Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 16/01/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 7
Muốn tu hành Phật pháp Đại thừa nhất định phải dụng tâm rộng lớn “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm” thì mới thành tựu. Tuy nhiên lại cần buông xuống vọng tưởng tức là cách thấy cách nghĩ riêng mình, thiết lập sự “cùng hiểu” để một lòng cầu sanh Tịnh Độ, thấy được Phật A Di Đà.
Hòa Thượng khai thị: “Ở thời đại này, nơi tu hành của chúng ta phải nương vào Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy. Đó là tám chữ “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”.
Hòa Thượng nhấn mạnh chúng ta cần phải “Kiến lập cùng thức” tức là xây dựng sự “cùng hiểu” lời khai thị trên để đồng hành làm mọi việc được tốt đẹp.
Ngài tiếp lời: “Chúng ta không có cảnh giới của Bồ Tát Đại Thừa, minh tâm kiến tánh, cũng không có sức thiền định của người tiểu thừa.
“Tuy nhiên, chỉ cần giữ một câu A Di Đà Phật thì ngay đời này chúng ta nhất định thoát khỏi luân hồi. Cho nên tám chữ này đích thật là giúp chúng ta vượt thoát sinh tử, ra khỏi ba cõi”.
“Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm” đã được Hòa Thượng nhắc đến nhiều trong 1200 chuyên đề và Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục. Phát tâm Bồ Đề là phát tâm độ chúng sanh, luôn nghĩ đến chúng sanh khổ nạn, không người giúp đỡ.
Bản thân chúng ta ngày ngày được giúp đỡ, khuyến tấn mà làm việc còn chưa tốt. Vậy thì chúng sanh mê mờ, chìm đắm trong cạnh tranh, đấu tranh sẽ khổ đến mức nào! Nếu chúng ta không phát tâm thay Phật Bồ Tát đến với chúng sanh khổ nạn ở thế gian này thì sẽ không có người làm.
Bên cạnh đó, Hòa Thượng nói một ngày tu hành ở cõi Ta Bà bằng rất nhiều năm tu hành ở Thế giới Cực Lạc và các cõi Phật. Nguyên nhân vì Ta Bà nhiều cảm dỗ rất khó đề khởi tu hành, gần như không có người biểu pháp. Còn ở Cực Lạc và các cõi nước chư Phật, xung quanh đều là Bồ Tát, ai ai cũng đang biểu pháp.
Trong bối cảnh như thế, nếu chúng ta không phát tâm Bồ Đề vì chúng sanh lo nghĩ thì ai làm việc đó? Khi tâm Bồ Đề được phát ra thì ngay đó là những việc làm cụ thể.
Chúng ta đã xây dựng được các lớp kỹ năng sống không chỉ ở Hà Nội mà còn tới tận Sóc Trăng và một số tỉnh thành khác. Tại Sóc Trăng, lớp kỹ năng sống hằng tuần đón các em phần đông là người dân tộc. Nếu không đến lớp, các em sẽ đi hái rau, bắt ốc. Thời gian tới chúng ta sẽ mở thêm lớp tại Tổ đình Phước Hậu, Vĩnh Long và tương lai sẽ có ở Gia Lai.
Trong suốt hai năm tổ chức Lễ Vía Phật A Di Đà tại Tổ đình, chúng ta luôn phát khởi tâm Bồ Đề vì Chùa và Phật tử nơi đó mà lo nghĩ. Chúng ta không đến để nương nhờ sức ảnh hưởng mà đến để cống hiến những gì mình có. Từ việc ủng hộ quỹ khuyến học cho tới việc quan tâm đến mọi người làm công quả nơi đó, chúng ta đều tận tâm tận lực. Trong số Phật tử làm công quả có người là giáo viên nghỉ hưu đã hứa sẽ mời các giáo viên cô quen biết đến hỗ trợ. Vậy thì từ hậu cần đến học sinh đều không phải lo, người của mình chỉ cần đến dạy.
Ở Gia Lai, tâm Bồ Đề biến thành dây chuyền sản xuất đậu phụ cúng dường. Việc này đã lan tỏa khiến có người không chỉ phát tâm đứng ra làm đậu phụ mà còn đầu tư thiết bị lắp đặt. Không cần đến tiền, chỉ cần họ phát tâm làm là chúng ta đã hoàn toàn ủng hộ.
Ở Sơn Tây-Hà Nội, mỗi lần chúng tôi gặp bác hàng xóm, bác ấy rất vui mừng, có lần còn xin lỗi vì không nhận ra chúng tôi. Chúng tôi đã làm gì để được bác ấy xem trọng?
Đơn thuần là từ tâm Bồ Đề mà trồng rau, làm đậu phụ rồi tặng. Chúng tôi chưa bao giờ bộc lộ thân phận, chưa bao giờ nói về tu hành, thậm chí chưa bao giờ nói câu “A Di Đà Phật”, vậy mà, gặp chúng tôi bác ấy chào bằng câu “A Di Đà Phật”.
Chúng ta trồng cải cúc ven đường lên xanh tốt. Bà con đi tập thể dục thấy vậy muốn hái ăn thì bác ấy là hàng xóm mà rất mạnh dạn nói rằng nếu muốn ăn thì cứ hái. Chỉ cần như vậy thôi là chúng ta đã độ chúng sanh rồi!
Điểm lại nhưng khu vực chúng ta đang làm, chúng ta đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với mọi người bằng những việc làm chân thật lợi ích cho họ.
Đây là kết quả của việc phát tâm Bồ Đề, tâm “vì người mà lo nghĩ” nên mọi việc hanh thông, được người người hoan nghênh, kính trọng, ngưỡng mộ và hợp tác.