173Thứ Sáu, 06/10/2023, 21:14
182 · Khuyến Tấn Hành Giả Nỗ Lực - 10

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 06/10/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

KHUYẾN TẤN HÀNH GIẢ NỖ LỰC

(BÀI MƯỜI)

Nếu chúng ta không được động viên, nhắc nhở thì chúng ta sẽ ngày ngày lui sụt. Hằng ngày, chúng ta nghe Kinh, nghe pháp chính là chúng ta đang được tưới tẩm, được nhắc nhở. Hòa Thượng từng nói, sức khoẻ của người ngày nay rất yếu ớt, chúng ta gặp mưa nắng thất thường thì cơ thể chúng ta liền sinh bệnh, chúng ta bị bệnh thì chúng ta sẽ càng lười biếng, giải đãi. Chúng ta thường cho rằng chúng ta đọc Kinh thì chúng ta sẽ có phước, đây là ý niệm sai lầm, điều quan trọng là chúng ta dùng tâm gì để đọc Kinh, niệm Phật!

Một lần tôi đến một đạo tràng ở Nha Trang, người trong đạo tràng tụng “Kinh Pháp Hoa”, trong Kinh Pháp Hoanói: Cho dù tạo tội hơn núi cả, chẳng nhọc diệu pháp vài ba hàng”. Tôi nói với mọi người: “Kinh Pháp Hoa” là Kinh Đại Thừa nên chúng ta phải dùng tâm Đại Thừa để tụng, nếu chúng ta dùng tâm nhỏ hẹp, tâm “tự tư tự lợi” để tụng thì chúng ta không có được lợi ích!”. Sau đó, tôi hỏi mọi người: “Khi các Bồ Tát ở đây đi chợ có ai chọn mua những trái nhỏ không?”. Mọi người đều nhìn xuống không dám nhìn lên. Tâm Đại Thừa là tâm luôn nhường sự tiện nghi, nhường lợi ích cho người khác. Chúng ta dùng tâm “tự tư tự lợi” để tụng Kinh thì chúng ta chỉ giống như một chiếc máy MP3. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh để tụng Kinh thì chúng ta tụng Kinh nào, công đức cũng như nhau.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải điều thân, tâm mình cho tốt, chúng ta sửa thân tướng của mình tốt thì chúng ta sẽ làm ra chuẩn mực, người khác sẽ kính trọng, tin theo chúng ta. Chúng ta ăn uống, đi đứng, nằm ngồi đều phải đúng như pháp”. Ngày nay, mọi người nhìn thấy những tấm gương thật làm thì họ mới tin. Trong nhà Phật, Tỳ kheo phải thọ 250 giới, Tỳ kheo ni phải thọ 348 giới. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta những chuẩn mực trong lúc ăn uống, đi đứng, nằm ngồi, chúng ta làm đúng với những điều mà “Đệ Tử Quy” dạy là chúng ta làm đúng với pháp. Hằng ngày, chúng ta phải điều chỉnh thân, khẩu, ý để chúng ta không tạo nghiệp. Chúng ta rất dễ tạo khẩu nghiệp. Hòa Thượng Trí Tịnh nhắc: “Chúng ta phải ngày ngày ăn chay, niệm Phật. Chúng ta miệng nào niệm Phật, miệng nào ăn thịt chúng sanh?”. Nhờ lời nhắc nhở này của Hòa Thượng Trí Tịnh mà tôi đã chuyển sang ăn chay.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta ứng dụng lời dạy của Phật để sửa đổi hành vi của mình, chúng ta làm mọi việc một cách rất tự tại”. Chúng ta phải làm mọi việc một cách rất tự nhiên không miễn cưỡng. Thí dụ, khi chúng ta đi tới góc đường thì chúng ta nhớ lời dạy “Rẽ quẹo rộng chớ đụng góc”. Nếu chúng ta sắp tranh cãi với người thì chúng ta nhớ: “Lời nhường nhịn tức giận mất”. Nếu chúng ta chỉ cần ăn chay là có thể thành Phật thì các loài vật ăn thực vật như con thỏ, con trâu, con bò cũng đã thành Phật. Các loài động vật không thể kiểm soát được khởi tâm động niệm, cách đi đứng, nằm ngồi nên chúng không thể sửa đổi thân tâm. Chúng ta kiểm soát khởi tâm động niệm, hành động tạo tác thì chúng ta mới có thể chuyển phàm thành Thánh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu tâm để tâm chúng ta an trụ, sau đó, chúng ta dùng tâm này để niệm Phật”. Hằng ngày, chúng ta làm việc vì chúng sanh nhưng chúng ta không thấy mình đang làm thì đây chính là chúng ta buông xả. Hòa Thượng nói: “Chúng ta buông xả trên tâm không buông xả trên sự”. Chúng ta có rất nhiều việc cần làm cho chúng sanh. Hiện tại, chúng ta làm đậu rất cẩn thận để mang tặng; Chúng ta ăn rau xấu, tặng mọi người rau đẹp. Đây chính là chúng ta “xả mình vì người”. Chúng ta phải nhường tiện nghi cho người, nhận lấy sự bất tiện cho mình. Chúng ta tích cực làm việc vì chúng sanh nhưng tâm chúng ta an trụ trong thánh hiệu của “A Di Đà Phật”. Nếu chúng ta vẫn giành ăn, vẫn mắng người thì chúng ta niệm Phật không thể có thành tựu. Tổ Sư Đại Đức nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm, rát họng chỉ uổng công”. Chúng ta dùng tâm thanh tịnh niệm Phật thì: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tích cực làm việc vì chúng sanh, chúng ta làm ra hình tượng của người niệm Phật thì chính là chúng ta thúc đẩy pháp môn vô thượng”. Chúng ta có tâm vì chúng sanh thì trong nguồn tâm của chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều việc để làm. Hôm nay, tôi nhắc mọi người mua 20kg khoai mì, đậu xanh, khi mọi người đi đá bóng tôi ở nhà gói bánh, mọi người về sẽ có bánh để ăn. Tôi làm một cách tự động, tự phát không miễn cưỡng.

