145Thứ Hai, 18/03/2024, 07:47
68 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 68

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 17/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 68

Bài hôm trước Hòa Thượng nói chúng ta tu hành là phải học sự chân thành. Tương ưng với nhà Nho nghĩa là phải “thành ý chánh tâm”. Người xưa định nghĩa chân thành là “Nhất niệm bất sanh tất vị thành” – một niệm không sanh mới gọi là thành. Chúng ta làm việc là vì chúng sanh, vì Phật pháp, vì chuẩn mực Thánh Hiền không có ý niệm thành bại, tốt xấu, hơn thua, lời lỗ. Luôn giữ tâm này thì mọi sự mọi việc vẫn tốt đẹp. Chỉ cần xen lẫn một chút hư danh, hư lợi thì chắc chắn sẽ hư hại.

Đúng như người xưa nói: “Chí thành cảm thông”. Chúng ta không có niềm tin nên tưởng rằng mọi sự mình làm chẳng ai biết, chẳng ai thấy. Thật ra mọi khởi tâm động niệm của chúng ta chư Phật Bồ Tát, chúng sanh hạ phẩm hạ sanh ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc hay thậm chí quỷ thần xung quanh chúng ta đều biết rất rõ. Cho nên chúng ta chỉ có thể dụng tâm chân thành còn dùng tâm giả dối thì không gạt được ai mà chỉ gạt được chính mình.

Tâm chân thành chính là tâm Bồ Đề. Có được tâm chân thành mới phát được tâm Bồ Đề. Người có tâm Bồ Đề là người triệt để giác ngộ, hiểu mọi sự mọi việc mới là người dám hy sinh phụng hiến. Ngược lại, người không có tâm này sẽ sợ lời lỗ, được mất mà không dám phụng hiến.

Bài hôm nay Hòa Thượng nhắc đến “Năm đức, sáu phép hòa, tam phước là đại căn đại bổn của tất cả pháp thế gian và xuất thế gian cho nên mọi thứ đều phải bắt tay từ ngay chỗ này. Nếu không bắt đầu làm từ đây thì mọi việc đều không thành công, chắc chắn có chướng ngại.

Năm đức gồm: “Chân thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”, sáu phép hòa chính là “Lục Hòa Kính” gồm “Thân hòa đồng trụ, Kiến hòa đồng giải, Khẩu hòa vô tranh, Ý hòa đồng duyệt, Giới hòa đồng tu, Lợi hòa đồng quân”. Trong “Tịnh nghiệp Tam phước” cho thấy người dụng tâm hiếu kính thì mọi sự mọi việc nhất định thành công. Hòa Thượng nói khi chúng ta làm mà không đủ người, đủ sức, đủ năng lực, tài lực thì tự nhiên sẽ có người đến giúp.

Cho nên, “nhất định phải đem năm đức, sáu phép hòa, tam phước thực tiễn vào ngay trong cuộc sống hằng này, trong đối nhân xử thế tiếp vật mới xem là có công phu chân thật. Vì vậy tu hành nhất định phải dùng tâm chân thành”, Hòa Thượng khẳng định.

Nếu chúng ta nói một đằng, làm một nẻo, không thực tiễn vào đời sống, ví dụ như chúng ta bảo người ta bố thí mà mình vào túi càng nhiều càng tốt hay chúng ta bảo người ta hy sinh phụng hiến mà mình lại không hy sinh phụng hiến thì sẽ chẳng ra thứ gì. Miệng nói, thân làm phải đi đôi với nhau.

Nhiều năm qua, chúng ta nghe lời Hòa Thượng và thật làm nên chúng ta thấy không có chướng ngại, nơi nơi đều được mọi người ủng hộ. Điều này minh chứng để chúng ta có niềm tin mà tinh tấn, mạnh mẽ, xác quyết hơn khi thực tiễn mọi sự mọi việc.

Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi vì sao chúng ta có thể tổ chực sự kiện Lễ Tri Ân Cha Mẹ và Vợ Chồng tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia? Câu trả lời là chỉ có “Chí thành cảm thông”! Lòng chân thành sẽ khiến bên trên thì cảm thông với Phật Bồ Tát, bên dưới thì cảm thông với tất cả chúng sanh ở các tầng không gian.

Vì sao có thể cảm thông? Vì nếu chúng ta có thể quay về được tự tánh của chính mình thì trong tự tánh không thiếu một thứ gì cả. Năng lực, trí tuệ, tướng mạo của Phật chúng ta cũng có đầy đủ 100% chứ không hề kém khuyết. Hiện tại chưa được là do chúng ta nhiều phân biệt vọng tưởng chấp trước nên những đức tánh của chúng ta không hiển lộ.

Có rất nhiều người khi đang ở giữa bước đường tu học thì bỏ cuộc như người chạy Marathon từ bỏ chặng đua của mình giữa chừng. Phải trải qua không dưới 5-10 năm mới có thể thẩm thấu điều này vào trong nội tâm của mình. Cho nên nói và làm tương ưng là khó. Nếu nói một đường làm một nẻo thì dẫu công việc chúng ta làm có đạt được thành công thì vẫn rất hạn hẹp chứ không viên mãn.

Buổi Tọa Đàm Học Tập Văn Hóa Truyền Thống được diễn ra trước thềm sự kiện Đại Lễ Tri Ân Cha Mẹ và Vợ Chồng là những câu chuyện không ai nghĩ là sẽ xảy ra trong cuộc đời này nên đã để lại trong chúng ta nhiều cảm xúc. Đó là chuyện hai mẹ con cùng đi giao trà thanh nhiệt mà chỉ vì sự cúi chào cung kính của hai mẹ con đối với khách hàng mà người con đã nhận được học bổng toàn phần ở một ngôi trường quốc tế.