125Thứ Bảy, 27/04/2024, 15:52
108 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 108

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 26/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 108

Bài học hôm qua Hoà Thượng dạy chúng ta, trên “Kinh A Di Đà” nói: “Người niệm Phật từ một ngày đến bảy ngày thì có thể vãng sanh, thế nhưng chúng ta niệm Phật nhiều năm mà một chút tin tức nhỏ cũng không có! Việc này do chính chúng ta không gom nhiếp được sáu căn tịnh niệm liên tục”. Đây chính là lý do ngày nay nhiều người niệm Phật nhưng không có người có thành tựu. Hằng ngày, sáu căn của chúng ta vẫn rong ruổi theo sáu trần, chìm đắm trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Khi chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chúng ta tưởng mình không bị dính mắc, chúng ta quán sát lại thì chúng ta sẽ thấy ngày ngày chúng ta bị chúng sai sử. Chúng ta thích nghe âm thanh nhẹ nhàng, chúng ta cảm thấy khó chịu khi nghe âm thanh chói tai là chúng ta đã bị sáu trần tác động đến sáu căn. Nếu chúng ta không quán chiếu thì chúng ta sẽ không nhận ra điều này!

Có người nói, trước đây họ chưa tu hành thì tâm họ không khởi vọng tưởng, từ ngày họ tu thì họ thấy vọng tưởng luôn chảy cuồn cuộn, mỗi lần họ niệm Phật thì họ những cảnh tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Đây là do trước đây họ chưa tu, họ không kiểm soát tâm nên họ không thấy vọng tưởng của mình, vọng tưởng của chúng ta giống như dòng nước vẫn đang chảy, chúng ta dùng một hòn đá ngăn dòng nước thì nước sẽ bắn lên tung toé.

Sáu căn là sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, sáu cánh cửa luôn mở ra để tiếp xúc với cảnh giới sáu trần. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc là màu sắc, hình dáng; thanh là âm thanh; hương là mùi hương; vị là mùi vị do lưỡi nếm được; xúc là cảm giác như cứng, mềm, nóng, lạnh; pháp là những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu lại từ năm trần phía trên. Khi chúng ta nếm thấy vị nào chúng ta thích thì chúng ta hoan hỷ, vị nào chúng ta không thích thì chúng ta gét bỏ, thậm chí chúng ta cảm thấy bực mình.

Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta, tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của tu tập chính là “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, nhập tam ma địa”. Chúng ta gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau, không cần phương tiện nào khác cũng tự đắc tâm khai, vào được cảnh giới Phật. Phật Bồ Tát đại từ, đại bi dùng những phương tiện, bí quyết khéo léo nhất để giúp chúng ta có thành tựu. Tâm chúng ta sơ sài, qua loa, chúng ta nghe qua nhưng chúng ta không làm nên chúng ta không có thành tựu.

Hằng ngày, chúng ta cùng nhau học tập, phân tích để chúng ta thể hội sâu hơn lời dạy của Phật Bồ Tát, của Hoà Thượng. Chúng ta đã nghe câu nói này nhiều lần, chúng ta quán sát xem sáu căn của chúng ta có đang chạy theo cảnh giới sáu trần không? Người xưa nói: “Tâm viên ý mã”. Tâm chúng ta như con khỉ chuyền cành, ý của chúng ta như con ngựa hoang chạy trên đồng cỏ. Chúng ta ngày ngày thả sáu căn của chúng ta chạy theo cảnh giới sáu trần. Thí dụ, khi chúng ta ăn một món ngon thì chúng ta cảm thấy thích, chúng ta ăn một món ăn dở thì chúng ta khởi lên phân biệt, thậm chí trong tâm chúng ta khởi lên một chút sân. Chúng ta còn một chút sân thì tâm chúng ta đã không thanh tịnh, tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta không có công đức, công đức mới giúp chúng ta vượt thoát sinh tử. Chúng ta làm việc thiện thì chúng ta có đầy đủ phước đức nhưng khi nào tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta mới có công đức. Ngày ngày, chúng ta vẫn khởi những sân hận nhỏ một cách rất vi tế. Tâm chúng ta chưa thanh tịnh thì chúng ta không thể tương ưng với cõi tịnh.

Hòa Thượng thường nhắc nhiều lần câu của Bồ Tát Đại Thế Chí: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, đắc tam ma địa”. Hôm nay khi nghe lại câu nói này, tôi có cảm nhận một cách sâu sắc hơn! Hằng ngày, khi chúng ta niệm Phật, chúng ta có gom nhiếp sáu căn không? Hay chúng ta để sáu căn rong ruổi theo cảnh giới sáu trần, thả tâm theo “danh vọng lợi dưỡng”, ảo danh, ảo vọng. Nhiều người, khi ngồi niệm Phật cùng với mọi người thì có thể ngồi đến 6 hoặc 8 giờ, nhưng khi ngồi một mình thì họ ngồi được 2 giờ là cảm thấy mệt. Chúng ta phải biết rõ tâm cảnh của mình để chúng ta đối trị với chính mình. Không ai hiểu chúng ta bằng chính chúng ta. Chúng ta chỉ thích nghe lời khen, lời tán tụng của người thì chúng ta mất đi cơ hội tu sửa chính mình.