Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 28/04/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 110
“Du ư nghệ” theo Hòa Thượng cho biết thì với ngôn ngữ hiện đại “nghệ” là nghệ thuật, chỉ cho “mỹ”, chỉ cái “đẹp” và Phật pháp gọi là “trang nghiêm”. Ngài nói: “Đời sống của chúng ta phải mỹ hóa, phải làm cho nó đẹp. Hoàn cảnh cũng phải mỹ hóa”.
Ở thế gian, người ta cũng mỹ hóa nhưng không nương vào sự thanh cao mà hướng về tham, về sát đạo dâm vọng. Thế gian hướng đến yêu ma quỷ quái để mỹ hóa đời sống của mình. Ví dụ như lễ hội hóa trang, họ thích đóng thành ma quỷ mà không thích đóng thành Thánh nhân. Đã từng có lễ hội ở nước ngoài, người ta đã dẫm đạp lên nhau mà chết. Con người đã không tuân theo chuẩn mực Thánh Hiền nên mới bị thiệt thòi, bị hại đến thê thảm như vậy.
Ngược lại, nếu chúng ta tuân theo Phật Bồ Tát Thánh Hiền hay tấm gương đức hạnh của cha ông, sống một đời thanh bạch, hy sinh phụng hiến thì không có chuyện bất trắc xảy ra. Ở nước ta, tấm gương của Bác với đời sống rất thanh cao, giản dị khiến người của nhiều đời sau đều ngưỡng mộ.
Hòa Thượng nhắc lại lời dạy của Thánh Hiền: “Chí ở đạo, giữ gìn ở đức, nương theo lòng nhân từ và linh hoạt, hoạt bát ở nơi nghệ thuật (đẹp)”. Chúng ta học chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền thì phải mỹ hóa hoàn cảnh đời sống của mình theo chuẩn mực như trên Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy là thuần Chân, thuần Thiện, thuần Tịnh, thuần Mỹ, thuần Huệ, lấy tiêu chuẩn đạo đức cao thượng làm nền tảng.
Hòa Thượng nói: “Không có cái đẹp của đạo đức thì cái đẹp mà người ta cho là đẹp cũng chỉ là hoa cắm trong bình, rất nhanh khô héo”. Hoa cắm trong bình đã bị cắt rễ, tuy đẹp mà không có gốc. Do đó, muốn mỹ hóa hoàn cảnh đời sống của mình, chúng ta phải dựa vào chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền. Đôi khi cũng cần phải dẹp bỏ “cái ta” – thứ vốn khiến chúng ta ngại ngùng thì chúng ta mới có thể làm cuộc sống đẹp hơn. Ví dụ có người ngại ngùng khi rửa chân cho vợ hoặc chồng mình là do có “cái ta”.
Có người nói rửa chân như thế là tình chấp. Vậy nếu một bên suốt ngày đánh cãi nhau với một bên rửa chân cho nhau, hài hòa vui vẻ với nhau, thì bên nào nên làm hơn? Quan trọng là biết hài hòa vui vẻ nhưng không dính mắc trong tâm. Có câu chuyện kể về ông Lý Khánh Hòa từ giã cõi đời khi mái tóc còn xanh, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ dại. Tuy mắc bệnh ung thư gan khiến hai chân phù thũng nhưng Lý Khánh Hòa vẫn muốn ngồi xếp bằng niệm Phật vãng sanh. Người vợ trẻ nói với chồng mình: “Anh vãng sanh trước, chờ Mẹ con em ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc”.
Hòa Thượng nói: “Chữ Nhân là nhân từ tức là việc gì chúng ta không thích, không muốn thì đừng làm cho người. Con người sở dĩ không giống cầm thú là vì có thể đặt tâm mình vào tâm người để nghĩ cho người. Cho nên nơi nơi đều có thể vì người mà lo nghĩ.” Chữ Nhân là chữ hội ý gồm bộ nhân đứng và chữ nhị nghĩa là hai người trở lên thì không nghĩ cho mình mà phải nghĩ cho người, hai người trở lên phải có lòng yêu thương lo lắng cho nhau.
Đạo chính là năm đức “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Cứ làm theo năm đức này thì chúng ta sẽ hiểu chân tướng vũ trụ nhân sanh còn nếu tâm không thanh tịnh, mê hoặc, điên đảo thì cho dù sự việc ở ngay trước mặt cũng không hiểu. Ví dụ như việc chúng ta làm đậu phụ và trồng rau sạch cúng dường mà người ta còn không hiểu cho rằng chúng ta phan duyên, xen tạp, nhiễu loạn tâm thanh tịnh.
Họ đâu biết rằng đây chính là chúng ta đang tu pháp bố thí cúng dường mà Phật dạy. Thông qua bố thí, người ta mới mở tâm và khi người ta mở tâm thì người ta mới có thể tiếp nhận. Pháp tu này còn giúp chúng ta tích công bồi đức, khắc chế việc lười biếng, nhếch nhác, chểnh mảng của mình. Tuy lao nhọc nhưng chúng ta vẫn hăng say vì chúng ta hiểu “việc tốt cần làm nên làm”. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn không quên việc nghe pháp để biết cách dụng công kiểm soát tập khí của mình.