171Thứ Năm, 28/12/2023, 18:57
263 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 24 - Phước Báu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, thứ Tư, ngày 27/12/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 12

GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN

BÀI 24: PHƯỚC BÁU

Từ xưa đến nay, không ai là không mong cầu “Phước báu”. Một khi có “Phước” thì đời sống hay việc tu học có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ trong một niệm mà Phước” có thể biến thành “Họa” hoặc ngược lại.

Hòa Thượng nói: “Phước báu từ đâu mà ra? Người xưa thường nói phước do tâm tạo. Nếu không cầu từ nơi tâm thì nhất định không có được phước báu”.

Phước” do tâm tạo nên chỉ cần làm việc từ tâm chân thành thì “Phước báu” lớn, mọi việc thuận lợi một cách viên mãn, tự nhiên sẽ có chuyển đổi bất khả tư nghì.

Một việc tu “Phước” rất đơn giản là hãy ra đường chân thành nhặt rác thì chỉ trong thời gian ngắn mọi việc sẽ rất suôn sẻ. Chúng ta có thể học tập việc này qua bộ đĩa “Sống” mà Thầy Trần Đại Huệ đã giảng.

Thầy trò chúng tôi cũng đi lượm rác và nhặt được một cái điện thoại. Tuy không nhiều tiền nhưng đối với người lao động lam lũ thì đây là cả gia tài. Chúng tôi trả lại và không lấy tiền chuộc khiến người nhận ngạc nhiên.

Việc trả lại điện thoại hay nhặt rác, thế gian cho là rất tầm thường nhưng lại có thể tạo ra “Phước báu”. Hành động tầm thường ấy làm họ ấn tượng nên sẽ là bài học không lời làm thay đổi quan niệm sống của họ.

Đúng như Hòa Thượng nói, “Phước báu” phải từ tâm chân thành. Mọi sự mọi việc như tưới rau, nhổ cỏ, cuốc đất, nấu cơm đều phải làm một cách chân thành. Chúng tôi cuốc đất ở Sơn Tây-Hà Nội mà người xung quanh động viên: “Cuốc đất thật có tâm. Chắc Phật tử trên chùa xuống làm.” Câu nói này khiến chúng ta xét lại mình đã làm với tâm chân thành chưa?

Hằng ngày, tâm chúng ta vẫn là mải vọng tưởng, nghĩ đến đủ việc mà quên đi việc dụng tâm chân thành tu “Phước báu” từ những công việc nhỏ bé nhưng không hề tầm thường như nhổ cỏ, cuốc đất, trồng rau, nhặt rác.

Tâm chúng ta đa phần hư danh ảo vọng, tự mãn, hổ thẹn hoặc đố kỵ. Thậm chí nhiều người còn khởi thắc mắc rằng nếu tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến giúp ích người, làm việc không nghĩ đến tiền thì tiền ở đâu ra?

Họ mê lầm cho rằng mọi thứ phải có sự đổi trác công bằng hoặc mọi thứ sẽ do Phật Bồ Tát, long thiên thiện thần hay quỷ thần ban phước. Phật Bồ Tát không làm được việc đó, Hộ pháp và quỷ thần lại càng không.

Tuy nhiên nhà Phật có câu “có cầu tất có ứng” - “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Vậy phải cầu thế nào? Cầu như lý như pháp là khởi tâm động niệm, hành động tạo tác đều chân thành “vì chúng sanh phục vụ”, không vì cái ta hay ảo danh ảo vọng.

Một vị xuất gia cũng nghi ngờ điều này và nói với Hòa Thượng rằng ông cầu Bồ Tát Địa Tạng một cái tủ lạnh mà mấy năm chưa được. Vì ông ở một mình nên Hoà Thượng nói rằng nếu Ngài là Bồ Tát Địa Tạng thì Ngài cũng không cho ông vì nếu cho là thỏa mãn tham cầu “tự tư tự lợi”, là làm hại chúng sanh. Cầu trong nhà Phật là cầu cho tất cả chúng sanh, không cầu cho riêng mình.

Người học Phật không cầu riêng cho mình bởi họ biết rằng “Phước báu” sẽ tự sắp xếp chu đáo - “Người phước ở đất phước”. Quan trọng là dụng tâm chân thành mà đối nhân xử thế.

Một minh chứng cho điều này là công tác chuẩn bị ngày vía Phật A Di Đà rất thuận lợi. Tài lực, vật lực đến một cách tự nhiên mà không hề có sự vận động nào. Việc này thù thắng đến nỗi như có sự an bài của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Thần.

Nếu chúng ta biết mọi nơi mọi chỗ đều dụng tâm một cách chân thành thì từ việc lớn đến việc nhỏ đều sinh ra “Phước báu”. Mỗi việc làm đó đều là bài pháp không lời bố thí đến những chúng sanh cang cường khó thuyết phục.

Bố thí cũng là cách để tu “Phước báu”, Hòa Thượng chỉ dạy cách bố thí pháp thiết thực nhất ngày nay là làm ra tấm gương để người ta nhìn thấy mà học tập. Mỗi cá nhân làm tốt công việc trong vị trí của mình thì đã độ được rất nhiều người đồng nghiệp.

Nếu mình khuyên người ta nghe 40 tập thầy Thái giảng “Con đường dẫn đến hạnh phúc nhân sinh”, họ sẽ nếu đủ lý do để không nghe.

Vậy thì mình sẽ cô đọng 40 tập này vào đời sống rồi lưu xuất ra bằng những hành động cụ thể hằng ngày, làm ra tấm gương khiến họ ngưỡng mộ dò la xem thử, tự nhiên người ta được độ rồi.

