40Thứ Năm, 04/01/2024, 08:57
268 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 30 - Xuất Gia

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 02/01/2024

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 12

 GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN

BÀI 30: XUẤT GIA

Người xuất gia là đại diện cho Phật. Người xuất gia nói riêng hay tứ chúng đệ tử Phật nói chung phải làm ra tấm gương theo chuẩn mực mà Phật chế định ở mức tốt nhất thì Phật pháp sẽ trụ dài lâu ở thế gian.

Xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não và ra khỏi nhà Tam Giới gồm Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Người xuất gia chính là người học Phật, phải trải qua đời sống nghiêm túc trong giáo giới của Phật như trên Kinh Hoa Nghiêm nói “Học vi nhân sư hành vi thế phạm”- Học để làm thầy người, để làm mô phạm cho đời.

Cho nên mọi lúc mọi nơi, người học Phật không lúc nào được tùy tiện, phóng túng. Ví dụ một việc nhỏ như trong lúc lạy Phật cũng phải quan sát ý niệm. Phải phát hiện ra kể cả một ý niệm phóng túng hay một hành động ngáp tùy tiện và không để mình tiếp tục làm như vậy.

Đấy chính là công phu. Ngày ngày chính mình phải thúc liễm, kiểm soát chính mình vì mình biết mình là phàm phu nhiều tập khí. Phải đặt cảnh báo sớm giống như khi một phi cơ bay vào không phận là đã nhận ra rồi.

Cảnh giác của tâm cũng thế, chỉ cần khi 16 tên giặc gồm “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” xâm nhập là phải phát hiện ra rồi. Nếu không nhận ra thì ta bị nó sai sử, bị lăn lông lốc như con gấu bông bị trẻ buộc dây vào cổ kéo đi.

Từng giờ từng phút nếu mình kiểm soát được nội tâm của chính mình thì sẽ nhận biết rõ ràng mọi sự mọi việc xung quanh, sẽ sắp đặt và giải quyết vấn đề đạt đến chu đáo.

Có người nghĩ công phu là tụng bao nhiêu bài Kinh, niệm bao nhiêu câu Phật hiệu và lạy bao nhiêu lạy Phật. Đó chỉ là một hình thức tu hành chứ không phải là toàn diện. Vậy như thế nào là người chân thật tu hành, Hòa Thượng nói: “Hòa chính là tu hành”.

Ý của Ngài muốn nói là người tu hành phải“Hòa” thuận với mọi người, với đại tự nhiên và với thiên địa quỷ thần. “Hòa” là nhân, “Bình” là quả. Muốn “Bình” thì phải “Hòa”. Nếu không “Hòa” thì vĩnh viễn không có “Bình”.

Cho nên mọi sự, mọi việc nếu muốn tốt đẹp thì “Hòa” là đầu tiên. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian” tức là không đem lỗi người vướng mắc vào tâm mình để rồi chính mình phân biệt, vọng tưởng, chấp trước. “Không thấy” là không dính mắc chứ không phải không nhận biết được hay bàng quan mọi sự.

Người học Phật phải nhận biết tinh tường rồi đem tâm chân thành, từ bi của mình đối đãi mọi sự mọi việc mọi vật. Một cây héo sắp chết, ta tưới nước. Một đồ vật không đúng vị trí, ta sắp đặt lại. Một người có lầm lỗi, ta động viên, nhắc nhở thậm chí là quở trách, trừng phạt.

Tuy nhiên, sự tinh tường của mọi người chưa cao, còn sơ sài và qua loa đôi lúc còn như không có cảm giác. Mình đừng tưởng rằng mọi việc không liên quan đến tâm chân thành và từ bi của mình.

Có lần chúng tôi trách mắng học trò sau đó chỉ cách làm cho họ. Khi họ đi rồi, tôi cảm thấy lỗi lầm vì nếu họ không hiểu mà giận dỗi bỏ đi thì thiếu người vì việc cần làm quá nhiều. Nhưng ngày hôm sau, họ làm đúng như chúng tôi đã chỉ bảo. Tự nhiên, nước mắt chúng tôi cứ trào dâng. Rõ ràng họ đã vượt qua sự tự ti, mặc cảm hay sai lầm để vươn lên, vậy thì việc phục vụ chúng sanh của họ sẽ càng tốt hơn.

Cho nên “không thấy lỗi thế gian” không phải là không thấy gì hết. Những việc có hay không liên quan đến ta, ta không để tâm nhưng mọi sự mọi việc vẫn can thiệp, giảng giải, trách mắng nhưng xong rồi thì không để trong tâm.

Hòa Thượng chỉ dạy: “Một người học Phật mà không hòa thì vô đạo khả ngôn (không có việc gì để nói)”. Thế gian gọi là cạn lời.

Ngài nói: “Thành pháp quy củ mà Phật chế định nếu bốn chúng đệ tử tuân thủ thì Phật pháp sẽ cửu trụ (trụ dài lâu) ở thế gian. Pháp duyên sẽ thù thắng, bốn chúng sẽ có phước mà hưởng nhờ”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook