Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 03/05/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 115
Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, chúng ta muốn việc học tập hay tu hành có kết quả thì chúng ta phải chân thật hạ công phu. Trong tu hành, chúng ta phải chân thật hạ công phu thì chúng ta mới đối trị được tập khí, phiền não của chính mình. Chúng ta chỉ chú trọng ở bề ngoài, làm cho dễ coi thì chúng ta sẽ bị tập khí sai sử.
Hòa Thượng nói, Bồ Tát từ thất địa trở xuống, mỗi lần đi vào vòng sinh tử cũng không còn nhớ mình là ai, chúng ta là phàm phu, nếu chúng ta rơi vào vòng sinh tử thì chúng ta sẽ rất khó để thoát ra. Đời này chúng ta may mắn được gặp Phật pháp, gặp chuẩn mực Thánh Hiền thì chúng ta phải cố gắng học tập. Hòa Thượng nói: “Cho dù phải cắn môi, rớm máu thì chúng ta cũng phải làm!”. Nếu chúng ta trải qua nhiều năm tu hành thì chúng ta sẽ nhận ra là tập khí, phiền não của chúng ta không dễ đối trị. Chúng ta chểnh mảng, lơi là thì khi chúng ta muốn quay đầu thì sẽ như Hòa Thượng nói là: “Không còn kịp!”.
Người xưa rất xem trọng gần Thầy tốt, bạn lành. Hòa Thượng nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta ở gần mực, chúng ta chưa giúp được mực tan nhạt thì tay của chúng ta đã lấm mực. Chúng ta gần đèn thì cho dù chúng ta đang rất tối, chúng ta cũng sẽ hưởng được ánh sáng. Mười mấy năm qua, tôi chỉ nghe, dịch pháp của Hòa Thượng Tịnh Không, tôi chuyên tâm học tập theo một vị Thầy nên tôi có một chút kết quả. Nếu chúng ta học rộng, nghe nhiều thì chúng ta chưa chắc đã có kết quả.
Trên “Kinh Di Đà” nói, để gặp được Phật pháp thì: “Chúng ta phải có thiện căn, phước đức nhân duyên sâu dày”. Tôi cũng có thiện căn sâu dày với Phật pháp. Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, Bố Mẹ tôi không biết gì về tu hành nhưng từ nhỏ tôi đã có thiện cảm đối với pháp môn Tịnh Độ. Bà nội tôi ăn chay, niệm Phật, đi chùa tụng Kinh nên tôi cũng bắt chước làm theo bà. Tôi thường theo bà đến chùa tụng Kinh, ngồi công phu vào buổi sáng, buổi chiều, buổi tối và buổi khuya cùng mọi người. Sư bà trụ trì không muốn cho trẻ con vào chùa nên chúng tôi phải trốn vào. Buổi tối, tôi nằm ngủ trên ghế, mặc dù bị muỗi đốt nhưng đến giờ thì tôi tự giác dậy. Tôi đến chùa được khoảng 4 năm thì Ba tôi không cho tôi đi nữa vì Ba sợ tôi sẽ đi tu. Tôi có thiện căn từ nhiều kiếp, trong đời quá khứ tôi đã tu hành nên đời này tôi đề khởi được nhân duyên với Phật pháp.
Đời này, chúng ta có duyên gặp được Phật pháp, chúng ta phải dụng tâm chân thành để tu học. Chúng ta nghĩ gì, làm gì thì Phật Bồ Tát, Long Thiên Thiện Thần thậm chí yêu ma quỷ quái cấp thấp đều biết rất rõ. Chúng ta không ngồi chờ duyên phận mà chúng ta phải tự tạo duyên phận cho chính mình. Người khác không mời chúng ta thì chúng ta tự mời mình; Người khác không kết duyên với chúng ta thì chúng ta tìm cách kết duyên với họ. Chúng ta làm với tinh thần xả mình vì người, chí công vô tư thì đi đến đâu, chúng ta cũng sẽ kết được duyên với mọi người.
Có nhiều người hỏi Hòa Thượng: “Vì sao nhân duyên của Ngài tốt vậy, khắp nơi đều thỉnh mời Ngài, làm thế nào để có được nhân duyên tốt như vậy?”. Hòa Thượng nói: “Việc này đơn giản lắm! Chúng ta đến nơi nào thì chúng ta mang lợi ích đến cho người ở nơi đó, họ cần danh lợi thì chúng ta cho họ danh lợi, chúng ta chỉ cần pháp tòa để giảng!”. Nếu chúng ta muốn chia danh lợi, muốn dành đệ tử với mọi người thì họ sẽ không muốn mời chúng ta.
Cách đây hơn mười năm, một lần tôi đi giảng ở Nam Định, Phật tử nơi đó có thói quen để một chút tiền vào phong bì để tặng cho các giảng sư, sau khi chia sẻ xong tôi nhắc các chú để hết phong bì vào trong hòm của nhà chùa. Vì điều này, tôi được mọi người chào đón nồng nhiệt trong những năm sau. Đây là tôi đã kết duyên phận với mọi người. Duyên phận tốt hay xấu là do chính chúng ta nỗ lực gây tạo. Chúng ta không kết được duyên lành với mọi người là do chúng ta sợ lời lỗ, hơn thua. Người xưa nói: “Người phước ở đất phước”. Chúng ta tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến thì chúng ta đã tự tạo phước lành cho mình.
Hòa Thượng nói: “Người chân thật niệm Phật, đích thực là không già, không bệnh, không chết, bởi vì tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Trong tâm người niệm Phật chỉ có Phật nên sẽ không có bệnh, không có già”. Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật của kiếp con người, chúng ta không có thời gian rảnh để nghĩ đến bệnh thì chúng ta sẽ không bệnh, không già, không chết. Đạo lý này tưởng chừng dễ hiểu nhưng nếu chúng ta không dụng công niệm Phật thì chúng ta sẽ không nhận ra.