94Chủ Nhật, 14/04/2024, 19:04
96 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 96

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 14/04/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 96

Nếu có người đọc và thực hành Tam Tạng Kinh điển thì đó mới là bảo tàng vô giá. Nếu không có người đọc và thực hành thì Tam Tạng Kinh Điển cũng chỉ lợi ích cho mối xông, mọt giấy ăn, chẳng giúp ích gì hơn cho chúng sanh. Chúng ta nghe lời nói thống thiết này của Hòa Thượng mà lòng quặn đau.

Hòa Thượng nói con người giác ngộ phải luôn tỉnh thức nhận ra được sai lầm để cải đổi. Nếu mê mờ chìm đắm ở trong dục vọng thì không có cách gì tỉnh thức. Chúng tôi thường nói rằng: “Không nên cho mình có cơ hội” tiếp cận ngũ dục vì khi chúng ta có cơ hội gần thứ gì thì thứ đó sẽ mê hoặc chúng ta.

Chúng ta thử quán chiếu xem, khi nói đến tài, số lượng ít không làm chúng ta động tâm nhưng số lượng nhiều thì sao? Người không có công phu thì chỉ 5-10 triệu đồng là động tâm rồi. Với người có công phu một chút thì sẽ ra sao nếu vua trời Đế Thích nhường cho họ nửa cung trời và nói rằng không cần thiết phải vãng sanh cứ ở lại cung trời này?

Hiện tại có rất nhiều người nhởn nhơ trong tu hành, nên sự cám dỗ của năm dục sáu trần sẽ len lỏi trong tâm và dần dần chúng sẽ chiếm thế thượng phong, sẽ sai khiến chúng ta chạy theo chúng. Sự cám dỗ đó rất mạnh mẽ nên chúng ta không nên chủ quan ngỡ rằng mình đã có công phu, có quá trình tu tập. Đó là sai lầm. Bao giờ chúng ta thật sự vãng sanh Cực Lạc rồi, chúng ta mới hoàn toàn an ổn, còn ở trong cõi Ta Bà đầy cám dỗ này thì không an toàn.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật thì cố gắng cải đổi, tự làm mới chính mình và phải làm ra được tấm gương của người học Phật cho chúng sanh. Người xưa gọi là nhân thiên nhãn mục (cặp mắt của trời người)”. Trong những năm gần đây, rất nhiều người không làm ra tấm gương mà còn làm hoen ố Phật pháp, làm cho người ta mất niềm tin. Mỗi lần nhận được thông tin gây ảnh hưởng đến tín tâm của chúng sanh đối với Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền thì chúng tôi lại càng muốn mau mau rời bỏ thế gian này.

Mọi sự tu hành cải đổi của chúng ta là cặp mắt của trời người. Nếu một người không có đôi mắt, họ sống trong tối tăm mù mịt thì sẽ khổ vô cùng. Người học Phật là cặp mắt của trời người nên quan trọng đến nhường nào. Chẳng những hành động tạo tác hàng ngày mà ngay đến khởi tâm động niệm của chúng ta tuy rằng người bình thường không nhìn thấy nhưng thiên nhân, quỷ thần ở các tầng không gian khác đều nhìn thấy. Cho nên phải hết sức cẩn trọng.

Ngày ngày chúng ta cẩn trọng từ những khởi tâm động niệm của chính mình. Hòa Thượng nói làm được như vậy thì chúng ta đã tu đại phước báu, đã làm ra tấm gương. Nếu chúng ta ngày ngày khởi lên các ý niệm dũng mãnh tinh tấn sẽ khiến chúng sanh các tầng không gian khác nể phục, ngược lại, lười biếng, phóng túng sẽ khiến họ nhìn chúng ta một cách chán ghét.

Trong phim Du Tịnh Ý Công gặp Táo thần, Táo thần trách Du Tịnh Ý Công rằng: “Ngay khởi tâm của ông chưa trừng phạt ông là may lắm rồi, ở đó mà ông còn oán trời trách người. Việc thiện bảo người ta làm mà chính mình chỉ hùa theo không tích cực mà làm”. Cho nên chúng tôi từng nói với các huynh đệ trong Hệ Thống rằng phải nhớ câu nói này, phải thật làm chứ không nên ỡm ờ, làm cho ra vẻ còn trong tâm thì lười biếng.

Từ trải nghiệm của bản thân và được nghe nhiều tâm sự của mọi người nên không mấy khi chúng tôi ngạc nhiên khi bắt gặp trong cuộc sống này những câu chuyện mà người khác không thể tin là có thể xảy ra. Chúng tôi thấy những sự việc đó là bình thường vì con người vốn dĩ bị dục vọng chi phối. Chỉ cần một khoảnh khắc hay một giây nào đó không phản tỉnh là bị tập khí khống chế, làm chủ chúng ta ngay.

Khi Hòa Thượng vãng sanh, chúng tôi không khóc vì Ngài chân thật là đôi mắt của trời người, không một tỳ vết, trọn vẹn một cuộc đời hy sinh phụng hiến, là một tấm gương để lại cho vạn đời sau. Vậy chúng ta nên vui hay nên buồn? Đành rằng thấy được cái thấy như vậy nhưng chúng sanh vẫn cảm thấy như bị cô đơn, hụt hẫng trước sự ra đi của Ngài.

Hòa Thượng khuyên người học Phật phải cố gắng sửa đổi để tốt cho mình và làm gương cho chúng sanh. Chúng ta chỉ mong mình có thể sống trọn vẹn một kiếp người hy sinh phụng hiến, đến khi ra đi sẽ để lại cho đời một tấm gương phấn đấu nỗ lực chứ chưa dám nói đến việc tu hành đắc đạo, tự tại vãng sanh lưu xá lợi. Muốn vậy, hằng ngày phải kiểm soát khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật của mình thì mới có kết quả như mong đợi.