123Chủ Nhật, 14/01/2024, 08:43

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 13/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 4 

Từng câu, từng lời dạy vàng ngọc của Hòa Thượng đánh thẳng vào tập khí sâu dày của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta không ngày ngày học tập, tiếp nhận thì chúng ta không thể thay đổi tập khí sâu dày của mình. Hòa Thượng nói: “Nguyên tắc tu hành của mỗi cá nhân chính là Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, khi chúng ta tiếp xúc với mọi người là chúng ta được trải sự luyện tâm”. Ngoài ba nguyên tắc trên, chúng ta phải tuân thủ “Lục Độ”, “Mười Nguyện Của Bồ Tát Phổ Hiền”. Chúng ta giữ gìn tâm địa thanh tịnh thì chúng ta mới có thể thành tựu đạo nghiệp của mình. Chúng ta đã nhiều lần nghe những điều này nhưng chúng ta nghe một cách qua loa. Trong đối nhân xử thế tiếp vật chúng ta chỉ làm những điều này trên hình thức thì tâm chúng ta không thể thanh tịnh. Ngày nay, chúng ta đề xướng hiếu đạo, tổ chức lễ tri ân chính là chúng ta đang thực hành “Tam Phước”. Trong “Tam Phước”, phước đầu tiên là: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”.

Mỗi người trong đoàn thể, gia đình, quốc gia, thế giới đều thực tiễn “Lục hòa” thì đoàn thể, gia đình, quốc gia, thế giới đó sẽ hoà. Trong đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác chúng ta luôn bất hoà, chướng ngại người. Trong sáu phép hòa phép đầu tiên là thân hòa đồng trụ, cùng ở với nhau. Người xưa cũng nói: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thân phận, địa vị, trình độ kiến giải của chúng ta có thể khác nhau nhưng chúng ta phải quan tâm yêu thương nhau. Chúng ta đang sống trong một thế giới cộng sinh, vừa rồi cả thế giới đã phải cùng nhau trải qua dịch bệnh. Nếu chúng ta không cùng nhau bảo vệ địa cầu thì môi trường sống chúng ta sẽ bị ô nhiễm.

Tháng trước, hai vợ chồng con gái của tôi bị nhiễm Covid, hai vợ chồng đã đóng cửa ở nhà để tránh tiếp xúc với mọi người, khi trong nhà hết thức ăn thì con gái tôi nhờ mẹ chồng mua giúp và để ở trước cửa, sau 5 ngày thì các con tôi khỏi bệnh. Đây là hai vợ chồng con gái tôi đã có ý thức cộng đồng. Nếu chúng ta có bệnh có thể lây nhiễm thì chúng ta phải tự mình cách ly.

Chúng ta học Phật là học đạo giác ngộ, chúng ta phải minh bạch, tường tận, sáng suốt trong mọi sự, mọi việc. Nhiều người học Phật nhưng luôn ở trong trạng thái mơ hồ, chỉ làm theo cách thấy, cách biết, cách làm của chính mình. Phật là bậc đại trí tuệ Ngài đã dạy sáu phép hòa cho tăng đoàn từ gần 3000 năm trước, người ngày trước đã rất cần những nguyên tắc này, ngày nay những nguyên tắc này càng cần thiết. Thí dụ, chúng ta cùng đi trên máy bay, nếu phi công lái máy bay mà không muốn sống nữa thì tính mạng của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng hay nếu có người ngông cuồng tự ý mở cửa máy bay thì chúng ta cũng sẽ gặp tai họa.

Hiện tại, trong gia đình, trong cơ quan, chúng ta có thể hòa thuận cùng ở, cùng làm việc với mọi người không? Chúng ta có vì cái lợi của mình mà chiếm lợi của người khác không? Trong gia đình, nếu chúng ta có ý niệm muốn chiếm lợi ích nhiều hơn mọi người thì chắc chắn sẽ có xung đột. Thí dụ, chúng ta cho rằng mình là con cả, chúng ta muốn được chia nhiều đất hơn những người con khác thì mọi người sẽ không phục. Trong một buổi họp mặt chúng ta đến trễ thì mọi người sẽ không vui. Nếu chúng ta không tuân thủ kỷ luật thì chúng ta sẽ khiến mọi người không phục. Hằng ngày, chúng ta vẫn chưa làm được tốt những nguyên tắc này, chúng ta chưa làm ra được tấm gương cho mọi người thì chúng ta sẽ không thể làm được Phật Bồ Tát.

Phép hoà thứ hai là khẩu hoà vô tranh. Trong một đoàn thể hay giữa hai quốc gia một lời nói không cẩn trọng thì có thể sẽ gây ra sự bất hoà. Gần đây xảy ra vụ việc, nhân viên một hãng máy bay có lời nói không phù hợp nên lãnh đạo hãng máy bay đã phải nói lời xin lỗi cộng đồng. Trong một quốc gia, Bộ ngoại giao cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Lời nói có thể tạo ra xung đột hay hoà khí giữa hai người. Ông bà ta nói: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nếu người thế gian nói những lời không thật để vừa lòng nhau thì đó là lời thêu dệt. Chúng ta là người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền, lời nói của chúng ta phải là chuẩn mực. Lời nói có thể tạo khẩu nghiệp, đây là một trong bốn trọng giới của nhà Phật. Bốn trọng giới của nhà Phật gồm không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ. Nếu người nào phạm phải bốn trọng giới này thì họ sẽ giống như cây dừa bị chặt ngọn, cây dừa đó sẽ không thể phát triển được.