43Thứ Sáu, 18/10/2024, 20:13

CHƯƠNG 2 BÀI 10

HIỂU RÕ GIÁO DỤC PHẬT ĐÀ


Buổi 78 ngày 19/01/2024

Phần 6. Hiểu rõ giáo dục Phật Đà (Phần 1)

Những năm gần đây, tai nạn càng lúc càng nhiều, đời sống của chúng sinh càng lúc càng khổ, về sau vẫn sẽ tiếp tục nghiêm trọng. Có người hỏi tôi: “Phật Bồ Tát đại từ đại bi, làm thế nào để cứu độ tất cả chúng sinh khổ nạn?”. Những lời này nói không sai, nhưng ý nghĩa đích thực thường bị hiểu sai.

Chư Phật Bồ Tát từ bi cứu độ, không phải là nói chúng sinh thiếu thốn lương thực, quần áo thì Phật liền cho lương thực, tặng quần áo. Phật giúp đỡ chúng sinh phá mê khai ngộ, làm cho chúng sinh hiểu rõ nguyên nhân khởi phát của tai nạn, sau đó tiêu trừ nguyên nhân đó, quả báo của tai nạn liền sẽ không còn. Đây mới là chân thật cứu độ tất cả chúng sinh. Nếu muốn đạt được hạnh phúc mỹ mãn, tự tại an vui, đây là quả báo, quả ắt có nhân. Phật Bồ Tát dạy chúng ta tu nhân, tu nhân thiện nhất định được quả thiện. Đây mới là cái lý chân thật của việc cứu độ.

Sự từ bi của Đức Thế Tôn biểu hiện ở ngay trong đời sống cả một đời của Ngài. Phật là phước huệ hai thứ đầy đủ, cũng chính là trí tuệ, phước báo đều viên mãn. Mặc dù phước báo đã viên mãn, vì sao Ngài không thị hiện hưởng phước? “Kinh Vô Lượng Thọ” nói, phước báo lớn nhất của thế gian này là Đại Phạm Thiên Vương nhưng phước báo của Đại Phạm Thiên Vương vẫn không thể sánh được với người Hạ Hạ Phẩm vãng sanh thế giới Cực Lạc. Chúng ta từ việc này mới biết, phước báo của Phật xác thực là người thế xuất thế gian không ai có thể sánh bằng.

Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ba y một bát, giữa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Đây chính là thực tiễn đại từ đại bi. Hơn nữa, người phú quý ở thế gian thì ít, người bần tiện thì nhiều, nếu Phật thị hiện thân phận phú quý thì người nghèo khổ nhìn thấy Phật chỉ có ngưỡng mộ mà không dám gần gũi thân cận. Phật thị hiện bần tiện đến mức cực điểm. Người bần tiện nhìn thấy Phật cũng giống y như mình sẽ cảm thấy rất thân thiết cho nên tâm liền bình lại. Đây là đại từ đại bi của Phật, chúng ta phải có thể thể hội.

Buổi 79 ngày 26/01/2024

Phương pháp, đường lối tu học mặc dù rất nhiều, cái gọi là “pháp môn vô lượng, nào biết cùng đi một đường”, tất cả mục tiêu, phương hướng tu học đều là một, mục tiêu tối thượng là thành tựu vô thượng đạo, là thành Phật. “Vô thượng đạo” là chỉ trí huệ cứu cánh viên mãn. “Thành Phật” chính là thành tựu trí tuệ, phước đức viên mãn; Người mà trí tuệ, phước đức đạt đến cứu cánh viên mãn được gọi là Phật.

Pháp môn vô lượng vô biên đều là để đạt được mục đích này.

Phương pháp mà Phật nói nhiều đến như vậy là bởi vì căn tánh, thị hiếu, dục vọng của tất cả chúng sinh có chỗ khác nhau, mà giáo học của Phật rất linh hoạt, chân thật là “thuận nước đẩy thuyền” như người xưa đã nói, cho nên rất dễ dàng tu học, cũng rất dễ dàng thành tựu. Đây chính là “ứng cơ nói pháp”.

Trong tất cả các pháp môn, chư Phật Như Lai đặc biệt tán thán pháp môn niệm Phật, bởi vì duy nhất pháp môn niệm Phật có thể tiếp độ chúng sinh mọi căn cơ, không giới hạn bất kỳ một loại chúng sinh nào, cho nên phạm vi tiếp độ rất lớn, hiệu quả cũng đặc biệt thù thắng.

Trên kinh nói cho chúng ta khởi nguồn của vũ trụ, vận vật, sinh mạng. Đây là điều mà từ xưa đến nay, tất cả các nhà khoa học, nhà triết học, các nhà tôn giáo có trí tuệ thông minh đều mong muốn hiểu rõ mà chưa từng hiểu được. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chính bởi vì sự việc này mới xuất hiện ở thế gian, vì chúng ta giải đáp chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

Phật nói sinh mạng là một thể sinh mạng lớn. Phàm phu sai lầm, đem sinh mạng này xem như mạng sống, nào biết được sinh mạng không phải là mạng sống thông thường mà sinh mạng là biểu hiện của một loại hình thái nhất định. Sinh mạng là vĩnh hằng, bất sinh bất diệt, nhưng biểu hiện của sinh mạng là có sinh có diệt.

Ví dụ biểu diễn trên sân khấu, nếu xem như “người” là “sinh mạng”, “biểu diễn” là “sinh diệt”. Trên sân khấu, bạn không có sinh; Rời khỏi sân khấu, bạn cũng không có diệt. Thế nhưng vai diễn được phân ở trên sân khấu được sinh rồi, xuống sân khấu thì diệt rồi. Cho nên sinh mạng là vĩnh hằng bất diệt, nhưng biểu hiện của sinh mạng lại “thiên biến vạn hóa”. Mà sân khấu của chúng ta chính là mười pháp giới. Chân tướng sự thật này, nếu không phải là Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta nói rõ thì chúng ta làm thế nào mà có thể hiểu rõ.