31Thứ Năm, 04/07/2024, 18:53
175 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 175

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 30/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 173

Hòa Thượng nhắc đến hai chữ “đồng luân” là cùng nhau học tập, cùng chí hướng, cùng một tâm, cùng một nguyện. Chúng ta đang một lòng niệm Phật cầu sanh Cực Lạc đó là đồng nguyện. Đồng tâm là đem sức của mình làm tất cả mọi việc để phục vụ lợi ích cho chúng sanh. Tôi từng nhắc mọi người rằng đường chúng ta đi càng xa thì càng nặng mà càng nặng thì đường càng xa.

Gần đây có người xin tặng 1ha đất để chúng ta xây dựng một khu đào tạo. Rõ ràng người ta thấy mình làm chân thật lợi ích chúng sanh nên người ta đã có mong muốn như vậy. Đúng như lời Hòa Thượng dạy: “Chỉ sợ không có đạo chứ không sợ không có tràng”. “Tràng” là nơi chốn, chỉ cần chúng ta làm đúng như pháp, chân thật vì chúng sanh mà hy sinh phụng hiến tức là thay tâm, thay nguyện, thay hạnh của Phật thì nhất định Phật, Bồ Tát và long thiên Hộ pháp sẽ gia trì. “Đạo” là đạo tâm, là có sự tu hành. Một khi đã có đạo tâm, có sự chân thật tu hành thì không thiếu gì nơi chốn để người ta mong mình đến.

Khi tôi phát tâm dạy học miễn phí, nhiều nơi người ta không nhận. Sau đó, tôi đã ra ngoài dạy, một giờ 6 USD mà một tuần tôi dạy được hai giờ. Lúc đó tôi đã khởi niệm tri ân ân đức của Phật vì nhờ Phật pháp mà tôi mới có sự học hành như vậy. Dạy một thời gian tôi bắt đầu dịch thuật những bài pháp của Hòa Thượng. Lúc đó tôi phiên dịch mà chẳng biết để làm gì, chỉ biết là rất hay.

Càng phiên dịch thì tôi càng bị thôi thúc bởi ý nghĩ rằng pháp của Hòa Thượng hay thế này, vậy phải làm sao để người người đều biết đến. Đôi lúc tôi cảm thấy bất lực vì không biết có cách nào để phổ biến những bài pháp của Hòa Thượng. Tối thì tôi ngồi dịch dịch còn ban ngày, khi đi bán hàng tại chợ, thì tôi ngồi chữa bài. Ước vọng mang pháp của Hòa Thượng lan tỏa khắp muôn nơi vẫn luôn trong tâm tâm niệm niệm của tôi.

Rồi bỗng nhiên tôi được chuyển nghiệp, tôi dứt hẳn được việc đi ra chợ bán hàng, hoàn toàn tập trung vào dịch thuật. Rồi một thời gian sau, mọi người đã mời tôi ra Hà Nội giảng lại những lời dạy của Hòa Thượng. Từ đó tôi đã đi giảng khắp nơi. Rõ ràng Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta rằng chỉ cần bạn có tâm vì Phật pháp, vì chuẩn mực Thánh Hiền thì khi có việc, bạn tận tâm tận lực mà làm, khi không có việc thì hoàn thiện chính mình.

Nghe lời dạy này của Hòa Thượng, tôi âm thầm chờ đợi, ngồi trong một ngôi nhà nhỏ để ngày ngày làm công tác phiên dịch. Tâm cảnh của tôi đối với Hòa Thượng lúc đó là muôn vàn tôn kính. Sau khi người sở hữu trang web từ chối đăng những đĩa giảng của Hòa Thượng lên mạng. Tôi quyết định tự làm website và bỗng nhiễn có một người chuyên gia làm web đã giúp tôi và trang Tinhkhongphapngu.net được ra đời.

Qua đây chúng ta thấy ban đầu chỉ là vọng tưởng, nhưng một khi vọng tưởng được thực tiễn thì đó là hiện thực nên vọng tưởng không còn gọi là vọng tưởng mà là nguyện vọng. Khi làm công tác giáo dục, chúng ta không xin xỏ, cưỡng cầu ai, không qua lại với ai thì trong nhân duyên đặc biệt thù thắng, một sư cô đã tặng khu vực Hòa Phú cho chúng ta. Rồi trong một nhân duyên tình cờ tại Sóc Trăng, chúng ta còn làm được vườn rau để cúng dường cho mọi người tại đây.

Cho nên mọi sự mọi việc có tâm phan duyên của mình vào thì chắc chắn có phiền não. Mình cố cưỡng cầu thì sự việc vẫn thành nhưng có phiền não. Duyên đủ thì tự đến. Chướng ngại đều là từ nơi chính mình. Hòa Thượng nói cả đời Ngài không hề có chướng ngại. Tại vì sao? Vì mong muốn của Ngài đều là vì lợi ích chúng sanh, không có ý niệm mong muốn có một nơi chốn thoải mái, an nhàn.

Cho nên, Hòa Thượng nói: “Chỉ cần tâm nguyện giải hành của chúng ta tương ưng với Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền thì mọi việc nhất định hanh thông, nhất định phù hợp với mọi thời đại”. Thời đại nào con người cũng bị xoay vần trong “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si”, do đó, điều quan trọng là mình biết kiểm thúc, kiềm chế những tập khí vẫn vốn có đó như lúc chúng ta lễ Phật, chúng ta quan sát từng động tác nhún gót, đứng lên, ngồi xuống nhịp nhàng, từng lạy lên xuống kiểm soát rất chặt chẽ.

Trong mọi sự mọi việc chúng ta thấy chữ “đồng luân” vô cùng quan trọng. Đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh thì không gì không thành công. Chỉ cần một tâm sai lệch, hay một chút ý niệm tư lợi, làm việc chỉ “vì mình hoặc vì người của mình” thì ngay nơi đó đã sai rồi. Nhiều khi vi tế quá mà mình không biết. Bởi vậy, nơi nào đủ duyên thì tôi đến chứ không vì nơi đó có nhà mình, có Mẹ mình thì mình mới về. Ngày giỗ cha nhiều lần tôi không có mặt do bận công việc đại chúng song trước giỗ tôi luôn quan tâm đầy đủ mọi mặt, kể cả phóng sinh và phát quà từ thiện.