97Thứ Ba, 26/03/2024, 17:54
77 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 77

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 26/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 77

Hòa Thượng chỉ dạy rằng đời người ngắn ngủi đầy khổ đau nhưng lại chỉ là “mộng huyễn bào ảnh”, cho nên đại sự lớn nhất trong cuộc đời này là phải vãng sanh được Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Muốn vậy phải tránh điều húy kỵ trong tu hành là tạp tu mà nhất định phải đạt được chuyên tinh. Đây chính là thường thức nhưng cũng là kinh nghiệm cầu học của người xưa.

Hòa Thượng nói: “Nhân sanh khổ đau ngắn ngủi, ngoài việc lớn sanh tử thì không có việc gì đáng cho chúng ta bận tâm. Tất cả như mộng huyễn bào ảnh, chỉ là một mảng không”. Chúng ta đã sanh ra, đã có mặt ở cuộc đời rồi, nhưng sẽ có một ngày chúng ta ra đi, vậy tử rồi lại sanh. Cho nên việc quan trọng lúc này là tử sanh, nghĩa là sau khi chết chúng ta đi về đâu?

Lễ hội tri ân vừa rồi ở hội trường lớn nhất Đông Nam Á với số người tham gia rất đông nhưng cũng đã “tan” từ lâu. Người học Phật phải thấy rõ chân tướng rằng tất cả chỉ là mộng. Một buổi lễ cũng chỉ là một giấc mộng. Trong giấc mộng ta nhìn thấy và khi ta tỉnh mộng thì mộng tan. Cuộc đời chúng ta cũng như một giấc mộng rồi mọi thứ cũng đi qua hết. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

Mọi hành động tạo tác, việc làm tốt xấu đều đi qua nhưng kết quả của việc làm đó vẫn còn lại. Những gì chúng ta tạo tác sẽ kết thành nghiệp và tiếp tục luân chuyển trong dòng luân hồi của chúng ta. Cho nên chúng ta đừng làm việc gì để phải hối hận, hối hận cũng vậy thôi vì đã tạo nghiệp rồi thì nhất định phải vương mang. Nhà Phật có từ “dẫn nghiệp” – nghĩa là tự động nghiệp sẽ lôi kéo mình, tự nhiên mình thích đến một nơi nào đó, dầu có ai cản: “Đừng đến đó, đó là núi đao, vực thẳm” nhưng chúng ta vẫn muốn đi.

Hòa Thượng nói mọi thứ đều là mộng huyễn, là một mảng không nên ở cuộc đời này có thiệt thòi hay oan uổng một chút hà tất gì phải tính toán. Hòa Thượng từng nói nếu có lỗ hay thiệt thòi cũng chỉ một đời này hay vài chục năm chứ mấy. Ngài nói: “Chẳng phải chúng ta học Phật là tình nguyện làm người thiệt thòi hay sao?” Tuy nhiên, trên thực tế, người tình nguyện chịu thiệt, chịu lỗ lại không hề thấy mình bị thiệt thòi hay lỗ.

Người bạn chúng tôi từng nói rằng anh ấy không hiểu nổi chúng tôi, cảm thấy chúng tôi thiệt thòi vì cái gì cũng không có: không ăn mặn, không nhậu nhẹt, không bia rượu, thuốc lá, cà phê, suốt ngày chỉ bố thí. Thế gian hưởng thụ trực tiếp từ vật chất còn chúng ta hưởng thụ từ trong nội tâm. Khi bố thí cho đi, người nhận thấy vui vẻ hạnh phúc thì đó chính là niềm vui của bản thân chúng ta. Thế gian không có cảm giác này, họ phải tự mình thưởng thức vật chất thì họ mới thấy vui.

Hòa Thượng nói: “Ngay trong cuộc đời này, việc quan trọng nhất của chúng ta chính là mình phải vãng sanh được Thế Giới Tây Phương Cực Lạc”, thoát được dòng sanh tử. Vì chúng ta không chịu làm chứ Hòa Thượng khẳng định là không khó như chúng ta nghĩ. Chỉ cần đừng quá xem trọng hay dính mắc mọi sự mọi việc ở thế gian thì tức khắc nặng trở thành nhẹ, nhẹ trở thành không.

Ngài khẳng định với chúng ta rằng: “Việc húy kỵ lớn nhất trong Phật pháp và nhà Nho chính là tạp tu”. Chúng ta xen tạp quá nhiều. Chúng tôi từng biết một người trong cuộc đời ngắn ngủi mấy mươi năm mà họ đã trải qua quá nhiều pháp tu. Nếu như thế thì tâm chúng ta sẽ như thế nào? Giống như chúng ta chọn nhiều nghề, cuối cùng chẳng nghề nào thành.

Chúng tôi từ nhỏ được bà nội dạy niệm Phật, ăn chay thì niệm Phật, ăn chay. May mắn lại được gặp các Thầy cũng là người niệm Phật. Vị Thầy đầu tiên dạy chữ Hán cho chúng tôi cũng có 70-80 năm niệm Phật. Chúng tôi phiên dịch bài giảng của Hòa Thượng, mà Ngài lại là người niệm Phật. Bản thân chúng tôi trải qua như vậy nên không xen tạp, chỉ một lòng một dạ niệm Phật.

Do đó, tâm chúng tôi rất an, không động tâm về pháp tu. Dù cho người ta nói thế nào về sự nhiệm màu ở các pháp tu khác, mình cũng chỉ để ngoài tai và chỉ tập trung niệm một câu “A Di Đà Phật”. Nhiều người nghe lung tung bị người khác chiêu dụ rồi mất đi tín tâm. Họ phải khó khăn lắm mới quay trở về pháp tu, khóc lóc mong có tín tâm như trước đây. Họ thực sự cũng có thiện căn, họ tuy lầm đường lạc lối mà vẫn còn có thể quay lại.