
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 18/03/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 69
Nhờ thực hành những lời dạy của Hòa Thượng vào trong công việc mà chúng ta có cảm nhận sâu sắc. Từ đó, chúng ta càng phát tâm mạnh mẽ để thật làm, thật ứng dụng. Dù công việc có thất bại nhận được sự chê bai hay thành công nhận được sự tán thán đều sẽ không làm cho chúng ta động tâm. Hòa Thượng nói chỉ cần mình nỗ lực thì sự khen chê hủy báng như thế nào đi chăng nữa cũng không làm ảnh hưởng đến tâm chúng ta.
Chúng ta cần phản tỉnh rằng nếu còn vướng mắc trong sự khen chê thì chúng ta đã phá hỏng hết tâm thanh tịnh của chính mình. Tu hành là để đạt được tâm thanh tịnh. Cho dù cả cuộc đời này làm được nhiều việc lớn lao nhưng việc quan trọng này lại không làm được thì vẫn uổng phí một đời đến nhân gian.
Hòa Thượng nói điều rốt ráo sau cùng của người học Phật là một lòng hướng đạo, cầu thoát khỏi luân hồi vãng sanh Tịnh Độ. Thế nhưng tập khí vốn dĩ của chúng sanh là dính mắc vào những công việc mình đã làm được, đụng đến “danh” thì “danh” sỏ mũi, đụng đến “lợi” thì “lợi” sỏ mũi.
Sau Đại Lễ Tri Ân Cha Mẹ và Vợ Chồng, có người muốn tri ân chúng tôi vì họ cảm nhận đến tầm ảnh hưởng lớn của sự kiện này nhưng chúng tôi khẳng định với họ rằng: “Việc chúng ta cần làm thì nên làm chứ không có ân đức gì cả! Chúng tôi vẫn cảm thấy việc làm của mình chưa đủ tốt”. Hội trường đầy kín chỗ nên bên ngoài sân vẫn còn 700-800 người chưa vào được, phải ra về. Trung tâm Hội nghị Quốc gia là hội trường lớn nhất Đông Nam Á, còn nơi nào lớn hơn nữa đây! Nếu thuê sân vận động Mỹ Đình có sức chứa 40.000 người thì có thể sẽ không kín chỗ.
Một số người đến lễ hội này vì cho rằng cả đời không vào tới trung tâm hội nghị một lần thì thật uổng phí nên họ dẫn theo nhiều đứa nhỏ chỉ để chạy phá làm mất đi cơ hội của những người con chân thật muốn đến lễ hội để tri ân. Có những đoàn đi từ Thanh Hóa đã không còn vé để vào. Mặt khác có những người chủ quan, có thói quen cố hữu rằng đến muộn, trễ một chút cũng không sao nên kết quả cũng không còn ghế trống để vào. Cho dù là người “ảo danh ảo vọng”, đến để chơi, đến để biết chứ không phải đến để tri ân hay những người đến muộn thì họ đều đang bị chính tập khí phiền não dẫn dắt. Hoàn toàn không ai nói với chúng tôi nhưng đêm trước khi diễn ra sự kiện, chúng tôi đã thông báo: “Nếu ai đi trễ thì sẽ không có vé để vào”.
Có người thấy lễ hội quá vĩ đại nên đã gọi tôi là “Thưa Ngài Vọng Tây!”. Nếu nhận lời nói này, thì bản thân mình đúng là tào lao. Cho nên Hòa Thượng nói rằng người mà chính mình chịu nỗ lực thì mọi thứ khen chê tán tụng dưới bất cứ một hình thái nào cũng chỉ là hư ảo không thật. Chúng tôi đến hội trường với tâm hoàn toàn trống rỗng, không hề nghĩ lễ hội sẽ thế nào và khi ra về là quên hết, chỉ nhớ lại lời hứa là trở về ăn cơm với mọi người nên chúng tôi gắng tranh thủ rời khỏi hội trường để giữ lời hứa của mình.
