158Thứ Năm, 29/06/2023, 09:21
91 · Giải Thích Lý Do Một Kiếp Vận

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 27/06/2023

****************************

“NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

Chương 5 – Phần 2: NHẮC NHỞ TIN SÂU NHÂN QUẢ

Mục: GIẢI THÍCH LÝ DO MỘT KIẾP VẬN

Con người có kiếp vận tốt hay xấu đều do phước báu trong mạng của chính họ đã định. Có những người cả cuộc đời đều gặp may mắn, thuận lợi nhưng có những người cả đời gặp khó khăn, hoạn nạn. Thậm chí khởi tâm động niệm của chúng ta cũng quyết định vận mạng của chúng ta. Một ý niệm thiện thì kết thành quả thiện, một ý niệm ác thì kết thành quả ác. Người xưa đã nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định” Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định. Tiền định không phải là ông trời định mà là do phước ở trong vận mệnh của chúng ta đã an bài. Việc này chúng ta phải thấu hiểu rõ ràng, tường tận.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian luôn ở trong trạng thái cạnh tranh, ngành nghề này cạnh tranh với ngành nghề kia. Chẳng những người trong cùng một nghề cạnh tranh với nhau mà còn có sự cạnh tranh giữa những người làm khác nghề”. Ở thế gian, có những người bán thịt nhìn thấy người bán rau củ bán đắt hàng, không mua thịt của họ thì họ sẽ tức giận.

Chúng ta làm giáo dục, mở trường dạy học nhưng cũng có người cạnh tranh quyết liệt. Nếu chúng ta có tâm niệm cạnh tranh với người thì chính chúng ta sẽ bị tổn hại. Người thế gian không biết được rằng vận mạng của chúng ta đã được định đặt sẵn. Vận mạng chúng ta tốt thì mọi việc của chúng ta đều suôn sẻ. Vận mệnh của chúng ta xấu thì cho dù chúng ta cạnh tranh, đấu tranh hay tài năng tới mức nào thì chúng ta cũng vẫn thất bại.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhìn thấy người khác mở ngân hàng nên họ có cuộc sống giàu sang, khi giao ngân hàng đó cho chúng ta thì chỉ sau vài tháng chúng ta đã làm cho ngân hàng đó phá sản. Đây trong vận mạng của chúng ta không có phước này. Việc này rất ít người hiểu được! Nếu chúng ta cố gắng cưỡng cầu thì chúng ta sẽ phiền não, khổ đau”.

Hòa Thượng nói: “Cạnh tranh không phải là việc tốt! Cạnh tranh sẽ sinh ra xung đột vậy thì con người không thể tránh khỏi tai nạn. Con người không biết rằng thiên tai đã tàn khốc nhưng nhân quả còn tàn khốc hơn!”. Dịch bệnh khiến rất nhiều người chết nhưng dịch bệnh vẫn chưa tàn khốc bằng chiến tranh. Chiến tranh là nhân quả do con người tạo ra.

Hòa Thượng nói: “Hiện tại, trên thế giới tai nạn diễn ra triền miên, mỗi năm một nhiều và nghiêm trọng hơn, không có dấu hiệu giảm nhẹ. Đây là việc lớn khiến con người cảm thấy lo lắng!”. Tôi ở đây đã hơn 15 năm nhưng tôi chưa từng nghe tới việc ngập lụt. Cách đây 10 năm, con đường trước cửa nhà tôi thấp hơn khoảng 60 đến 80cm mà vẫn không bị ngập nước. Hiện tại, con đường đã được làm cao hơn nhiều nhưng khi trời mưa đường vẫn bị ngập nước, xe cộ không thể đi qua được. Ngày trước, mọi người vẫn làm những cây cầu bằng gỗ nhưng hiện tại, khi lũ về có thể đẩy văng cả cầu làm bằng bê tông đi. Ở đây là thành phố cao nguyên mà còn như vậy!

Hòa Thượng nói: “Nếu con người muốn tiêu trừ thiên tai nhân quả thì con người phải biết lễ nhường, trong tâm không có sự cạnh tranh, không có sự đấu đá. Người ta giành một lần thì mình nhường một lần, người ta giành hai lần thì mình nhường hai lần. Người ta giành lần thứ ba thì mình nhường luôn lần thứ ba. Người ta lại tiếp tục giành thì ta lại tiếp tục nhường. Chúng ta làm như vậy thì mới không có tranh giành!. Chúng ta biết rõ rằng: “Trong vận mạng có nhất định có, trong vận mạng không thì nhất định không”. Nếu trong mạng chúng ta không có mà chúng ta cố tranh giành thì chúng ta cũng không thể có được, chúng ta nhường thì chúng ta cũng không mất. Đạo lý này tưởng chừng như dễ hiểu nhưng không nhiều người hiểu được. Những năm đầu, khi tôi mới dịch đĩa Hòa Thượng, Ngài nói lời này tôi chưa hiểu được đạo lý nên tôi cảm thấy không phục! Tôi không hiểu: “Tại sao lại phải mãi nhường vậy?”. Người thế gian nói nhiều nhất thì chỉ nhường ba lần chứ không có lần thứ tư

Hòa Thượng nói: “Tôi đi khắp nơi, tôi đến nơi nào thì những đồng tu ở đó xây dựng nên một cơ ngơi, sau một thời gian thì lại có người có ý muốn giành. Chỉ cần họ có ý muốn giành thì tôi đã rời khỏi. Cả đời của tôi đã phải ra đi, chuyển chỗ ở rất nhiều lần!”. Ngay khi chúng ta nhận thấy người khác có ý niệm muốn giành thì chúng ta đã nhường, chúng ta không cần tranh cãi hay không cần để họ phải nói ra. Đây là chúng ta chân thật hiểu rõ đạo lý nhân quả. Trong mạng chúng ta có thì chúng ta nhất định có, chúng ta nhường cho người khác thì chúng ta cũng không mất. Trong mạng chúng ta không có thì chúng ta nhất định không thể có.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook