115Thứ Hai, 15/01/2024, 22:12

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 15/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 6

Hòa Thượng nói: “Tâm chân thành, tâm cung kính, tâm khiêm nhường là tâm sơ địa Bồ Tát Đại Thừa hay cũng là tâm sơ địa Bồ Tát Biệt Giáo”. Chúng ta dùng tâm cung kính, khiêm nhường với người bất thiện thì họ cũng sẽ không khởi lên tâm xấu ác. Chúng ta có chướng ngại thì chướng ngại không phải từ nơi người mà từ chính nơi ta. Hòa Thượng nói: “Tự tác tự thọ”. Tự mình làm tự mình chịu. Chúng ta không tự nhiên, không bỗng nhiên gặp phải những việc không vừa ý. Người thế gian cũng nói: “Gieo gió gặp bão”. Nếu chúng ta không dùng tâm cung kính, khiêm nhường thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp chướng ngại trùng trùng.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta nghiên cứu kinh giáo, giảng nói Kinh pháp nhưng chúng ta không biết cách tu hành, không biết cách đối trị tập khí, phiền não của chính mình thì tốt nhất là chúng ta nên lão thật niệm Phật”. Chúng ta giảng nói Kinh pháp, hướng dẫn cách để người khác tu hành nhưng chúng ta không biết cách đối trị phiền não thì chúng ta nên dành thời gian lão thật niệm Phật. Chúng ta lão thật niệm Phật thì chúng ta có cơ hội tích công bồi đức, chuẩn bị tư lương cho việc vãng sanh. Chúng ta tiếp xúc nhiều người, đi nhiều nơi thì chúng ta sẽ chìm đắm vào danh vọng lợi dưỡng.

Hôm qua, tôi được một số người đến tri ân, họ tặng tôi một chiếc bình cổ rất to, đẹp. Sau khi nhận xong tôi nói với người tặng: “Tôi chẳng có cảm giác gì khi được nhận món quà này vì sau khi làm xong mọi việc thì tôi đều đã quên! Cho dù chiếc bình này là bình cổ đó 200 năm trước thì tôi cũng không cảm thấy có ý nghĩa”. Tôi tiếp đãi họ một cách rất chu đáo và tặng họ một xe rau sạch. Hòa Thượng nói: “Mọi việc trên thế gian đều do thói quen. Chúng ta tập tan nhạt với mọi sự, mọi việc thì chúng ta sẽ không bị chúng dẫn đạo”. Chúng ta tan nhạt với tài thì tài sẽ không thể bó buộc chúng ta. Chúng ta tan nhạt với sắc thì sắc không thể bó buộc chúng ta. Chúng ta tan nhạt với danh thì danh không thể bó buộc chúng ta. Nếu chúng ta tan nhạt với việc ăn, ngủ thì chúng ta cũng sẽ không bị ăn ngủ bó buộc. Hằng ngày, chúng ta đang quan tâm đến điều gì nhiều nhất? Nhiều người thế gian quá xem trọng việc ăn uống.

Trước đây, tôi chia sẻ với mọi người, nếu tôi nhận một thì tôi phải nghĩ ngay đến việc tôi sẽ bỏ ra hai. Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng ta sẽ không bị dẫn dắt bởi tập khí “tham”. Người thế gian nói: “Năng thuyết bất năng hành”. Có thể nói nhưng không thể làm. Chúng ta hay nói nhưng chúng ta không làm thì chúng ta chỉ giống như cái túi đựng sách. Có những người giảng Kinh, nói pháp nhiều nhưng họ vẫn chìm đắm trong danh lợi, trong “tham, sân, si, mạn”.

Chúng ta học Phật nhưng tập khí, phiền não của chúng ta ngày càng thêm lớn thì chúng ta không bằng một người không học Phật, một người không học chuẩn mực Thánh Hiền nhưng họ có đời sống chân chất, bình dị. Những người này chỉ cần khi lâm chung, họ nghe được câu “A Di Đà Phật” thì họ có thể đã có thành tựu. Chúng ta học Phật nhiều năm nhưng chúng ta không thay đổi được tập khí, phiền não thì chúng ta đã trải qua những ngày tháng “oan uổng”, chúng ta chỉ kết duyên được với Phật. Những ngày gần đây, tôi thấy một số người đã nhiều năm nay không tham gia các lớp học của hệ thống, chúng ta phải phản tỉnh về việc này.

Hòa Thượng nói: “Khi Phật Bồ Tát làm Phật sự các Ngài đạt được tâm “làm mà không làm”, các Ngài không có một chút dính mắc nào, các Ngài dùng tâm đó niệm Phật thì sẽ tương ưng với Phật”. Các Ngài làm tất cả mọi việc nhưng chưa thấy mình làm gì đây là tinh thần hy sinh phụng hiến, chí công vô tư. Chúng ta làm bất cứ việc gì chúng ta cũng dính mắc, vướng bận vậy thì tâm chúng ta không thanh tịnh. Chúng ta dùng tâm không thanh tịnh niệm Phật thì chúng ta không thể tương ưng với Phật. Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát tâm, không để tập khí, phiền não dẫn đạo.

Tài, sắc, danh, thực, thùy” đều có thể hữu ích. Hôm qua, tôi đưa một nhóm khoảng năm, sáu người thăm khu vực đào tạo ở Sơn Tây, các con còn rất nhỏ, với căn tánh của các con, tôi hỏi các con: “Nếu ông chủ đến thì các con có nên chào không?”. Nếu với câu nói này mà tôi nói ở chỗ khác thì sẽ không đúng. Đây chính là cái “danh” cũng có thể phục vụ công việc của chúng ta.