Hôm qua lễ hội chưa diễn ra nên chúng tôi chưa dám nói nhưng hôm nay sau khi đã kết thúc sự kiện, chúng tôi dám khẳng định với mọi người rằng chúng ta xuất phát là từ tâm chân thành hay “chí thành cảm thông” như Hòa Thượng nói hoặc “thành ý chánh tâm” như người xưa nói hoặc “phát tâm Bồ Đề” vì chúng sanh phục vụ như Phật pháp nói thì nhất định việc gì cũng tốt. Kết quả mọi người đều thấy rõ ràng rằng buổi Tọa Đàm Chia sẻ Tâm Đắc Học Tập Văn Hóa Truyền Thống và Đại Lễ Tri Ân Cha Mẹ và Vợ Chồng đã diễn ra thành công viên mãn.
Vở kịch Hà Nội 12 ngày đêm được các Thầy Cô, các Phụ huynh và các huynh đệ biên tập, đạo diễn và diễn suất đã để lại ấn tượng xúc động cho mỗi chúng ta, đặc biệt bác Hào là một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã khóc. Bản thân bác là một người chiến sỹ trên con tàu 0 số. Bác đã chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, biết bao nhiêu đồng đội của bác đã bị banh thây, nát thịt vì một khi con tàu 0 số bị phát hiện thì phải cho nổ để không còn một thứ gì, không để một tàng tích nào lại. Cho nên biết bao nhiêu đồng đội của bác không còn xác để mang về. Bản thân chúng tôi cũng lần đầu tiên xem tại hội trường chứ không hề có tổng duyệt xem trước. Chúng tôi tin rằng không chỉ vở kịch này mà mọi sự sẽ rất tốt vì tất cả đều là tâm chân thành. Nếu đạt đến sự chân thành, chân thật vô điều kiện “vì chúng sanh phục vụ” thì nhất định sẽ thành công.
Sự thành công đó thể hiện ở số lượng người tham gia vượt hơn số ghế 3.500 tại hội trường, hơn 100 tình nguyện viên của chúng ta là đứng không và hơn 700 người không vào được vì hết chỗ. Nhưng chúng tôi đã quyết định từ đây về sau không thuê hội trường lớn nữa mà chỉ thuê hội trường vừa vừa vì quá nhiều người vất vả, lao tâm khổ tứ hơn một tháng, công sức quá lớn sức người sức của quá nhiều. Quyết định này cho thấy chúng ta không vì “ảo danh ảo vọng” hay tổ chức sự kiện này để giới thiệu, lăng xê bản thân mà tất cả vì mọi người mà phục vụ. Nếu mang tâm thái “ảo danh ảo vọng” thì sự kiện này không thể thành công đến như vậy.
Kỳ này có nhiều báo chí, nhà đài đều đến và họ ngồi lại đến sau cùng. Có một cô phóng viên đã nhắn tin cho chúng tôi nói rằng cô ấy đã khóc và chưa bao giờ thấy một buổi lễ cảm xúc đến vậy. Cha cô đã mất cách đây hai năm, cô chưa làm được gì cho Cha mình mà chỉ cãi Cha và giờ đây không biết cách nào để chuộc lại lỗi lầm với Cha. Chúng tôi đã bắt tay từng phóng viên trước khi buổi lễ diễn ra và nói rằng từ lâu, chúng tôi không có chủ trương mời báo chí, truyền hình mà chỉ phát tâm thật làm, mong muốn mọi người cũng thật làm. Làm thật thì có kết quả thật, từ đó, mọi người có cảm nhận thật chứ không cần báo đài tán tụng. Đây là lần đầu cũng có lẽ là lần chót.
Từ những trải nghiệm thực tế chúng ta đang làm, chúng ta hãy quán sát thật kỹ để thấy rằng những gì Hòa Thượng dạy chúng ta không sai một chút nào. Nếu chúng ta làm đúng với một phần tâm thành kính thì được một phần lợi ích hay10 phần, 100 phần tâm thành kính thì được 10 phần, 100 phần lợi ích.