Hằng ngày, chúng ta vẫn vọng tưởng nhưng chúng ta lại không vọng tưởng về những điều tốt, nếu chúng ta nghĩ đến việc lợi ích chúng sanh mà chúng ta làm được thì việc đó sẽ không còn là vọng tưởng. Chúng ta sợ được mất, lời lỗ, sợ mệt thì chúng ta không thể nghĩ ra được việc gì lợi ích chúng sanh. Nhiều người cho rằng, chúng ta chỉ tặng cho thì chúng ta sẽ hết, đây là ý niệm ích kỷ, tư lợi, chúng ta tích cực lao động thì chúng ta sẽ luôn có đồ để tặng cho. Đại chúng xã hội nhìn thấy việc làm của chúng ta tích cực thì chính là chúng ta đã hiệu đính lại hình ảnh của người học Phật. Nhiều người học Phật bi quan, yểm thế không tích cực làm việc vì chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tra trong Đại Tạng Kinh xem, Thích Ca Mâu Ni Phật có ngày nào nghỉ hè không? ”. Đây là tinh thần tích cực, nỗ lực vì chúng sanh phục vụ của nhà Phật.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tỉ mỉ thể hội, chăm chỉ, nỗ lực làm thì đời này chúng ta sẽ không trôi qua một cách vô ích. Chúng ta chân thật hướng đến Phật Bồ Tát học tập chính là chúng ta học Phật”. Chúng ta nỗ lực hơn một chút thì chúng ta sẽ không uổng phí kiếp sống này. Hiện tại, tôi “tâm có thừa mà sức không đủ”. Tôi muốn làm nhiều việc nhưng sức khoẻ của tôi không đủ. Trước đây, tôi có thể lái xe vào Cà Mau nhưng hiện tại, tôi lái xe hơn 100km thì mắt tôi đã nhoè.

