/ 2
22

TÍN TÂM DAO ĐỘNG KHÔNG THỂ VÃNG SANH

Phần 1

(Trích lục từ Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Địa điểm: Đạo tràng Cư Sĩ Lâm Singapore

Thời gian: Ngày 11-06-2004

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Xin mời mở kinh văn, tờ thứ 49, kinh văn hàng thứ nhất, Phẩm thứ 24 - Ba bậc vãng sanh. Phẩm kinh này cùng phẩm 25 - Chánh nhân vãng sanh - trong bộ kinh này là nói đến cần phải chuẩn bị những điều kiện gì để vãng sanh. Hay nói cách khác, hai phẩm này chuyên nói về phương pháp niệm Phật vãng sanh, nên rất là quan trọng. Nếu như chúng ta ở ngay trong một đời này mong cầu vãng sanh, thì phải đặc biệt chú ý đến phẩm kinh này.

Mời xem kinh văn: “Phật cáo A Nan, thập phương thế giới, chư thiên nhân dân, kỳ hữu chí tâm, nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu Tam bối”. Đây là đoạn thứ nhất, nói chung về ba bậc vãng sanh. Ba bậc chính là ba đẳng cấp khác nhau. Phật gọi A Nan để nói cho ông nghe, phàm hễ gọi đến tên thì kinh văn phía sau sẽ đặc biệt quan trọng. Đây là Phật nhắc nhở ngài A Nan và chúng ta. Ngài A Nan là đại biểu cho mọi người, gọi đến A Nan cũng chính là gọi đến chúng ta. Trong đây có phần của chúng ta hay không? Có. Bạn thấy mười phương thế giới chư thiên nhân dân, chúng ta ở ngay trong mười phương thế giới chư thiên nhân dân. Hiện tại thì sao? Vấn đề chính là chúng ta có chí thành nguyện sanh hay không? Chân thật phát tâm nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ thì phải biết cái thế gian này rất khổ.

Có một đồng tu vừa nói với tôi, em trai của ông – người ở đối diện với tòa nhà chúng ta - đã nhảy lầu tự sát; Ngoài ra còn có người nói với tôi, ở nơi đây đã có hai ba lần xảy ra sự việc này rồi. Người học Phật chúng ta biết được, người tự sát nhất định phải tìm người thế thân. Vậy thì sự việc này sẽ liên tục không ngừng xảy ra, cho nên phải nên siêu độ cho họ. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm đối diện với họ, tối hôm nay chúng ta giảng kinh, sẽ đem công đức giảng kinh này hồi hướng cho những người tự sát đó. Tự sát rất là thống khổ, việc này ở trên kinh nói, trước khi họ chưa tìm được người thế thân, họ tự sát như thế nào thì việc tự sát này của họ sẽ diễn ra cứ 7 ngày một lần cho đến khi họ tìm được thế thân thì họ mới có thể giải thoát. Họ vô cùng khổ sở. Việc này rất nhiều người không hiểu rõ chân tướng sự thật.

Cho nên chúng ta ở thế gian, cho dù gặp phải rất nhiều chướng ngại cũng phải bình tâm, phải tuỳ thuận. Tại sao vậy? vì trong đời này của chúng ta, trong cuộc sống thường ngày dù bạn gặp phải hoàn cảnh gì, không luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều là trong mạng đã có, đều do nghiệp lực trong đời quá khứ chiêu cảm đến. Sự việc này trong kinh Phật đã nói rất rõ ràng, tất cả chúng sanh có hai loại nghiệp lực:

- Loại nghiệp lực thứ nhất gọi là dẫn nghiệp, tức là nghiệp dẫn dắt bạn đi đến cõi nào để thọ thai.

- Loại nghiệp lực thứ hai là mãn nghiệp. Mãn nghiệp chính là thiện và bất thiện trong đời quá khứ chúng ta đã tạo ra. Trong một đời này của chúng ta, nghèo giàu sang hèn, tất cả những chuyện gặp phải đó là mãn nghiệp. Đã là nghiệp trong đời quá khứ đã tạo ra thì làm sao không nhận chịu chứ? Ngay trong khi nhận chịu, nếu thuận cảnh, thiện duyên chúng ta không khởi tham ái; nghịch cảnh, ác duyên cũng không sanh sân hận, thì nghiệp của chúng ta liền tiêu hết, nghiệp quá khứ đã tạo nhất định được tiêu hết. Nếu bạn không tiêu hết nghiệp quá khứ thì không ra khỏi ba cõi.

Tu học pháp môn niệm Phật là có thể mang nghiệp vãng sanh, nhưng chúng ta cũng tận lực, hy vọng có thể mang đi ít một chút. Cho nên có được cơ duyên này để tiêu nghiệp là việc tốt, không phải việc xấu. Càng nhẫn những việc khó nhẫn thì nghiệp của bạn tiêu được càng nhiều, tiêu được cành nhanh, việc này phải nên biết. Không luận chịu nhục mạ dày vò thế nào, thảy đều là tiêu nghiệp chướng của chính mình. Gặp phải loại hoàn cảnh này, nếu tất cả buông bỏ, không nghĩ tưởng bất cứ thứ gì, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì ngày giờ nào vãng sanh sẽ có Phật Bồ Tát an bài, không cần chính ta phải bận tâm, cũng không cần phải vội vàng. Nên gọi là công phu đủ rồi thì tự nhiên liền thành tựu. Trong phẩm kinh này đã nói, đó là việc quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

/ 2