116Thứ Năm, 29/02/2024, 19:08
51 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 51

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 29/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 51

Sau gần 2000 giờ chúng ta đã học, nếu không có sự nhắc nhở của Hòa Thượng thì chúng ta sẽ giống như một con thuyền không có sợi dây neo, sẽ trôi về bến bờ vô định. Bài học hôm trước, Hòa Thượng nhắc, chúng ta phải chịu được những sự gian khổ nhất thì chúng ta mới có thể được người kính trọng, ngưỡng mộ, học và làm theo chúng ta. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải khắc phục mọi chướng ngại từ chính mình, những tập khí, phiền não của chúng ta đã chướng ngại chúng ta. Thí dụ, có những người muốn dậy sớm học nhưng họ không thể thắng được con Ma ngủ.

Chướng ngại lớn nhất của chúng ta là chúng ta luôn có “cái ta” và “cái của ta”. Chúng ta làm việc mà chúng ta có phiền não thì chúng ta đã dính mắc vào “cái ta” và “cái của ta”. Chúng ta làm việc tùy duyên, không cưỡng cầu, phan duyên thì chúng ta sẽ không có phiền não. Chúng ta có thể làm được việc là do chúng sanh nơi đó có phước, việc không thành là do chúng sanh nơi đó không có phước.

Chúng ta phải quay về với “Năm Đức”, “Lục Hòa”. “Năm Đức” là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Tôi thường nhắc mọi người, khi chúng ta mở trường, đủ duyên thì chúng ta làm không đủ duyên thì chúng ta đóng cửa. Chúng ta sợ rằng nếu trường đóng cửa thì chúng ta sẽ “mất mặt” vậy thì chúng ta đã dính mắc vào “cái ta”. Nhiều người sợ “mất mặt” nhưng không sợ sinh tử. Nỗi khổ của sinh tử khủng khiếp hơn nỗi khổ của “mất mặt” rất nhiều, điều quan trọng chúng ta làm được gì cho chúng sanh, cho Phật pháp.

Hòa Thượng nói, người có thành tựu trong tu học là người khắc phục được tập khí, phiền não của chính mình. Nhiều người tưởng chừng rất thành công trong tu học nhưng tập khí, phiền não của họ vẫn còn nguyên vì vậy khi họ gặp việc thì họ không thể vượt qua. Hòa Thượng cũng nói, thế gian này, “ân oán tình thù” rất phức tạp, có người hôm nay là người thân nhưng ngày mai họ có thể trở thành kẻ thù do vậy chúng ta đừng chấp trước, vướng bận vào việc thế gian. Trong “Tứ Y Pháp” của nhà Phật dạy chúng ta: “y trí bất y thức”. Chúng ta không làm theo cảm tình, chúng ta làm vì phục vụ chúng sanh, vì phát dương quang đại Phật pháp. Hòa Thượng từng nói, ở Cư sĩ Lâm, Ông Lý Mộc Nguyên đối xử với Ngài rất tốt nhưng không phải vì vậy mà Ngài ở lại. Nếu ở đó, họ làm đúng như pháp thì Ngài ở, nếu họ làm không đúng như pháp thì cho dù hậu đãi nhiều như thế nào, Ngài cũng sẽ ra đi.

Hòa Thượng nói: “Yêu thích càng nhiều thì ghét sẽ càng nặng”. Nếu chúng ta hiểu được chân tướng sự thật này thì chúng ta sẽ dễ dàng buông xả, tâm địa chúng ta tự nhiên sẽ thanh tịnh. Chúng ta không thể buông xả vì chúng ta chưa thật sự hiểu, hiểu một cách lờ mờ.

Hòa Thượng nói: “Phàm phu chúng ta không thể không khởi tâm động niệm, thế nhưng phải nên biết chúng ta khởi tâm động niệm là sai”. Phàm phu chúng ta chìm đắm trong “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”. Phật Bồ Tát không khởi tâm động niệm, các Ngài không có dụng tâm đi độ chúng sanh, bi nguyện của các Ngài đồng với chúng sanh khổ nạn nên các Ngài đến. Chúng ta khởi thiện niệm cũng là sai vì thiện ác là tương đối, chúng ta tạo thiện nghiệp thì chúng ta sẽ sinh vào ba đường thiện, tạo ác nghiệp thì chúng ta sẽ sinh vào ba đường ác. Chúng ta khởi niệm thì chúng ta không thể ra khỏi tam giới mà chúng ta vẫn ở trong sáu cõi luân hồi.

Hòa Thượng nói: “Những việc thế gian đã che mất đi tâm trong sáng của chúng ta”. Chúng ta không tạo thiện nghiệp, ác nghiệp mà chúng ta tạo tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp giúp chúng ta vượt thoát sinh tử. Chúng ta làm mà chúng ta không dính mắc thì chúng ta đã tạo ra tịnh nghiệp. Chúng ta thấy mình đang làm việc tốt, đang làm được việc gì cho ai vậy thì chúng ta chỉ đang tạo thiện nghiệp, chưa tạo được tịnh nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Phật phật đạo đồng”. Mỗi chúng ta đều có tướng hảo trang nghiêm, năng lực độ chúng sanh giống như Phật. Chúng ta bái lạy thiên Phật, vạn Phật thì miệng chúng ta vẫn phải niệm Phật, thân lễ Phật, tâm tưởng Phật, niệm niệm đều như đang đối diện với Phật A Di Đà”. Mỗi chúng ta đều có năng lực, trí tuệ, tướng hảo của Phật. Trước mặt chúng ta là vị Phật nào thì chúng ta cũng hành lễ như nhau. Tôi đến bất cứ nơi nào tôi đều cung kính, nếu thuận tiện thì tôi lạy ba lạy, nếu không thuận tiện thì tôi xá ba xá. Khi tôi đến đạo tràng của Thiên Chúa Giáo, tôi cũng làm như vậy. Đây là chúng ta không phân biệt chấp trước, chúng ta tạo sự thân thiện đối với mọi người. Chúng ta quán trước mặt chúng ta là Phật A Di Đà, chúng ta niệm, lạy Phật A Di Đà.