149Thứ Hai, 26/02/2024, 18:31

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 25/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 47

Người học Phật không chỉ tuân thủ năm hay mười giới mà còn cả các quy định, phép tắc hay luật pháp ở mỗi khu vực hay quốc gia mình sinh sống, không chỉ trên thân mà còn ở khởi tâm động niệm. Người đang tu học ở bất cứ pháp môn nào cũng cần cắm gốc từ những bộ sách “Liễu Phàm Tứ Huấn, Âm Trắc Văn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” thì họ sẽ dễ dàng tin sâu nhân quả và sửa đổi những tập khí phiền não của mình.

Hòa Thượng nói: “Những quy chuẩn, quy điều rất nhiều. Chúng ta ở mỗi nơi, mỗi khu vực, quốc gia thì phải áp dụng theo phép tắc chuẩn mực của mỗi nơi, mỗi khu vực quốc gia mình sống chứ không chỉ năm giới của nhà Phật.” Ví dụ đơn giản như có biển hiệu ghi là “Không được dẵm lễn cỏ” mà mình dẵm hay “Lối đi dành cho người đi bộ” mà đi xe đạp vào thì mình phạm giới rồi. Đa phần mình không chú ý điều này.

Có người nói chỉ cần giữ năm giới là được. Thật ra năm giới chúng ta học là những giới trọng. Nếu diễn giải sâu về năm giới thì có ý nghĩa rất rộng lớn. Mọi chuẩn mực, oai nghi đi đứng nằm ngồi của chúng ta đều trong giới. Hàng Bồ Tát thậm chí giữ gìn từng khởi tâm động niệm, hành động tạo tác. Còn chúng ta giữ giới mà chỉ nhìn vào phần thô còn các Ngài quan sát được rất xa nên giữ giới cả trên khởi tâm động niệm.

Một vị tỳ kheo thanh tịnh bị kẻ cướp bắt rồi dấu trong đám cỏ, các Ngài cũng không dám dựt đứt cỏ mà đi. Các Ngài đạt được sự thanh tịnh trong giới đến như vậy. Nói đến đây chúng ta nhớ đến lời dặn của Phật trước khi Ngài nhập Niết bàn: “Hãy lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. “Khổ” ở đây nghĩa là cần lao, tận tâm tân lực làm lợi ích chúng sanh không chút nề hà.

Chúng ta không được dạy một cách nghiêm túc từ lúc nhỏ nên chúng ta rất tùy tiện, không có khuôn phép, chuẩn mực. Chúng ta cứ nghĩ rằng một cây rau hay vật dụng gì đó thì có thể tùy tiện lấy. Đó chính là phạm giới. Ngài Lý Bỉnh Nam đã làm ra biểu pháp khi lấy một cái phong bì thì Ngài liền xin thủ trưởng. Một cái phong bì trong tầm tay có thể sử dụng mà Ngài còn thưa hỏi thì làm sao chúng ta dám lấy những gì lớn hơn.

Cho nên đời sống của chúng ta nhất định phải là đời sống trong chuẩn mực, tuân thủ giới điều và pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy bị ràng buộc khi phải tuân thủ như vậy. Vì sao vậy? Vì họ phóng túng đã từ rất lâu. Những quy chuẩn, giới điều hay luật pháp đều là biệt giải thoát. Trong Giới Kinh, Phật nói, người nào giữ được giới nào thì giải thoát không bị ràng buộc. Ý muốn nói là ngay hiện tại mình không phạm phải lỗi lầm và ngay trong đời sau mình không chịu quả báo đau khổ của việc phá giới. Có người cứ đi xe ra đường là bị phạt vì vi phạm luật giao thông. Nếu chúng ta tuân thủ luật lệ giao thông thì chúng ta giải thoát khỏi sự ràng buộc. Vì chúng ta lơ là thất ý nên mới như vậy.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu học các pháp môn khác nhất định phải dùng Liễu Phàm Tứ Huấn, Âm Trắc Văn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên làm nền tảng”. Mỗi người tu một pháp môn khác nhau, người thì tu Thiền, Mật hay Tịnh Độ, người tu Pháp Hoa, người tu Lăng Nghiêm v..v..cho dù tu pháp môn nào thì nhất định phải cắm gốc nền tảng là những bộ sách Hòa Thượng chỉ dạy. Nguyên nhân vì chúng sanh không biết đến đạo lý của cảm ứng, của nhân quả nên tùy tiện. Ngay chuyện bước qua giếng nước cũng là điều phải kiêng kỵ. Tuy nhiên việc này làm rất nhiều người thắc mắc. Từ xưa đến nay, giếng vẫn là nơi cung cấp nước cho con người sinh hoạt, sử dụng trong ăn uống, cúng lễ nên nếu bước qua thì không có tâm cung kính.

Hòa Thượng khẳng định: “Nhờ những bộ sách này sẽ giúp chúng ta tin sâu nhân quả hơn, tu sửa những tập khí không tốt của mình. Nếu chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ từ phẩm 32-37 thì đối với những đạo lý này cũng rõ ràng.” Đành rằng Kinh Vô Lượng Thọ giảng rõ nhưng chúng ta chưa hiểu thấu hết ý nghĩa trong Kinh nên thông qua những bộ sách Hòa Thượng nhắc đến chúng ta sẽ hiểu thấu hơn, học tập tốt hơn.

Hòa Thượng khuyên chúng ta học sách của Đạo giáo, Nho giáo không phải vì Ngài không có trí tuệ mà vì Ngài đi khắp nơi trên thế giới nên thấy rõ người học Phật nhiều năm mà tập khí còn y nguyên. Họ mong muốn cầu xin thay đổi vận mạng nhưng họ không chịu làm theo lời Phật dạy, do đó, Hòa Thượng khuyến khích việc đọc 300 lần sách Liễu Phàm Tứ Huấn để ấn tượng về việc ngài Liễu Phàm thay đổi vận mạng ngoạn mục như thế nào, để thấy rằng Ngài Viên Liễu Phàm đã làm được thì mình cũng làm được.