/ 2
9

TÍN TÂM DAO ĐỘNG KHÔNG THỂ VÃNG SANH

Phần 2

(Trích lục từ Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Địa điểm: Đạo tràng Cư Sĩ Lâm Singapore

Thời gian: Ngày 11-06-2004

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Trong lúc giảng giải chúng tôi thường hay nói đến tâm Bồ Đề. Bồ Đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Quốc nghĩa là giác. Giác là từ trên dụng mà nói, vậy thể của nó là gì? Thể là trí. Trong Kinh Kim Cang đã nói, tự tánh vốn đầy đủ Trí tuệ Bát Nhã, không phải học được từ bên ngoài, tín tâm thanh tịnh tất sanh thật báo. Trong mỗi một chúng sanh chúng ta, thực tướng Bát Nhã trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nhưng tại vì sao ngày nay trí tuệ của bạn không có? Tại sao trí tuệ lại biến thành phiền não? Chúng ta thường hay xem thấy trên kinh nói: phiền não tức Bồ Đề. Ý nghĩa của câu nói này rất sâu, đích thực là nếu như bạn ngộ rồi thì Phiền Não chính là Bồ Đề, mê rồi thì Bồ Đề chính là Phiền Não. Cho nên Phiền Não cùng Bồ Đề là một thể hai dụng, khi giác ngộ thì gọi là Bồ Đề, khi mê thì gọi là phiền não, nó là một không phải là hai. Theo đây thì có thể biết phiền não có thể đoạn hay không? phiền não đoạn rồi thì Bồ Đề cũng không có, Bồ Đề cũng bị đoạn luôn. Cho nên phiền não không thể đoạn, mà phiền não chuyển biến thành Bồ Đề, phiền não không còn thì thảy đều biến thành Bồ Đề. Chúng ta gọi là đoạn phiền não nhưng không phải thật đoạn, mà là chuyển biến. Tánh đức là bất sanh bất diệt, không đến không đi, tận hư không khắp pháp giới, thì làm sao có thể đoạn chứ? Cái đạo lý này phải nên biết. Cho nên chỉ cần chúng ta biết học chuyển biến: chuyển mê thành ngộ, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn.

Chỗ cao minh của Phật, Bồ Tát là các Ngài biết chuyển, chúng ta thì rất đáng lo vì chúng ta không biết chuyển, chúng ta càng chuyển càng đáng lo, từ cõi người chuyển xuống súc sanh, từ súc sanh chuyển xuống ngạ quỷ, từ ngạ quỷ chuyển xuống địa ngục, càng chuyển càng đáng lo. Việc này chính là gì vậy? Đó chính là phiền não đang làm chủ tể để chuyển nên bạn càng chuyển càng đáng lo. Còn chư Phật, Bồ Tát thì sao? Các Ngài là trí tuệ làm chủ tể để chuyển, nên các Ngài càng chuyển càng thù thắng. Chúng ta phải hiểu cái đạo lý này. Cho nên tóm lại, chúng ta học được từ nơi Phật Bồ Tát là ở ngay trong cuộc sống thường ngày, nhất định phải dùng tâm chân thành, chân thì không giả, thành thì không hư vọng, nếu là hư tình giả ý thì thật là đáng lo lắng. Hư tình giả ý thì càng chuyển càng đi xuống, nếu bạn dùng tâm chân thành thì càng chuyển càng lên cao. Việc này rất quan trọng, rất then chốt, quyết định không nên sợ thiệt thòi. Người thế gian này đều là dùng hư tình giả ý đối với ta, ta làm sao có thể dùng tâm chân thành đối với người? nếu người ta dùng hư tình giả ý đối với bạn, bạn cũng dùng hư tình giả ý đối với người ta, người ta hướng xuống mà chuyển, bạn cũng theo hướng xuống chuyển. Vậy thì sai rồi. Hơn nữa đây là lời thật, Phật không nói lời giả dối, bạn dùng tâm chân thành thì bạn sẽ không thiệt thòi, cũng sẽ không lỗ lã, dùng tâm hư vọng mới chân thật là thiệt thòi lỗ lã. Họ bị hoa mắt cả rồi nên không thấy tường tận, trước mắt dường như họ chiếm được chút lợi nhỏ nhưng hoạ hoạn lập tức liền hiện tiền, rất là đáng sợ. Chỉ nên dùng tâm chân thành, người thành thật có thể đáng tin cậy, họ không bị đoạ lạc, họ chỉ có hướng lên trên cao.

Người tốt nhất định có quả báo tốt, đó là đạo lý đương nhiên, đó là chân lý. Cho nên chúng ta đối với những đạo lý này, đối với chân tướng sự thật phải rõ ràng, phải tường tận. Chúng ta phải dùng tâm chân thành, chúng ta phải dùng tâm thanh tịnh. Tâm chân thành là thể của tâm Bồ Đề, thanh tịnh bình đẳng giác cùng đại từ bi đều là đức dụng của tâm chân thành, nó biểu hiện ở nơi sự tướng, ở trên tác dụng thì đối với chính mình chính là tu thanh tịnh, tu bình đẳng. Thanh tịnh, bình đẳng tu ở nơi đâu vậy? Tu ở nơi con người. Người xưa thường nói: “làm việc khó, làm người càng khó”, cho nên không luận là thuận cảnh nghịch cảnh, đều là hoàn cảnh tốt để tu hành. Tại vì sao vậy? Vì những tập khí này của chúng ta, phiền não nghiệp chướng của chúng ta phải đem nó tiêu trừ, hóa giải hết ngay trong cuộc sống thường ngày. Việc này là quan trọng. Cho nên phát tâm Bồ Đề rồi thì tự nhiên tín tâm của bạn liền sâu dày, nguyện tâm của bạn liền kiên định, tuyệt đối sẽ không bị dao động. Nếu bạn không biết được là chính bạn phát ra cái tâm sâu cạn như thế nào, thì bạn có thể ở ngay trên điểm này mà khảo nghiệm, mà trắc nghiệm chính mình là rốt cuộc tâm của ta sâu đến trình độ nào? Hoàn toàn có thể ở trên sự tướng mà khảo nghiệm. Bạn có thể vượt qua được khảo nghiệm hay không? Từ ngay chỗ này có thể trắc nghiệm tín nguyện của chính mình. Nếu bạn chân thật thành tựu được tín nguyện này thì không luận ở trong tình huống nào, bạn đều có thể giữ gìn tâm mình không dao động, lúc nào bạn cũng sanh tâm hoan hỉ. Trên Kinh Phật nói là “y pháp bất y nhân”, trong kinh nói quyết định vãng sanh thì còn có thể sai được sao?

/ 2