62Thứ Ba, 31/10/2023, 16:23

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 30/10/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 7

NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

 (BÀI 11)

Trên “Kinh Kim Cang” Phật dạy, chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải lìa ba tướng, không thấy người làm, không thấy người nhận và không thấy vật cho đi. Đây gọi là bố thí tam luân không tịch hay còn gọi là bố thí đáo bỉ ngạn. Chúng ta luôn dính vào hình tướng nên chúng ta luôn mong muốn được người báo đáp, chúng ta luôn cảm thấy thuận ý vừa lòng khi nhận được sự đãi ngộ tốt. Chúng ta muốn làm việc tốt cho người thì chúng ta có thể đến mà không cần báo trước, làm xong việc thì chúng ta ra đi. Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm, nên làm không công, không đức”. Chúng ta làm với tâm không mong cầu công đức thì công đức sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần. Việc này nếu không có người dạy bảo thì chúng ta sẽ không biết!

Mấy hôm nay, trong người tôi có bệnh, tôi lo rằng mình không còn nhiều thời gian làm việc chúng sanh nên tôi càng nỗ lực làm nhiều hơn. Hòa Thượng nói: “Khi hơi thở còn trong ta, khi linh hồn còn trong thân tứ đại thì hãy mau mau làm việc tốt”. Khi linh hồn không còn trong thân tứ đại, chúng ta muốn làm việc thì chúng ta cũng “lực bất tòng tâm”. Từ rất lâu, tôi đã cố gắng nỗ lực làm theo lời Hoà Thượng, mỗi chúng ta khác nhau chỉ ở sự nỗ lực. Tôi thường nói về một ngày của mình để mọi người biết vận hành một ngày của mình một cách có ý nghĩa. Chúng ta phải vận hành một ngày của mình để lợi ích cho chúng sanh và cho thân tâm của chính mình. Nếu chúng ta không thể vận hành một ngày thì chúng ta sẽ không thể vận hành được cuộc đời của chính mình.

Sáng hôm qua, tôi lên lớp học, sau đó tôi tìm đường đến nhà người đã nhờ tôi làm lễ hằng thuận. Tôi đến sớm hơn một tiếng, chú rể đang đi đón cô dâu nên mọi người ở nhà không biết tôi là ai. Khi chú rể và cô dâu về thì tôi làm lễ hằng thuận cho họ, tôi nói ngắn gọn, chỉ nói những lời mộc mạc đơn sơ, khi tôi nói xong, mọi người tưởng tôi chưa tổ chức lễ xong buổi lễ. Tôi nhắc hai vợ chồng hứa với Cha Mẹ và cô dâu, chú rể hứa với nhau, không có phần phu thê giao bái nhiều giống như trên mạng. Khi tôi nói cô dâu, chú rể quỳ tri ân Bố Mẹ thì Bố của chú rể không đồng ý cho các con lạy, đây là do ông chưa hiểu về đạo nghĩa của người làm con. Khi chúng tôi ra về, họ tặng quà nhưng chúng tôi không nhận. Điều quan trọng là chúng ta phải thật làm! Chúng ta thường chạy theo hình thức bề ngoài mà không coi trọng thực chất.

Sau khi về, tôi dành thời gian nói chuyện với các Cô giáo và những người có tâm với văn hoá truyền thống, tiếp đó, tôi đi di chuyển về Sóc Trăng, thời gian di chuyển khoảng 6 đến 7 giờ. Chúng ta đang vận hành một ngày và vận hành cuộc đời của chúng ta như thế nào? Có những người dành cả cuộc đời hưởng thụ “danh vọng lợi dưỡng”, chìm đắm trong “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta chân thật học Phật thì chúng ta sẽ được sống một cuộc đời chân thật có ý nghĩa và ra đi một cách tự tại. Thầy Thái từng nói: “Mỗi buổi sáng, khi chúng thức dậy, chúng ta đều mỉm cười!”. Người thế gian thường lo lắng khi một ngày mới bắt đầu, trong khi đó chúng ta hân hoan đón ngày mới để chúng ta có thể tiếp tục làm những việc lợi ích chúng sanh. Sáng nay, sau khi học xong, tôi sẽ phải di chuyển rất nhiều nơi để thăm và tặng quà mọi người.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chân thật là đệ tử Phật thì chúng ta phải học tập Phật, Ngài là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Chúng ta hướng đến Phật học tập thì chúng ta nhất định sẽ không có sai lầm. Phật đã vì chúng ta thị hiện ra tấm gương tốt nhất, đời sống của Ngài là nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm, trên người chỉ có ba tấm áo choàng. Phật không để dành, không tích chứa, Ngài chỉ cần có cơm ăn no, có áo mặc ấm, có một chỗ nhỏ che nắng mưa là đủ rồi!”. Chúng ta khổ vì chúng ta luôn cảm thấy không đủ. Người xưa nói: “Tri túc thường lạc”. Biết đủ thường vui. Chúng ta luôn cảm thấy mình không may mắn, mình thiệt thòi nên chúng ta không vui. Người xưa nói: “Nhất ẩm, nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định, do phước trong vận mạng của chúng ta đã định.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook