30Thứ Hai, 17/06/2024, 21:43
160 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 160

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 17/06/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 160

Hòa Thượng dạy chúng ta cách làm thế nào để thẳng đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề. Hòa Thượng dùng câu của Bồ Tát Đại Thế Chí “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau” làm pháp tu tối thắng nhất và “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” tức là không cần phương tiện nào khác mà có thể tự khai mở tự tánh của chính mình.

Có người hỏi tôi niệm “A Di Đà Phật” là chánh tu và Địa Tạng sám pháp là trợ tu có được không? Tôi liền trả lời là tại sao không chánh tu và trợ tu đều là “A Di Đà Phật”. Chỉ cần chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật”, niệm đến thành khối thì sẽ tự đắc tâm khai.

Từ nay đến sau này, tôi sẽ viết thư pháp danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” để khắc nhớ trong tâm. Mọi người căn tánh tốt, còn mình căn tánh không tốt, vọng tưởng nhiều thì mình dùng mọi phương tiện để khắc nhớ danh hiệu trong tâm. Một ngày có thể viết nhiều lần để nhớ danh hiệu. Có lúc mở máy niệm Phật cũng không ăn thua, máy thì niệm mà tâm lại vọng tưởng.

Chúng sanh nghiệp nặng nên “vọng tưởng thành khối” chứ chẳng phải niệm Phật thành khối. Đó là “tự tác tự thọ” - tự mình làm tự mình chịu. Hòa Thượng nói chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, chỉ dùng phương pháp này là tối thắng. Lời nói này rất có đạo lý. Vọng tưởng chúng ta sâu dày nên chỉ dùng cách này mới đánh bạt được các vọng tưởng của chúng ta.

Những pháp tu khác muốn đạt được “minh tâm kiến tánh” là điều không dễ dàng. Chỉ có pháp tu Tịnh Độ từ thượng căn đến hạ căn đều có thể tu được. Thượng căn thì có thể đạt được “Lý nhất tâm bất loạn”, có thể tự tại vãng sanh. Thấp hơn một chút là “Sự nhất tâm bất loạn” và thấp hơn nữa là “Niệm Phật thành khối”. Hòa Thượng nói rằng pháp tu này người người có thể tu, có thể đạt đến tự đắc tâm khai, chỉ sợ là mình không chịu niệm.

Quan trọng là chúng ta niệm đúng pháp tức là lão thật niệm Phật, tức là dùng tâm “Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi” để niệm. Ngày ngày chúng ta vẫn niệm Phật nhưng bên cạnh đó vẫn niệm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn niệm “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” là không đúng pháp.

Nhiều người cho rằng pháp môn niệm Phật là pháp của ông già bà cả. Tuy nhiên, Hòa Thượng khẳng định: “Con đường này là nhanh nhất, ổn định nhất để đi đến Vô Thượng Bồ Đề”. Phương pháp tu hành khiến người tu có thể thành tựu thì đó là diệu pháp. Còn pháp tu chỉ dành cho người tri thức, thông minh lanh lợi hay cho người có tiền thì phải xét xem có thành tựu hay không. Thành tựu thì mới là diệu pháp.

Pháp mà chỉ làm trên hình thức, không đưa đến thành tựu nơi nội tâm thì pháp đó chưa liễu nghĩa. Liễu nghĩa tức là mình tu pháp đó được an lạc, có thành tựu. Trong “Tứ y pháp”, Đức Phật dạy chúng ta: “Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa”. Thành tựu nghĩa là mọi thứ tập khí trong cuộc đời của chúng ta như: “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” đều tan nhạt, buông xuống rất nhanh. Đấy mới gọi là có công phu. Chứ không phải một ngày lạy 300-500 lạy Phật hoặc hơn mới là công phu. Công phu nào giúp ta chuyển đổi tập khí thì liễu nghĩa, cũng gọi là diệu pháp.

Pháp Tịnh Độ mà chúng ta tu đã được Bồ Tát Đại Thế Chí dạy rất rõ ràng: “Gom nhiếp sáu căn; Tịnh niệm liên tục; Bất giả phương tiện; Tự đắc tâm khai; Nhập Tam ma địa.” Có lần tôi đi chia sẻ ở Hà Nội hai tiếng đồng hồ vậy mà đến phần hỏi đáp thì có người hỏi tôi rằng “Niệm Phật thì có trì chú vãng sanh được không?” Như vậy buổi giảng 2 tiếng không đi đến đâu. Các Tổ đã dạy là niệm Phật không hoài nghi không xen tạp vậy lúc trì chú có gián đoạn không? Và chúng ta cho rằng chú vãng sanh linh nghiệm hơn câu Phật hiệu thì như vậy có phải là hoài nghi không?

Mấy năm trước tôi đi chia sẻ rất nhiều nơi, họ cũng nói y giáo phụng hành, vài hôm sau có những người khác đến giảng pháp khác thì họ cũng vẫn nói là y giáo phụng hành. Cuối cùng sẽ chẳng ai được gì. Thậm chí, họ còn sắp xếp để các Phật tử đăng ký mỗi ngày đến tu tập ở một đạo tràng khác nhau, có người trong một tháng đi tu tập ở 25 đạo tràng.