Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 05/03/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 56
Hòa Thượng nói: “Người chân thật niệm Phật thì thân tâm tự tại an vui, viễn ly tất cả khổ não, không già không bệnh cũng không chết. Mỗi giờ mỗi phút đều được Tam Bảo gia trì, chư Phật hộ niệm”. Từ “Không” có nghĩa là không có ý niệm trong tâm, không thấy mình già, mình bệnh hay mình sắp chết. Hoàn toàn không có ý niệm đó, mà trong tâm thường là tinh thần phấn chấn, nhớ Phật niệm Phật, niệm xong thì tận tâm tận lực giúp ích chúng sanh.
Hôm trước đi Gia Lai, tôi đã quên uống thuốc huyết áp nên khi lên xe ô tô liền cảm thấy người khác thường. Nếu là người khác với tình trạng huyết áp như vậy thì cực kỳ nguy hiểm, không sẵn sàng đi đoạn đường vừa xa vừa đèo dốc nhưng chúng tôi vẫn đi dù không có ai mời. Mình có thể không đi nhưng xét thấy việc cần làm, việc đã chín muồi rồi nên đến để làm. Nguyên cả ngày hôm đó quả thật người có sự khác thường nhưng mải lo công việc nên chẳng để ý đến bệnh nữa.
Cho nên nói “không già, không bệnh, không chết” là tâm không dính mắc chứ “Bát khổ” thế gian như “Sanh Lão Bệnh Tử khổ”, “Ái biệt ly khổ”, “Cầu bất đắc khổ”, “Oán tắng hội khổ” và “Ngũ ấm xí thịnh khổ” vẫn diễn ra một cách đều đặn từng giây từng phút không thay đổi. Cho dù là thân Phật cũng vẫn diễn ra theo định luật “Sinh Lão Bệnh Tử”. Cho nên “không già, không bệnh, không chết” là nơi tâm chúng ta không nghĩ đến già, đến bệnh, đến chết chứ không phải định luật già bệnh chết không diễn ra. Vì vậy, chúng ta sống ở thế gian là phục vụ và khi ra đi là vãng sanh, không có ý niệm chết.
Chúng ta cần có niềm tin là mỗi giờ mỗi phút đều có Tam Bảo, có Phật A Di Đà gia trì. Muốn được gia trì thì tâm nguyện giải hành phải tương ưng với Phật. Đã bao lần bác sỹ bảo tôi ở tình trạng nguy hiểm nhưng có nguy hiểm đâu, vẫn sống. Mọi người thấy tôi đi lại rồi làm việc thì cứ ngỡ khỏe lắm, luôn khen là cường tráng như thanh niên. Thật ra họ đâu có biết trong thân tứ đại này lại đầy bệnh. Bệnh cũng là bình thường, do lúc nhỏ, lúc trẻ mình không biết điều hòa, bảo dưỡng cho tốt nên mới tệ hại như vậy. Giờ này muốn bảo dưỡng thì nó cũng gần hỏng hết rồi nên bảo dưỡng sao được. Nếu có đại tu để tốt lại một chút thì thêm được một chút thời gian. Chúng tôi cũng nói là cố gắng làm đến năm 65 tuổi.
Hòa Thượng tiếp lời: “Phải có tín tâm, phải có nguyện tâm, chăm chỉ niệm Phật thì mười phương chư Phật đều sẽ gia trì chúng ta. Không những thể chất tướng mạo của chúng ta sẽ thay đổi mà lớn hơn, nghiệp chướng của chúng ta sẽ tiêu trừ. Chúng ta phải tự kiểm điểm công phu của chính mình. Từ tướng mạo, từ thể chất có thể nhìn thấy ra được.”
Hòa Thượng nói: “Hiện tại, chúng ta tu tâm thanh tịnh. Một biện pháp duy nhất là lão thật niệm Phật. Dùng một câu A Di Đà Phật để thay thế tất cả các vọng niệm. Một câu Phật hiệu này là công đức của tự tánh, cho nên niệm Phật chính là hồi phục tự tánh. Tâm địa thanh tịnh thì tánh đức của chúng ta sẽ lưu lộ. Chúng ta liền sẽ có một thể chất khỏe mạnh, có một tướng mạo đoan nghiêm”.
Hòa Thượng đã là minh chứng về điều này cho chúng ta. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều người niệm Phật một thời gian thì tướng mạo của họ thay đổi. Đợt vừa rồi, các huynh đệ của Hệ Thống đã hộ niệm cho một ông cụ đã mất một lúc, thân thể đã cứng đờ. Nhưng sau 25 tiếng niệm Phật thì người liền mềm mại huống chi chúng ta tự mình niệm Phật thì thân thể sẽ khỏe mạnh, đoan nghiêm. Qua lời dạy này của Hòa Thượng, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lại tín niệm.
Có người hỏi tôi: “Sao Thầy bị bệnh, không lo niệm Phật mà lại uống thuốc?” Ý niệm của người hỏi đã sai rồi. Tôi bệnh là vì tôi mải dùng hết thời gian của mình để phiên dịch Kinh pháp của Hòa Thượng mà không biết điều dưỡng thân thể, đến lúc thành bệnh rồi mới phản tỉnh, không thể thay đổi được. Hòa Thượng từng nói thân sinh lý bệnh phải uống thuốc, bệnh do oan gia trái chủ thì phải tích công bồi đức, làm các việc lợi ích chúng sanh để hồi hướng cho họ và bệnh nghiệp chướng nhiều đời thì phải sám hối.