125Thứ Hai, 26/02/2024, 18:31
48 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 48

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 26/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 48

Người học Phật luôn thận trọng tránh việc kết oán khi góp ý cho người. Để thể hội “ý bên ngoài lời Phật dạy”, người học Phật cần tu lễ kính tức là bên trong đoạn phiền não và bên ngoài “Thân, Ngữ, Ý” “chân thành, thanh tịnh, từ bi”. Nếu “cách thấy” tương ưng với giáo huấn của Phật thì trí tuệ khai mở tức là mọi việc làm, mọi sự thể hội đều từ nơi tâm nên nghiệp chướng tiêu trừ, trí thêm rông lớn và thân tâm tự tại.

Hòa Thượng nhắc: “Bình thường khi chúng ta nói lỗi lầm của người khác, tuyệt đối không nên có người thứ hai ở bên cạnh.” Hằng ngày chúng ta có lỗi, có tập khí phiền não đều được Hòa Thượng chỉ ra hết nhưng không nêu đích danh ai. Do đó, ai nghe cảm thấy lỗi của mình ở đâu thì tự sửa. Còn nếu nói riêng với từng người đến lần thứ tư là đã có thể kết oan gia rồi.

Hòa Thượng phân tích thêm: “Lão sư mà khuyên bảo học sinh còn phải đóng cửa để giáo huấn. Học sinh sau khi nghe rồi thì mới được lợi ích, trong lòng thấy rất cảm kích. Ở thế gian, nếu công khai nói lỗi thì những người thiện căn sâu dày sẽ khởi tâm cảm kích còn những người thiện căn cạn cợt sẽ ôm lòng oán hận, tìm cơ hội báo thù, tương lai kết thành oan oan tương báo, sẽ rất khổ.

“Cho nên trong cuộc sống hằng ngày, chính mình phải hết sức cẩn thận với hành động cử chỉ việc làm của mình, không khéo sẽ kết oan gia. Mà kết oan gia rồi thì oan oan tương báo. Nhà Phật có câu oan gia nên giải không nên kết”.

Chúng ta may mắn không phải mời ai đó đến rồi nhỏ nhẹ khuyên nhủ, không để người khác biết. Cho dù là làm như vậy nhưng chúng ta khuyên họ đến lần thứ ba, thứ tư vẫn rất khó. Hiện tại, chúng ta mở zoom để nghe Hòa Thượng dạy bảo. Ai lên lớp học, nghe Hòa Thượng dạy, thì dần dần ngộ ra, nhận thấy sai phạm và tự mình thay đổi, tự làm mới. Phật Bồ Tát có đến mà chúng ta không nhận ra mình sai chỗ nào, không tự nỗ lực sửa đổi thì chính mình không chân thật lợi ích.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nghe qua giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền nhất định phải hiểu được ý của Phật, của Thánh Hiền ở bên ngoài lời. Trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm dạy phải dùng Thân, Ngữ, Ý thanh tịnh để tu lễ kính thì mới hiểu được lời của Phật, của Thánh Hiền dạy chúng ta.”.

Muốn thể hội được “ý tại ngôn ngoại” tức “ý ở bên ngoài lời nói” thì “Thân Khẩu Ý” phải thanh tịnh. “Thân” vẫn “sát đạo dâm”, “Ý” thì “tham sân sân si”, “Khẩu” vẫn “nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt và nói lời hung ác” thì không bao giờ hiểu được ý ở ngoài lời. Nếu dùng vọng tâm, tư lợi thì sẽ hiểu sai ý của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền.

Ví dụ khi Phật dạy “bố thí” thì nhiều người hiểu sai nên thực hành sai. Họ ra sức khuyên người “bố thí” nhưng bản thân họ không làm. Họ cũng không hiểu rằng tầm cao của “bố thí” chính là không những “bố thí” tiền bạc (vật ngoài thân) mà còn “bố thí” phiền não tập khí hay sự chấp trước vướng bận trong nội tâm của mình. Nếu mình ham ăn, ham ngủ hay hư danh ảo vọng thì phải “bố thí” cái ham ăn, ham ngủ hư danh ảo vọng đó đi. Vì không hiểu ý nghĩa này nên có người “bố thí” với những con số “khủng” hoặc làm rất nhiều việc lớn lao nhưng bức bách, phiền não khổ đau vẫn vây khốn lấy họ.

Hòa Thượng nói: “Nếu tâm không thanh tịnh thì cho dù hình thức như thế nào cũng không phải là lễ kính. Nếu tâm địa thanh tịnh mới là chân thật lễ kính. Phật pháp trọng thực chất tức là ngay trong cuộc sống thường ngày đối nhân xử thế tiếp vật, khởi tâm động niệm của mình phải chân thành thanh tịnh từ bi.” Dùng tâm “chân thành, thanh tịnh, từ bi” thì tất cả mọi việc làm của chúng ta sẽ tương ưng với Phật, Bồ Tát. Đương nhiên cũng sẽ tương ưng với Thánh Hiền thế gian.

Hòa Thượng tiếp lời: “Trong nhà Phật dạy chúng ta sám hối. Đạo lý của việc sám hối cũng là như vậy. Khi chúng ta sám hối thì chúng ta phải biết nghiệp chướng của chúng ta là từ vô thủy kiếp đến nay, phải nhận ra được nó”. Nghiệp chướng của chúng ta là từ vô thủy kiếp chứ không phải mới đây. Có người nói khi chưa tu, chưa tụng Kinh niệm Phật, học pháp thì không thấy vọng tưởng nhưng khi bắt đầu tu rồi thì vọng tưởng nhiều quá, mọi cảnh cũ đều hiện ra.