Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 29/04/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 111
Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Tất cả chúng sanh chúng ta không có cách gì thoát khỏi Sanh Lão Bệnh Tử nên Phật đà chỉ bảo chúng ta chỉ có niệm Phật mới không bị khổ não bức bách. Tất cả thống khổ đều sanh ra từ vọng tưởng chấp trước. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến Phật, niệm Phật thì sẽ tiếp nhận Phật lực gia trì, thân tâm thế giới đều trang nghiêm tốt đẹp. Đây là tâm lý khỏe mạnh viên mãn nhất.”
Con người luôn dùng mọi cách để tìm cầu, đấu tranh. Họ không biết rằng cho dù có tranh danh đoạt lợi cũng không được vì tất cả đều do phước báu định đoạt. Họ không được học giáo huấn Thánh Hiền nên không biết rằng: “Trong mạng có nhất định có, trong mạng không nhất định không.” Trong mạng đã không có mà cố cưỡng cầu thì vẫn không được.
Chúng ta học Phật quan trọng nhất là giữ được tâm lý khỏe mạnh, từ đó thân cũng khỏe mạnh. Khuôn mặt của chúng ta luôn phản ánh sự biến đổi nội tâm của chúng ta. Khi chúng ta học Phật là chúng ta đã mỹ hóa đời sống và hoàn cảnh sống của mình nên khuôn mặt cũng thay đổi.
Bất cứ Thầy thuốc nào cũng dặn người bệnh giữ tâm lý bình hòa, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi đủ giờ giấc và uống thuốc đều đặn. Khi tâm lý khỏe mạnh thì mọi sự được tốt bởi tất cả bệnh khổ đều từ vọng tưởng, chấp trước sinh ra cho nên nếu ngày ngày chúng ta có chỗ nương về thì chúng ta không còn bị bao chao, dao động, nhất định đạt “tâm an lý đắc”.
Hòa Thượng nói rõ: “Phàm phu đều có nghiệp chướng. Nếu không có nghiệp chướng thì sẽ không đến thế gian này. Có nghiệp chướng thì có bệnh khổ”. Trên Kinh Phật có câu: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà” – việc ái mà không nặng thì không sanh Ta Bà. “Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ” – niệm Phật mà không nhất tâm thì không về Tịnh Độ. Trong nhà Phật cũng dạy: “Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sinh”. Nhờ bệnh mà chúng ta không chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, đặc biệt với danh vọng lợi dưỡng.
Hòa Thượng chỉ dạy: “Muốn tiêu trừ nghiệp chướng thì phương pháp nhanh và hiệu quả nhất là niệm Phật”. Chân thật niệm Phật là chúng ta nghĩ đến Phật, niệm danh hiệu Phật; nghĩ đến Bồ Tát, niệm danh hiệu Bồ Tát; nghĩ đến “tâm nguyện giải hành” của các Ngài và làm theo các Ngài chứ niệm Phật không phải là: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Nếu chúng ta ngày ngày niệm Phật nhưng vẫn bị tập khí dẫn dắt, không làm theo lời dạy của các Ngài thì nghiệp chướng không thể tiêu trừ. Chữ “Niệm” trên là chữ “Kim” dưới là chữ “Tâm” nghĩa là ngay tâm hiện tại có Phật thì mới là niệm Phật.
Cũng vậy, trên Kinh Pháp Hoa có câu: “Dù cho tạo tội hơn núi cả, chẳng nhọc Diệu pháp vài ba hàng”. Kinh Pháp Hoa là Kinh Đại thừa thì phải dụng tâm Đại thừa, tâm rộng lớn để tụng thì mới “chẳng nhọc Diệu pháp vài ba hàng” còn nếu dùng tâm nhỏ hẹp, “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần, tham sân si mạn” thì cho dù tụng nhiều câu, nhiều bộ cũng không thể tiêu nghiệp. Với hành giả niệm Phật cũng vậy, ngày ngày không làm theo lời Phật dạy mà để tập khí phiền não chi phối thì vẫn là không biết dụng tâm nên không có kết quả.
Hòa Thượng chỉ dạy: “Kiến quốc quân dân giáo học vi tiên - Kiến lập quốc gia trước tiên phải đem giáo dục làm cho tốt. Mục đích của giáo dục là “Tư Vô Tà” nghĩa là làm cho mọi người có tư tưởng và kiến giải chính xác.”