Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 04/03/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 55
Ngài nói: “Chúng ta thường dụng công niệm Phật để khi lâm chung nhất định phải làm đến được tâm không điên đảo. Đây là mấu chốt quan trọng chúng ta phải nắm được.” Hòa Thượng dạy chúng ta làm tất cả mọi sự mọi việc nhưng phải buông xả được. Chúng ta dễ dàng bị vướng bận vào gia đình, sự nghiệp. Trong gia đình có con cái, thân bằng quyến thuộc và nhà cửa vật chất đất đai sẽ ràng buộc tâm chúng ta.
Có những người tưởng rằng không làm việc gì thì sẽ không vướng mắc, không phan duyên nhưng họ ở nơi đạo tràng thì dính mắc vào đạo tràng, ở trong gia đình thì dính mắc vào tình chấp với con cái, vợ chồng, thân bằng quyến thuộc, tài sản vật chất. Lúc lâm chung mọi thứ sẽ diễn ra, đặc biệt là tình chấp làm chúng ta điên đảo. Tất cả những thứ đó trói buộc chúng ta, làm chúng ta không an tâm nên không thể đạt đến nhất tâm. Vì thế, Hòa Thượng dặn chúng ta bình thường dụng công niệm Phật là phải buông xả dần dần, trước hết là buông xả tập khí xấu ác, nghiêm trọng của mình.
Khi chúng ta làm được việc tốt thì nhất định đừng vướng mắc, phải biết rằng mọi sự thành công đó là nhờ ân đức của Phật, của Hòa Thượng còn bản thân mình chẳng có tài năng gì. Nhờ ân đức của các Ngài mình mới làm được một số việc vậy thì việc gì mình phải vướng mắc vào trong tâm. Tuy nhiên, do nhiều đời phân biệt vọng tưởng chấp trước mà phàm phu chúng ta không nghĩ được như vậy, nên đọa lạc ra nông nỗi này. Hòa Thượng từng nói đồng tham đạo hữu của chúng ta giờ này đã thành Phật, thành Bồ Tát hết rồi, còn mình vẫn là phó phàm phu lại không hề cảnh giác, vẫn chấp trước, không chịu buông xả.
Hòa Thượng nhấn mạnh là người dụng công niệm Phật đến lúc lâm chung nhất định phải làm đến được tâm không điên đảo, chánh niệm phân minh. Lúc đó, không được bị chi phối bởi nhà cửa, tiền tài đất đai mà từng câu A Di Đà Phật niệm được rõ ràng đến hơi thở cuối cùng. Như vậy thì lúc đó chúng ta sẽ được Phật lực gia trì, chúng ta mới có thể được vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.
Hòa Thượng nói: “Khi lâm chung, người thông thường không thể đạt được tâm không điên đảo mà phải là người có đại phước báu. Người có đại phước báu cho dù không học Phật cũng không đọa vào ác đạo.” Đây là mấu chốt Hòa Thượng đã chỉ cho chúng ta. Muốn có đại phước báu thì tạo phước nhưng đừng có hưởng phước, tích cực tận tâm tận lực làm nhiều việc phước lành lợi ích chúng sanh đạt mức hy sinh phụng hiến.
Chúng tôi đến Gia Lai, biết mình sẽ được sắp xếp ở khách sạn năm sao nên chúng tôi đã tránh để không hưởng phước. Chúng tôi ngủ lại một phòng ở trong Chùa. Cho nên, trên con đường tu học, hành trì và hoằng hóa độ sanh của mình, chỉ cần chúng ta dụng công khéo léo một chút là có thể làm lợi ích chúng sanh mà không phải hưởng phước.
Đáng chú ý là người vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc không phải là người bình thường mà là người có đại phước báu. Đại phước báu có được khi tích cực tạo phước mà không hưởng phước. Tuy nhiên, có người niệm Phật rất tùy tiện hưởng phước, hưởng thành quả của người khác (đây cũng là hưởng phước).
Hòa Thượng nhấn mạnh rằng người có đại phước báu mà không học Phật thì cũng không đọa lạc vào ác đạo bởi vì “người đọa lạc vào ác đạo đều là người mơ mơ hồ hồ mà đến. Không một người sáng suốt minh bạch nào mà đi đến ác đạo, cho nên lúc bình thường phải làm tốt được công phu trì giới niệm Phật thì khi lâm chung sẽ tránh được tay chân luống cuống hay trạng thái lo sợ bất an.”
Quan trọng nhất là chúng ta dính mắc mà không chịu buông xả. Mọi sự mọi việc ở thế gian chúng ta làm được là nhờ sự dạy bảo của Phật, Bồ Tát và Hòa Thượng nên không có việc gì để chúng ta tự mãn mà sanh tâm chấp trước. Chúng ta phải nhận ra rằng nếu theo “cách thấy, cách biết, cách làm” của chính mình thì chỉ làm ra những việc tổn người lợi mình. Người thế gian ai cũng chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, không khởi niệm thì thôi mà đã khởi niệm thì đều là tư lợi-lợi ích riêng, tư dục-mong muốn riêng và tư tình-cảm tình riêng.