Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’,sáng thứ năm, ngày 27/7/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“PHẦN II - CHƯƠNG IX – CHÁNH THỌ” (BÀI MỘT)
Theo nguyên lý giáo dục của Phật thì Chánh Thọ là sự thọ nhận, tiếp nhận bình thường trong cuộc sống thường ngày mà tâm không bị chi phối bởi phiền não, vọng tưởng, buồn, vui, thương ghét, giận hờn.
Hòa Thượng nói: “Hằng ngày chúng ta tiếp nhận mọi thứ một cách bình thường”. “Bình thường” ở đây là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác. Xã hội ngày nay con người bị chi phối bởi hoàn cảnh nên thường sanh tâm buồn, vui, thương, ghét, giận hờn, thất tình lục giục. Đó là sự tiếp nhận “không bình thường”, sự tiếp nhận này thường sinh ra khổ đau. Niềm vui chân thật từ nội tâm thì không có tác dụng phụ. Chúng ta tiếp nhận nghịch cảnh, thuận cảnh cũng phải đạt được trạng thái “bình thường” và dùng tâm “bình thường” để niệm Phật, để làm Phật sự thì chân thật có lợi ích cho chúng sanh và chính bản thân mình. Nếu chúng ta niệm Phật, làm việc với tâm hiếu cầu, háo lợi thì kết quả của sự thọ nhận sẽ “không bình thường” gây ra khổ đau, phiền não cho chúng sanh và chính mình.
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh tự tác tự thọ, tự mình làm tự mình chịu”. Chúng ta phải hiểu rõ nguyên lý giải thoát hay đọa lạc đều do chính mình làm, chính mình nhận không được có tâm oán trời trách người. Người chân thật tu hành phải điều chỉnh tâm trở về trạng thái “bình thường”. Nếu chúng ta khởi tâm động niệm, tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm giục sáu trần, tham sân si, ngạo mạn đó là “tâm khác thường”, đó là “nhân” của sự khổ đau và đọa lạc.
Phật nói: “Bình thường tâm chính là đạo”.
Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh” “tâm bình thường” chính là tâm Phật. Hằng ngày chúng ta niệm Phật, làm Phật sự với tâm vọng động thì không có công đức, nhưng có phước báu. Tu công đức sẽ được vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, tu phước báu thì đi vào luân hồi để hưởng phước. Tu phước báu là đang tạo oán nghiệp cho đời thứ ba. Đời này tạo phước, đời sau hưởng phước, đời thứ ba đọa lạc.
Thân người được kết thành bởi đất, nước, gió, lửa, Phật nói: “Tứ đại điều hòa thì thân thể khỏe mạnh, tứ đại không điều hòa thì thân thể không khỏe mạnh. Khi tứ đại tan ra là kết thúc cuộc sống.”. Đây là quy luật sinh, lão, bệnh, tử tự nhiên của con người không ai thoát ra khỏi quy luật này.
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên. Chúng sanh thời mạt pháp rất đáng thương vì nói không thật thì họ tin, nói chân thật thì họ không tin”.
Chúng ta tu hành phải nghe lời Phật dạy, những lời Phật nói là đúng sự thật. Phật dạy chúng ta tiếp nhận mọi thứ trong cuộc sống phải có chánh tri chánh kiến từ những bậc tu hành chân chính. Chánh thọ chân thật của chúng sanh là sự tiếp nhận, hiểu biết rõ ràng và có trí tuệ. Phật dạy tất cả chúng sanh phải giữ tâm thanh tịnh, bình đẳng còn thân tứ đại thì sẽ bị hủy hoạt theo thời gian.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta hiểu tường tận thì tâm sẽ định, sẽ thanh tịnh đây là cảm thụ Phật Pháp chân thật. Hưởng thụ ở thế gian có vui, có buồn còn chánh thọ của Phật Pháp ở thế gian không có vui, buồn. Chúng sanh phàm phu luôn xem mọi thứ ở thế gian là thật, nên ý niệm, hành động mỗi lúc mỗi nơi đều là tạo nghiệp sanh tử luân hồi”
Hòa Thượng nói: “Người chân thật giác ngộ thì có thể tự tại vô ngại, có thể du hí thần thông giống như Chư Phật Bồ Tát. Các Ngài làm biểu pháp cho chúng ta thấy để chúng ta học tập, tin và thực hành. Nếu chúng ta không chân thật giác ngộ thì đa số đều có nguy cơ rơi vào tà tri, tà kiến. Chúng ta phải thường xuyên nhận ra khuyết điểm để bổ khuyết cho bản thân”
Hôm nay Hòa Thượng giải thích “Chánh thọ” để chúng ta quán chiếu hằng ngày chúng ta thọ nhận mọi thứ của cuộc sống với “tâm bình thường” hay “tâm khác thường”. Trên con đường tu học chúng ta phải điều chỉnh nội tâm, sửa đổi hành động để niệm Phật, để thọ nhận tài, sắc, danh, thực, thùy với “tâm bình thường” thì sẽ đạt được lợi ích chân thật của tu học Phật pháp.