Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 25/04/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 107
Bài học hôm qua Hoà Thượng nói, tám vạn bốn ngàn pháp môn của nhà Phật đều thù thắng nhưng pháp môn Tịnh Độ, nhờ công đức, bổn nguyện, nhiếp thọ của Phật nên siêu vượt hơn tất cả các pháp môn khác. Khi chúng ta niệm “A Di Đà Phật” thì Phật A Di Đà cũng đang niệm chúng ta, nghĩa là Ngài cũng nhớ nghĩ đến chúng ta, chúng ta và Phật có sự tương thông. Phàm phu trí tuệ cạn hẹp, vọng tưởng quá nhiều nên không hiểu được chân tướng sự thật này!
Chúng ta niệm Phật nhiều năm nhưng chúng ta không thể tương thông với Phật vì chúng ta vọng tưởng quá nhiều, chúng ta niệm nhưng chúng ta không hoàn toàn tin nên chúng ta chỉ niệm trên miệng, tâm chúng ta không niệm. Nhiều người khi gặp tai nạn thì họ niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, khi bị bệnh khổ thì họ niệm Phật Dược Sư, họ không hoàn toàn tin vào câu “A Di Đà Phật”. Trên Kinh Phật nói: “Một câu “A Di Đà Phật” đầy đủ phước đức, trí tuệ viên mãn”. Chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật” với tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi thì chúng ta có phước đức, trí tuệ viên mãn.
Gần 10 năm trước, tôi bị bệnh rất nặng, tôi niệm Phật, lạy Phật rất lâu mà bệnh tình không thuyên giảm, có người khuyên tôi nên trì “Chú Đại Bi”. Khi chúng ta bệnh khổ, tâm chúng ta đã bất an mà lại có ngoại duyên khiến chúng ta thêm nhiễu loạn. Tôi tin Hòa Thượng nên tôi chỉ niệm câu “A Di Đà Phật”. Hòa Thượng nói: “Bạn có đủ can đảm niệm một câu “A Di Đà Phật” đến cùng không?”. Thời gian đó, hằng ngày tôi đi phóng sanh, làm những việc thiện lành, nếu người có hoàn cảnh khó khăn ở xa không đến được thì tôi nhờ người khác làm thay. Tôi tích cực làm như vậy một thời gian thì bệnh khổ của tôi hoàn toàn tiêu mất. Tất cả chướng ngại, bệnh khổ nguyên nhân đều do thân sinh lý, oan gia trái chủ hoặc do nghiệp chúng ta đã tạo trong vô lượng kiếp. Việc một môn thâm nhập là vô cùng quan trọng, chúng ta chuyên tâm vào một môn thì chắc chắn môn đó chúng ta sẽ đạt đến đỉnh cao.
Tôi đang tập viết chữ Hán bằng bút lông, ban đầu tôi viết nhiều câu khác nhau nhưng bây giờ tôi chỉ viết câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, khi tôi viết được 1000 chữ thì nét chữ của tôi chắc chắn sẽ đạt đến đỉnh cao. Trong tu hành chúng ta phải “Một môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Chúng ta niệm vừa Phật, vừa tụng “Chú Đại Bi”, “Kinh A Di Đà” thì chúng ta chưa làm được “một môn thâm nhập”. Nhiều năm nay, tôi chỉ niệm câu “A Di Đà Phật”, tôi không đọc lời tán Phật, cũng không đọc hồi hướng. Nhiều người niệm xong thì nói: “Phật cho con vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc!”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta niệm “A Di Đà Phật” là chúng ta hướng về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây là chúng ta đã cầu nguyện vãng sanh rồi!”.
Nhiều người niệm Phật cầu vãng sanh nhưng không buông xả “danh vọng lợi dưỡng”, họ vẫn muốn mình có địa vị cao hơn, có đạo tràng lớn hơn. Hòa Thượng từng nói, chúng ta mở Phật thất thượng, trung, hạ và nói rằng, nếu mọi người đến Phật thất thì sau một năm, hai năm hoặc ba năm mọi người nhất định vãng sanh thì sẽ không có người đến. Chúng ta phải buông xả những vướng bận ở thế gian thì chúng ta đề khởi câu “A Di Đà Phật” mới tương ưng được với Phật. Phật niệm chúng sanh, chúng sanh niệm Phật, cảm ứng đạo giao. Chúng ta niệm Phật tương ưng với Phật thì chúng ta chính là Phật. Đây chính là như nhà Phật nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”.
Hòa Thượng nói: “Đời này chúng ta có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta có thể giải quyết được vấn đề từ vô thỉ kiếp đến nay không thể giải quyết”. Nếu chúng ta có thể vãng sanh thì chúng ta có thể giải quyết được một cách nhanh chóng, gọn gàng việc “sinh tử”của mình. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã ở trong vòng sinh tử luân hồi, chúng ta đã liên tục sinh ra và mất đi, vương mang ân oán tình thù.
Hôm qua, nhiệt độ ở đây buổi trưa lên đến 33 độ, buổi sáng tôi đã tưới cây nhưng buổi chiều lá của cây lại bị héo, lòng người bất an nên thời tiết trở nên bất thường. Hằng ngày, chúng ta thường niệm câu Phật hiệu, niệm thiện lành, niệm lợi ích cho chúng sanh thì ít mà niệm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì nhiều. Khi chúng ta đến một độ tuổi nhất định thì chúng ta sẽ càng cảm thấy muốn: “Yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”.