Có người nhắn tin cho chúng tôi rằng hôm qua trong giấc ngủ thì thấy có rất nhiều người đến lễ hội để tri ân và trong đó cũng có rất nhiều em bé cũng đến tri ân. Việc như thế cũng là đương nhiên bởi “Thiên thượng nhân gian đồng nhất lý” - trên trời, dưới đất hay ở các tầng không gian khác đều như vậy. Một khi lòng chân thành đã đạt đến đỉnh điểm thì sẽ thâu nhiếp hết tất cả. Những người đến hội trường ngày hôm qua sẽ cảm nhận một sức nhiếp phục tỏa ra từ của buổi lễ.
Lúc tri ân Cha Mẹ đợt một, mọi người lên sân khấu không còn một chỗ trống nên chúng tôi nghĩ rằng đợt hai sẽ ít hơn. Nhưng không ngờ đợt hai đông hơn đợt một. Có một chị mừng đến chảy nước mắt và nói với chúng tôi: “Thầy ơi, tuyệt vời lắm, hôm nay con gái con biết nói lời cảm ơn.” Đứa con gái của chị nghịch ngợm giang hồ tuy nhiên đúng là “Nhân chi sơ tính bổn thiện. Tánh tương cận, tập tương viễn”. Con người vốn dĩ là thuần tịnh thuần thiện, vốn dĩ là hiếu và kính nhưng giờ bất hiếu bất kính là do tạp nhiễm bên ngoài. Cho nên sáng hôm qua chúng tôi chưa dám khẳng định nhưng hôm nay sau thành công của lễ hội, chúng tôi xác quyết rằng nếu ai làm công việc gì đó chưa thành công và có chướng ngại thì đúng như Hòa Thượng đã nói chướng ngại từ ở nơi chính mình. Chính mình “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng”, chính mình chỉ tâm niệm đến hưởng thụ “năm dục sáu trần” cho nên tất cả những thứ đó gây ra chướng ngại để không thể có được sự thành công.
Trước đây Hòa Thượng nói ý này rất nhiều lần nhưng chúng tôi còn lờ mờ nhưng hôm nay, chúng tôi dám khẳng định với một niềm tin mạnh mẽ rằng mọi sự chướng ngại là từ nơi chính mình. Một lễ hội thu hút hàng ngàn người như vậy mà mọi việc diễn ra êm thấm, không xảy ra bất kỳ chuyện gì thì chúng ta thử hỏi xem sức nhiếp phục lớn đến thế nào. Bản thân chúng tôi không sử dụng Facebook và Zalo nên bình an vô sự chứ nếu không chắc cũng đọc mỏi tin tức. Cho nên, thực tế đã đúng như Hòa Thượng chỉ dạy cho chúng ta biết rằng mọi chướng ngại đều ở nơi chính mình.
Bài học hôm nay, Hòa Thượng nói: “Tất cả những lỗi lầm của người hiện đại đều ở ngay chữ tự ngã biểu hiện (ưa thích biểu hiện). Tự ngã biểu hiện là mê hoặc điên đảo, không có trí tuệ. Người chân thật có trí tuệ thì luôn luôn, bất cứ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của chúng sanh.”
Trên Kinh Kim Cang, Phật dạy: “Nhất thiết pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Không có gì là thật, ngay cả thân xác này không thở ra hít vào ba ngày thì đã tan rã, có hiện tượng phân hủy. Ba mươi ngày sau chỉ còn là bộ xương và 30 năm sau đã trở thành tro bụi. Mình hãy quán sát xem trong vô lượng kiếp đến này mình đã xả thân và thọ thân bao nhiêu thân mạng này rồi mà sao đến nay mình vẫn “ảo danh ảo vọng”, vẫn thích biểu hiện cái “ta” và cái “của ta”. Cái “ta” đã không thật mà vẫn cứ muốn biểu hiện cái “của ta” lại càng không thật. Tất cả đều là hư ảo nên có gì để khoe khoang đâu.