Phước báu” rất quan trọng với người tu học. Hòa Thượng nói: “Tìm được một nơi tịch tĩnh, một hoàn cảnh u nhã mà tu hành là phước báu của một người. Chúng tôi cũng muốn ẩn cư nhưng không có phước báu đó.

“Ở nơi đô thị tu hành là rất bất hạnh, ngày ngày phải đối kháng với hoàn cảnh. Mỗi giờ mỗi lúc đều phải đề cao cảnh giác, chỉ cần không cẩn trọng thì mình trở thành kẻ bại trận. Vậy thì bạn đã đọa lạc rồi”.

Đối kháng với hoàn cảnh nghĩa là mình phải đối trị với cám dỗ, mê hoặc từ môi trường đô thị. Nếu không đối trị được thì sẽ là kẻ bại trận bởi vì hễ gặp “Tài Sắc Danh Thực Thùy” thì dính “Tài Sắc Danh Thực Thùy”.

Giải thích thêm về điều này, Hòa Thượng nói: “Thời đại hiện nay, mỗi một khu vực, mỗi một nơi đều có bất an. Việc này không chỉ hiện tại mà trước đây cũng đã thường xảy ra nên Thế Tôn trên Kinh thường nói “ngũ trược ác thế”.

Ngũ trược ác thế là đời ác năm trược gồm kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược. Ngài nói: “Trong hoàn cảnh ác liệt này, chúng ta vẫn có thể gặp được Phật pháp, vẫn có thể có một hoàn cảnh tu dưỡng tốt đẹp. Đây là phước báu từ vô lượng kiếp.

Thế gian này có rất nhiều người muốn tìm chốn tịch tĩnh để tu hành nhưng tìm không được nên chống đối. Chân thật muốn dụng công cũng không có hoàn cảnh tốt. Đây là duyên không đủ.

“Mặt khác, có người có hoàn cảnh tốt để tu học nhưng không chịu dụng công là do thiện căn phước đức không đủ.

Trong đời ác năm trược này, tuy chúng ta chưa đạt đến an nhiên tự tại nhưng đời sống nhẹ nhàng hơn nhiều người, không bị dằn vặt bởi ưu tư mong cầu.

Chúng ta còn gặp được Phật Pháp, chuẩn mực Thánh Hiền và tìm về cội nguồn thông qua những tấm gương đức hạnh của cha ông và đang nỗ lực lan tỏa những tấm gương ấy.

Hòa Thượng nói đây là phước báu đã tu được từ vô lượng kiếp trước. Chúng ta có hoàn cảnh tốt - “thắng địa tu hành” như thế này mà không trân trọng thì rất đáng tiếc. Phương pháp và lý luận đã rõ ràng, chỉ cần dụng tâm chân thành thì mọi việc sẽ đạt mức tốt nhất.

Cho nên “Họa” hay “Phước” ở ngay trong một niệm của chính mình. Nếu một niệm “tự tư tự lợi”, đem tất cả tiền tài mình có để cung phụng cho tham cầu của bản thân thì là “Họa”.

Nếu biết đem tiền tài của cải đó phục vụ chúng sanh thì là người có trí tuệ. Cho nên Hòa Thượng nói một câu nổi tiếng: “Có tiền là phước báu nhưng dùng tiền là trí tuệ.

Ngài nói: “Có tiền của là phước báu thế nhưng Phước hay là Họa cũng rất khó nói. Người xưa tạo chữ rất trí tuệ. Nhìn vào thì giống chữ Phước, nhưng nhìn kỹ lại là chữ Họa. Khi ta xem qua phải giác ngộ.”

Một niệm giác là một ý niệm tỉnh thức, sáng suốt thì Họa liền biến thành Phước còn một niệm mê thì Phước liền biến thành Họa.

Không biết sử dụng tiền tài làm lợi ích cho chúng sanh hay cứu sinh mạng mà chỉ biết cất giữ trong tủ để cho những người gặp nạn bị đói, bị chết thì đó là niệm Mê. Ban đầu phát tâm là cho đi nhưng sau đó hối hận, đổi ý hay thường khởi ý niệm tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần cũng là mê. Nếu vậy thì “Phước” của mình đều biến thành “Họa”.

Hòa Thượng phân tích: “Bạn có đầy tiền của nhưng bạn không biết làm việc tốt, bạn bo bo giữ chặt để thỏa mãn dục vọng bản thân thì đây là họa hại”.

“Chính vì niệm mê lầm đó mà bạn thờ ơ với hoàn cảnh sống của mình. Bạn có tiền mà bạn vô cảm để người ta đói, khổ, không vượt qua được hoạn nạn, vậy thì bạn đã tạo nghiệp.

Trên tinh thần Bồ Tát đạo, tinh thần của người học Phật, một việc thiện mà không làm là phạm giới và trong khả năng làm được mà không nỗ lực làm thì không thể phát tâm đại từ bi đồng cảm với chúng sanh, không xứng là người học Phật.

Hòa Thượng nhấn mạnh rằng: “Tuy rằng bạn không hại người nhưng bạn khư khư giữ lấy tiền mà bạn có thì đó là xan tham, bỏn xẻn. Ý niệm này là địa ngục đấy!

Thời xưa, người ta khắc chữ “Thông hóa” trên đồng tiền nghĩa là vật này để lưu thông chứ không để cất giữ. Cho nên nếu đem cất giữ thì là tội còn nếu đem lưu thông thì đây là “Phước”. “Họa” hay “Phước” chỉ ở ngay một niệm. Cho đi chính là “Phước” giữ chặt lại chính là “Họa”./.

***********************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến

để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook