện của thân. Thập thiện nghiệp, thông thường người học Phật đều xem nhẹ nó. Cho rằng đây là giới nhỏ, lỗi lầm không quá lớn, cho nên lơ là. Không biết rằng thập thiện là căn bản của giới luật. Thập thiện mà làm không được thì làm sao có thể trì giới? Ngày nay Phật pháp đã suy yếu, suy đến cực điểm. Thông thường người trong xã hội thấy Phật giáo đều cho rằng Phật giáo là tôn giáo. Ngụ ý tôn giáo chính là mê tín. Chúng ta xem thử đệ tử Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, đối với xã hội, đối với chúng sanh chúng ta có những cống hiến gì? Trên thực tế, Phật giáo và các tôn giáo thông thường khác không khác nhau nhiều lắm. Thông thường các đoàn thể tôn giáo đang cùng nhau cầu nguyện, hi vọng có thể hóa giải thiên tai nhân họa. Nhà Phật cũng có rất nhiều pháp hội, mục đích cũng không ngoại lệ, nhưng người thế gian họ nhìn như thế nào? Cho rằng bạn là mê tín, không thừa nhận hiệu quả những cầu nguyện này của bạn. Cách nhìn này tuy không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng không phải không có đạo lí, vì sao vậy? Vì chúng ta không làm ra tấm gương tốt cho xã hội đại chúng xem. Nếu thập thiện nghiệp làm được, đều có thể thực tiễn, tôi tin rằng xã hội đại chúng đối với đệ tử nhà Phật sẽ có cái nhìn khác. Họ khâm phục bạn, họ tôn trọng bạn, vì sao vậy? Vì họ không làm được, bạn đã làm được. Sát sanh là tiêu cực, phóng sanh là tích cực. Không trộm cắp, nhất định không có ý niệm chiếm đoạt tiện nghi của người khác, đây là thuộc về trộm cắp. Tích cực là tận tâm tận lực giúp đỡ xã hội, điều này ở trên đã nói, nên làm việc thiện bố thí. Không dâm dục, trong thập thiện đối với tại gia nói rất nhiều. Nó không phải nói với người xuất gia, người xuất gia có giới luật của người xuất gia. Cho nên, thập thiện nghiệp đạo là giáo dục của thế gian, trong nhà Phật cho rằng xã hội đại chúng, mỗi người đều cần phải học tập. Đây là khuôn phép đạo đức căn bản để làm người. Không phải thê thiếp của mình thì không nên có hành vi tà hạnh, nhất định phải tuân thủ. Tích cực là nên làm việc thiện cung kính, giữa người với người cần có lễ tiết.

Ngày nay các đồng tu học Phật, tại gia “Thập Thiện Nghiệp” không làm được, xuất gia “Sa-di Luật Nghi không làm được, đây là nhân duyên chính làm cho Phật pháp suy vong, là nhân tố đứng đầu. Chúng ta thật sự học Phật, đối với giới luật không thể không xem trọng. Bắt đầu làm từ đâu? Vẫn là bắt đầu làm từ Đệ Tử Quy. Phía trước chúng ta học qua tịnh nghiệp tam phước. Điều thứ nhất của tịnh nghiệp tam phước: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”. Đây là điều thứ nhất. Đức Thế Tôn dạy chúng ta tịnh nghiệp tam phước. “Phước” là phước báo, mỗi người đều mong cầu. Điều thứ nhất này là phước báo trời người, cần hay không? Mỗi người đều mong cầu. Phước báo là quả, có quả ắt có nhân. Tổ sư đại đức thường bảo với chúng ta, “trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Tôi lúc mới học Phật không có mong cầu gì, nhưng đại sư Chương Gia nói cho tôi biết câu này tôi mới hiểu được “trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Cầu thành Phật, cầu thành Bồ-tát đều có thể làm được. Cầu phước báu trời người đây là việc nhỏ, sao có đạo lý cầu không được! Trong kinh giáo vì sao có cách nói như vậy, có cầu ắt ứng, cách nói này có phải khuếch trương hay không? Trong thập thiện, ngũ giới đều có không nói dối. Vậy lời của đức Phật không phải là giả, khẳng định là có thể cầu được. Đức Phật dạy chúng ta tu nhân thì đạt được quả báo, cảm được quả báo. Cầu giàu có được giàu có, cầu trí tuệ được thông minh trí tuệ, cầu sống lâu được khỏe mạnh sống lâu, không có gì là không được. Thầy nói với tôi: “Ông nên cầu như lí như pháp thì sẽ đạt được”. Như lý như pháp ở trong kinh giáo, bạn phải đọc kinh, hiểu rõ kinh giáo, y giáo phụng hành thì nguyện vọng của bạn sẽ đạt được, một chút cũng không giả. Giàu có từ đâu mà có? Từ bố thí mà có. Dùng tài vật bố thí, giúp đỡ người khác, cứu tế người khác. Đây là nhân, bạn được giàu có là quả báo. Cho dù bạn kinh doanh bất kì ngành nghề nào đều kiếm được tiền, tiền tài ùn ùn kéo đến. Đó là gì? Đó là quả báo. Sự nghiệp kinh doanh của bạn là duyên, bạn có nhân, thêm duyên thì quả báo hiện tiền. Bố thí pháp thì được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu. Trong kinh đức Phật thường dạy như vậy.

/ 4