Hôm qua đoàn Gia Lai mua hoa rất đẹp và muốn tri ân chúng tôi. Mọi người xúc động không nói nên lời. Nếu xem việc này là thật thì bản thân chúng tôi là đại ngu si. Mọi người muốn lễ lạy nhưng chúng tôi từ chối và khuyên rằng hãy thật làm, tương lai nếu mọi người muốn tổ chức một sự kiện tương tự như thế thì từng người phải khởi tâm chân thật mà làm. Chúng tôi cũng nói với Quý Thầy muốn xây dựng một chùa Di Đà rộng mấy chục hécta thì Thầy phải có những con người chỉ biết nghe lời và làm theo. Nếu không có đội ngũ như vậy thì chùa càng lớn, càng phiền não. Ví dụ như tại nơi đây, hoàn toàn không có chúng tôi nhưng mọi người làm rất tốt và lễ hội vừa rồi, chúng tôi không tham gia tổng duyệt, hỏi han hay xem qua công việc triển khai như thế nào. Việc của chúng tôi là gói 50kg gạo nếp để tặng các đoàn.
Chúng tôi cũng chia sẻ với đoàn Gia Lai rằng nếu mọi người muốn thành toàn việc gì đó cho chúng sanh, cho Phật pháp thì phát tâm chân thành, đừng làm vì sự biểu hiện rằng mình có năng lực hay mình giầu. Bản thân chúng tôi không có tiền nhưng chúng tôi cũng không xin ai, không vận động để có kinh phí. Bên cạnh đó, để chúng sanh chân thật lợi ích, Phật giáo được hoằng dương rộng rãi, phải hiện đại hóa và bổn thộ hóa. Ví dụ như khi tham dự lễ hội, để tạo sự gần gũi, chúng tôi mặc chiếc áo dài truyền thống cách tân. Có người may và đưa cho chúng tôi nên chúng tôi mặc, chúng tôi có thể coi đó là một chiếc áo tràng hay chiếc áo pháp của Phật cũng được vậy. Hay như cô gái múa đẹp nhất trên sân khấu không phải là một diễn viên mà chính là người niệm Phật bốn đến sáu tiếng đồng hồ một ngày và đa số các Thầy Cô giáo trong Hệ Thống Khai Minh Đức đều là người ăn chay trường.
Có người nói với chúng tôi rằng tại chương trình tri ân vợ chồng năm nay, có nhiều cặp đôi ôm hôn nhau mà khóc. Những cặp đôi cao tuổi thì vừa khóc vừa nói lời tri ân còn các cặp đôi trẻ thì ôm hôn nhau liên tục. Những người được gọi là chuyên gia tu hành thì cho rằng việc làm này khiến họ tăng thêm nghiệp ái, tăng thêm ái dục, rồi sẽ bị đọa vào luân hồi. Vậy chúng ta thử nghĩ xem, không có sự kiện này, họ không có ái dục hay sao? Vậy tại sao chúng ta không muốn họ yêu thương nhau mà lại muốn họ ngày ngày lườm nhau? Có những gia đình, một bên thì ngồi niệm Phật còn một bên thì đập đồ rồi chửi bới. Căng thẳng gia đình như vậy thì một bên đọa địa ngục còn một bên vãng sanh hay sao? Liệu có vãng sanh được không? Chúng tôi từng kể xung đột gia đình khiến người chồng chửi bới người vợ tu hành niệm Phật rằng: “Mày mà xuống địa ngục tao cũng theo xuống địa ngục để bóp cổ mày!” Vậy mà, cặp đôi đó ngày hôm qua cũng lên trên sân khấu tri ân nhau đó. Cuộc đời này nếu mình không làm gì cho tốt hơn thì nó vẫn diễn ra càng lúc càng xấu hơn.
