66512/07/2022, 16:34 03/11/2022, 17:10

CHƯƠNG 1 BÀI 8

GIẢI ĐÁP NHỮNG NGHI VẤN TRONG QUÁ TRÌNH HỌC PHẬT


Buổi 28 ngày 19/06/2022

NHẤT CHÂN

Pháp giới Nhất chân ở đâu? Nơi nào, lúc nào cũng đều là pháp giới Nhất chân.

Người thời nay ưa thích nói đột phá, Nhất chân chính là đột phá thanh tịnh rốt ráo nhất. Cái gọi là không gian bốn chiều, không gian năm chiều, không gian sáu chiều, mãi đến không gian vô hạn chiều, thực tế chính là pháp giới mà Phật pháp giảng. “Pháp giới”, chia lớn thành mười pháp giới, phân nhỏ thì có vô lượng vô biên, rất gần và rất giống với thuyết thời không vô hạn độ. Những hiện tượng này đều bắt nguồn từ vô minh, thiếu hiểu biết mà ra. Nếu có thể đột phá được nhiều tầng thì thấy được pháp giới Nhất chân: Có thể thấy được pháp giới Nhất chân liền được thành Phật, chính là “kiến tánh thành Phật” mà nhà Thiền gọi. Nhất chân chính là chân tánh, chân tâm.

MA CHƯỚNG

Thái thượng cảm ứng thiên giảng rất hay: “họa phúc không có cửa, tự mình chiêu cảm đến”. Hằng ngày, trong lúc chúng ta vô tình hay cố ý đắc tội với người ác, ắt sẽ chiêu cảm đến quả báo bất như ý, vậy ma chướng của chúng ta trên bước đường tu học Bồ tát đạo sẽ rất nhiều. “Ma chướng” chính là người và việc chúng ta đắc tội, cho nên có trở lực phản kháng lại. Không đắc tội với người ma chướng sẽ ít; đắc tội với nhiều người thì ma chướng càng nhiều.

CHÁNH TRI CHÁNH KIẾN

“Tri kiến” hay còn gọi là chánh tri chánh kiến, là điều quan trọng nhất. Tổng cương lĩnh của tu hành pháp môn niệm Phật là phát tâm Bồ đề, nhất hướng chuyên niệm. “Phát tâm Bồ đề chính là chánh tri chánh kiến, cho nên, không có chánh tri chánh kiến thì dẫu có đạt được nhất hướng chuyên niệm cũng rất khó có thể vãng sanh, điểm này rất quan trọng. Thực tế mà nói, nếu không có chánh tri chánh kiến thì tuy bạn nhất hướng chuyên niệm cũng rất khó để thành tựu. Vì nhất chính là nhất tâm, tâm có tạp niệm thì không phải là nhất tâm. Bạn chuyên niệm A Di Đà Phật mà bị xen tạp, thì dẫu có buông bỏ hết những pháp môn khác, dường như là nhất tâm chuyên niệm nhưng kỳ thật không phải, vẫn là xen tạp vọng tưởng, phiền não, vẫn không thể thành tựu. Nên biết, trong quá trình tu hành, tri kiến đặc biệt quan trọng.

“Tri kiến” nếu dùng từ hiện đại mà nói, chính là “nhận thức”, nhận thức về Phật pháp, nhận biết về thế gian pháp. Có nhận thức đúng đắn tức là chánh tri chánh kiến. Phật pháp ở thế gian giáo hóa chúng sanh không gì khác hơn ngoài việc giúp đỡ họ kiến lập chánh tri chánh kiến, có chánh tri chánh kiến thì tu hành liền trở nên dễ dàng. Cho nên tu hành của mỗi người, nếu không thể chế ngự được phiền não, không thể khắc phục được tập khí, vấn đề vẫn là ở trên tri kiến.

Buổi 29 ngày 17/07/2022

Vừa mở đầu kinh Pháp hoa, đức Thế Tôn liền nói ra tông chỉ của giáo học là “khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật”. Phật vì chúng ta mà khai thị, bản thân chúng ta phải có năng lực để ngộ nhập. “Ngộ” là tường tận, “nhập” là chân thật làm được. Nghĩa là đem chánh tri chánh kiến dung hòa với đời sống của chính mình thành một thể, đây gọi là dung hòa, tục ngữ gọi là chứng quả, “nhập” chính là ý nghĩa của chứng.

Tông Thiên thai nói: “Người nói được mà không làm được, chỉ là quốc sư; người nói được mà làm được, ấy là quốc bảo”. Ý nghĩa của hai câu nói trên chính là điều mà trong kinh đức Phật thường giảng nói, người phá giới còn có thể cứu được, nhưng người phá kiến thì hoàn toàn không thể cứu được.

“Nói được mà không làm được” chính là phá giới.

Họ biết giảng nói mà làm không được, nhưng những điều họ nói ra là chân thật, họ không nói sai, trên tri kiến là đúng, cho nên những người này vẫn có thể cứu độ. Còn như người giữ giới rất nghiêm, làm được rất tốt, nhưng tri kiến sai lầm, thì không thể cứu được. Ví như chư Phật Như Lai, lịch đại tổ sư đại đức đều dạy chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, không chỉ người niệm Phật mới cầu sanh Tịnh Độ, mà người tu học bất kỳ một pháp môn nào, đến sau cùng vẫn phải hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, kiến giải này chính là chánh tri chánh kiến. Chính mình có thể nhất tâm cầu vãng sanh Tịnh Độ, hơn nữa còn có thể đem chánh pháp giới thiệu cho người khác, người như vậy chính là quốc bảo.

Hoằng pháp và hộ pháp.

Tu học Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, tuyệt đối chúng ta không được nhân danh Phật pháp để lừa gạt chúng sanh, cầu danh văn lợi dưỡng, tham đắm hưởng thụ năm dục sáu trần. Mặc dù trước mắt có thể hưởng được một chút tiện nghi nhỏ, nhưng đời sau nhất định phải đọa địa ngục A-tỳ. Do đây có thể biết, dũng mãnh tinh tấn, chăm chỉ tu học là điều rất quan trọng.