Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 16/04/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 98
Hòa Thượng dạy rằng cải đổi chính mình mới là triệt để giác ngộ vì ngày nay dù giàu hay nghèo, có địa vị hoặc không vẫn có khổ đau. Phật đã thấy tình trạng này từ 3000 năm trước nên Ngài gọi là “đời ác năm trược”. Hoàn cảnh vật chất như không khí, nước, thức ăn, áo mặc và hoàn cảnh nhân sanh đều đang ô nhiễm. Con người không biết phân biệt tốt xấu, thấy lợi quên nghĩa khiến trở mặt thành thù, cốt nhục tương tàn.
Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật thường nói đời ác năm trược. Thời hiện đại này, không chỉ hoàn cảnh vật chất ô nhiễm nghiêm trọng mà hoàn cảnh nhân sanh cũng vô cùng ác liệt. Không chỉ người nghèo trải qua ngày tháng khổ sở mà người giàu sang cũng có đời sống không an vui. Thậm chí người có địa vị, mỗi ngày đều cảm thấy khổ não bất kham, giữa người và người luôn luôn là oan gia đối đầu, đòi nợ, trả nợ, khổ không nói nên lời.”
Vì sao gọi là “ngũ trược ác thế - đời ác năm trược”? Là khi con người nói chung và chính chúng ta nói riêng không có quy chuẩn, không xem trọng giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền, coi thường lời dẫn dắt của Thầy, của huynh trưởng mà làm theo tập khí, theo cái “ta” của mình. Hành động tạo tác hằng ngày của chính chúng ta đã tạo cho cuộc đời này thêm ô trược.
Nhiều người tuy là mặc chiếc áo lam, áo nâu của người Phật tử nhưng khi ra đường vẫn vi phạm Luật Giao Thông không đội mũ bảo hiểm, chở số người vượt quy định. Chúng tôi từng chứng kiến một người mặc áo nâu ngồi trong quán cà phê nói chuyện qua điện thoại mà tràng giang đại hải khiến người xung quanh khó chịu. Chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền ngày càng bị coi thường nên dẫn đến “đời ác năm trược”. Còn chúng ta, khởi tâm động niệm vẫn bị tập khí của chính mình dẫm đạp nên không làm ra chuẩn mực Thánh Hiền nhưng lại rất thông thạo làm ra rõ nét những việc của thế gian.
Sáng nay khi đang lạy Phật thì một ý niệm trong chúng tôi khởi lên là: “Lại mệt rồi! Niệm Phật đi”. Chúng tôi niệm Phật một lúc thì thấy đỡ mệt nhưng chúng tôi nói với tâm mình rằng chưa đủ số lễ thì vẫn phải lạy Phật tiếp. Vấn đề chúng tôi nhận ra là lúc lạy Phật thì khởi tâm động niệm của mình bắt mình niệm Phật hoặc giả như lúc niệm Phật thì ý lại khởi muốn lạy Phật. Đấy chính là “tinh tướng”, là “xen tạp”.
Hòa Thượng dạy “nhất tâm” không phải là khi lái xe thì niệm Phật, khi đang niệm Phật thì nghĩ đến lái xe mà đúng ra là khi chúng ta làm việc thì nhất tâm làm việc và làm việc xong rồi thì niệm Phật. Sự lười biếng, nhếch nhác, chểnh mảng và vọng tưởng của chúng ta sẽ khiến chúng ta thay đổi chính kiến của mình.
Mọi người đang cùng nhau làm một việc thì chúng ta cho rằng chúng ta đi làm việc khác. Chính việc tách riêng làm việc khác đó dẫn đến bao nhiêu là sai lầm. Ví dụ khi tất cả đang tụng Kinh thì ý nó bảo mình đi kinh hành, nó bắt mình thay đổi chủ định của mình. Khi đến một nơi, chúng ta muốn làm theo cách riêng của mình, hoàn toàn khác so với cách mà mọi người đang làm thì đó chính là cái “ta”, cái ngạo mạn vốn có trong tập khí. Thậm chí chúng ta còn nuôi lớn bản ngã khi tự thấy mình được lắm, mình làm tốt lắm.
Cho nên Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta phải kiểm soát khởi tâm của mình hằng ngày. Mình phải xét xem khởi tâm của mình có tùy thuận tập khí phiền não, “năm dục sáu trần” hay không?
Hôm qua có một vị gọi điện thoại cho chúng tôi nói rằng cả gia đình họ đã họp bàn và muốn hiến cả khu đất của gia đình họ cho Hệ Thống Khai Minh Đức để Hệ Thống làm công tác giáo dục, phục vụ chúng sanh. Chúng tôi rất vui không phải vì được tặng đất mà vì cả gia đình họ đã phát được tâm làm lợi ích cho chúng sanh chứ không phải lợi ích cho riêng mình. Nếu thế gian này nhiều người phát tâm như vậy thì thế gian này không phải là “ngũ trược ác thế - đời ác năm trược” nữa. Tất cả mọi người đều nghĩ đến nhau, giúp đỡ nhau, thành toàn cho nhau nên thế gian sẽ an lành.
Hòa Thượng nói: “Khi con người có lợi ích thì mọi người coi nhau như thân bằng quyến thuộc còn khi không có lợi ích thì cho dù là bạn tốt đi chăng nữa cũng trở thành kẻ thù. Ngay đến Cha con, anh em ruột thịt cũng sẽ vì tranh giành đoạt lợi mà trở mặt thành thù, cốt nhục tương tàn.”