Cho nên Hòa Thượng nói người chân thật có trí tuệ thì lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích chúng sanh, hoằng dương Phật pháp, hoằng dương chuẩn mực của Thánh Hiền. Có nhiều người không hiểu và cho rằng chúng ta xen tạp, thực hành pháp ngoại đạo bởi họ chưa nghe được lời của Hòa Thượng dạy rằng chúng ta học chuẩn mực Thánh Hiền trên nền tảng của Phật pháp Đại Thừa. Điều này có nghĩa là chúng ta học Phật pháp trên tâm Đại từ Đại bi của Phật là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đem tâm này học chuẩn mực Thánh Hiền và đem chuẩn mực Thánh Hiền lan tỏa đến tất cả mọi người. Chúng ta không lan tỏa hay học chuẩn mực Thánh Hiền với tâm thế gian, tâm chúng sanh thường tình. Đây là mấu chốt quan trọng giống như chốt nốt giữa đầu kéo xe lửa với các toa tàu. Nhờ chốt nối mà đầu kéo mới kéo được cả đoàn tàu.
Hòa Thượng nói người chân thật có trí tuệ mỗi giờ mỗi phút đều nghĩ đến chúng sanh mà muốn làm lợi ích cho chúng sanh, nghĩ đến Phật pháp mà hoằng dương Phật pháp, nghĩ đến chuẩn mực Thánh Hiền mà thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền, xa lìa mọi “danh vọng lợi dưỡng” thì đây chính là phát tâm Bồ Đề. Cho nên tâm của người phát tâm Bồ Đề hoàn toàn khác với tâm của chúng sanh thường tình. Phàm phu mỗi niệm đều nghĩ đến chính mình, ham hố “danh vọng lợi dưỡng”, không chịu vì Phật pháp hay chuẩn mực Thánh Hiền mà làm việc, mà thúc đẩy nơi thế gian này cho nên họ ngày ngày không ngừng tạo nghiệp.
Hôm qua có một vị xuất gia đến nói với chúng tôi rằng con mong muốn từ nay về sau sẽ học tập theo và muốn chúng tôi chỉ dẫn cách để làm lợi ích chúng sanh như lễ hội đã diễn ra: “Việc gì có lợi ích cho chúng sanh thầy chỉ cho chúng con với”. Phát được tâm này, tâm Bồ Đề, tâm lợi ích chúng sanh là chúng tôi hoan hỷ chứ những lời tán tụng, chúng tôi đều để ngoài tai. Vì sao? Vì chúng tôi biết mình không phải, mình chỉ là một học trò biết nghe lời Hòa Thượng, cho nên khi chúng tôi càng làm được việc cho mọi người thì chúng tôi càng phải tri ân Hòa Thượng.
Cho nên Hòa Thượng nói: “Tâm đã phát ra của phàm phu và tâm đã phát ra của người phát tâm Bồ Đề có cách nghĩ cách làm hoàn toàn không giống nhau. Chỉ có tâm Đại Từ Đại Bi mới có thể vì người khác mà tạo phúc”. Lời dạy này của Hòa Thượng có thể giải thích cho việc chúng ta học chuẩn mực Thánh Hiền trên nền tảng Phật pháp Đại thừa. Nghĩa là chúng ta dùng tâm Đại từ Đại bi của nhà Phật để thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền thì mới vô ngã, chí công vô tư.
Hôm qua, có một phóng viên kể cho chúng tôi biết rằng, anh đã từng bỏ ra hơn một triệu để mua tấm vé ngồi giữa hội trường để tác nghiệp. Vé càng gần sân khấu thì giá càng cao. Vậy thì đơn vị tổ chức chỉ cần bán được 1000/3500 chỗ thì tiền thuê hội trường không là gì cả. Vậy mà có nhiều người tham dự lễ hội dẫn theo nhiều đứa nhỏ chỉ để chạy lăng xăng, vẫn có được một vé, vẫn ngồi được một ghế, hoàn toàn chẳng tốn một xu nào. Chi phí thuê hội trường quá lớn nên không ai tổ chức sự kiện ở đó mà không bán vé. Không có lời thì sẽ không ai làm. Nếu không phát tâm Đại từ Đại bi trên nền tảng Phật pháp Đại Thừa thì không ai thuê hội trường với chi phí lớn tổ chức sự kiện miễn phí như thế này. Chúng ta đã 3 lần tổ chức sự kiện tại đây. Chúng ta có được đại lời, đó sự khăng khít, yêu thương gắn bó giữa mọi người. Đó là một lễ hội đầy cảm xúc./.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!