Chúng ta làm theo sáu phép tu của Bồ Tát: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ” thì những người xung quanh chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Chúng ta đến đâu chúng ta cũng phải tạo ra hoàn cảnh sống tốt đẹp nhất cho những người xung quanh. Sáng nay, chúng tôi đã nấu xong một nồi bún riêu, khi học xong mọi người sẽ cùng ăn. Chúng ta hướng đến Phật không phải là chúng ta ngồi tụng Kinh cho Phật nghe mà chúng ta phải tích cực làm theo tấm gương của các Ngài. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta: “Dĩ thân tác tắc”. Chúng ta phải làm ra tấm gương cho mọi người.

Hòa Thượng nói: “Người ngày nay, mỗi ngày đều như đang từng bước đi xuống vực thẳm, đi vào cửa Địa ngục. Rất ít người cảnh giác, nhìn thấy, đề phòng việc này, người có thể nhìn ra chân tướng, sự thật này thì họ sẽ được cứu. Chúng ta không nhìn thấy chân tướng, sự thật thì người khác nhắc nhở chúng ta, chúng ta cũng không tin vậy thì chúng ta không còn cách nào để cứu!”. Hằng ngày, khi chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác là chúng ta đang tạo ra dẫn nghiệp. Chúng ta đang tạo ra dẫn nghiệp để chúng ta đi về thế giới Tây Phương Cực Lạc hay chúng ta đang tạo dẫn nghiệp để chúng ta đi vào ba đường ác? Hòa Thượng đang cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta. Chúng ta chìm đắm trong hưởng thụ “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” là chúng ta đang dần đến cánh cửa Địa ngục. Chúng ta chìm đắm trong thứ gì thì chúng ta cũng đã khai một đại lộ thẳng đến Địa ngục. Hôm trước, có người lên chỗ tôi, họ ngủ say đến mức tôi làm mọi cách cũng không thể đánh thức.

Hòa Thượng nói: “Người học Phật phải có trí tuệ chân thật để thực tiễn đạo trung thứ của Khổng Lão Phu Tử và tâm Đại Từ Bi của Thế Tôn ngay trong cuộc sống. Chúng ta làm được điều này thì chúng ta mới không hổ thẹn là học trò của Thánh Hiền, học trò của Phật!”. Chúng ta khởi được tâm từ bi thì chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều việc cần làm vì chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Đi đâu chúng ta cũng nên mang theo quà để tặng người!”. Đi đến nơi nào tôi cũng tích cực để làm ra quà tặng mọi người, tôi cũng thường mang theo thức ăn để mọi người cùng ăn. Hôm qua, tôi đến thăm trường Trần Đại Nghĩa, mọi người rất thích món kho, món chấm mà tôi mang theo. Chúng ta không cần làm việc gì lớn lao, chúng ta chỉ cần chăm chỉ một chút thì chúng ta sẽ làm được nhiều việc lợi ích chúng sanh. Trước đây, tôi là người bất tài, vô dụng, từ ngày học pháp với Hòa Thượng, tôi dần dần thay đổi, hiện tại, việc gì tôi cũng có thể làm. Tôi không học nấu ăn nhưng tôi có thể nấu rất nhiều món ăn mà không cần có công thức.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn ngay trong đời này có thành tựu thì trước tiên, chúng ta phải nhận ra tâm bệnh của mình. Chúng ta biết rõ những tập khí xấu ác của mình thì chúng ta phải trừ bỏ chúng từ ngay trong nội tâm”. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta nói, chúng ta độ chúng sanh nhưng cơm chúng ta không biết nấu thì chúng ta độ ai!”. Chúng ta muốn độ chúng sanh thì chúng ta phải có năng lực làm tất cả mọi việc, chúng ta phải làm được những việc ở thế gian đến mức tốt nhất. Chúng ta nỗ lực học thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được!

  *****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook