/ 2
28

THỂ HỘI HỌC PHẬT

Tập 1

Chia Sẻ Pháp Thập Niệm Của Đại Sư Ấn Quang (lần thứ 3)

Chủ giảng: Thầy giáo Hồ Tiểu Lâm

Thời gian: Ngày 25/09/2011

Địa điểm: Trung tâm triển lãm quốc tế Lục Dã Malaysia

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính thưa thầy Thái Lễ Húc, kính thưa các vị pháp sư, kính thưa các đồng tu, đồng học trong và ngoài nước, chào mọi người!

Vì thời gian sáng nay chỉ có một tiếng nên chúng ta đi thẳng vào nội dung. Hôm nay, tôi báo cáo với mọi người về thể hội học Phật của bản thân tôi. Tổng cộng chia làm hai phần: Phần thứ nhất là niệm Phật thế nào. Phần thứ hai là làm thế nào để đối trị tập khí. Vậy niệm Phật thế nào? Tôi chủ yếu muốn cùng mọi người học tập pháp thập niệm của Lão hòa thượng Ấn Quang, tổ sư đời thứ 13 của Tịnh độ tông chúng ta. Mọi người đều biết chúng ta tu Tịnh độ thì ba điều kiện tín nguyện hạnh là cương lĩnh của pháp môn Tịnh độ, chính là tôn chỉ, bổn chỉ. Chúng ta niệm Phật, miệng xưng “Nam-mô A-di-đà Phật” là hành môn của chúng ta. Chúng ta nên niệm Phật thế nào? Niệm Phật thế nào để cuối cùng đạt được mục đích vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc? Hiện nay miệng chúng ta niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” thì phương pháp này gọi là nhiếp tâm niệm Phật, nhiếp chặt tâm này. Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Muốn nhiếp trọn sáu căn thì hạ thủ từ đâu? Đại sư Ấn Quang nói hạ thủ từ nhiếp nhĩ căn, hạ thủ từ nhiếp nhĩ căn vì nhiếp được nhĩ căn thì nhiếp được toàn bộ sáu căn. Vậy làm thế nào nhiếp nhĩ căn? Đó là dùng tai của chúng ta để lắng nghe âm thanh của chúng ta. Tai nghe âm thanh của miệng niệm, nếu miệng không niệm, nếu tôi niệm thầm, niệm thầm cũng có âm thanh của tâm, cũng có âm thanh của tâm, bạn thấy chúng ta thường nói: Lão hòa thượng Tịnh Không biết tiếng lòng của quảng đại chúng sanh. Thế giới Ta-bà này của chúng ta, tất cả tư duy, bao gồm chúng ta xem báo chí, xem tivi, suy nghĩ vấn đề, kỳ thực cuối cùng đều rơi vào trong âm thanh. Mọi người có thể thử xem. Ví dụ con người này, tôi thật sự thích anh ấy. Bạn cuối cùng đều rơi vào trong âm thanh. Tôi hiện nay rất khẩn trương, bạn cũng rơi vào trong âm thanh. Vì vậy nhĩ căn của chúng ta nhạy bén nhất.

Mọi người thường xuyên đọc tụng kinh Phật Thuyết A-di-đà làm thời khóa hàng ngày. Trong kinh Phật Thuyết A-di-đà nói hoàn cảnh tu học của thế giới Tây Phương Cực Lạc, chim dùng âm thanh để giảng pháp, gió thổi vào cây, âm thanh của gió cũng đang giảng pháp, tiếng nước chảy róc rách cũng là dùng âm thanh giảng pháp. Đại sư Ấn Quang nói: gió, nước, chim, cây đều diễn pháp âm đều đang thông qua âm thanh. Ngoài dùng âm thanh để giảng pháp thì thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể dùng màu sắc để giảng pháp không? Có thể, nhưng vì sao trong kinh Phật không nói? Vì nói không có tác dụng gì với thế giới Ta-bà, nhĩ căn của các bạn nhạy bén nhất, nên nói với chúng ta ở thế giới Tây Phương Cực Lạc làm thế nào dùng âm thanh để học tập. Lão hòa thượng Tịnh Không từng nói: Thích-ca Mâu-ni Phật đến thế giới này là dùng âm thanh giảng pháp, không có văn tự. Khổng tử, Mạnh tử của chúng ta cũng là dùng âm thanh giảng pháp, cũng không có văn tự. Đều là sau khi những cổ thánh tiên hiền, Phật Bồ-tát rời khỏi chúng ta, sau cùng chúng ta kết tập thành kinh văn, hình thành nên văn tự, vì vậy đều là dùng âm thanh.

“Nhĩ căn viên thông”. Thế nào gọi là viên thông? Viên tức là viên mãn, thông tức là thông đạt. Vì sao nhĩ căn của chúng ta viên thông? Viên thông vừa là một phương pháp tu hành cũng vừa là kết quả của tu hành. Thông đạt viên mãn chính là đại triệt đại ngộ. Chúng ta thông qua phương pháp gì có thể đạt được thông đạt viên mãn? Chúng ta lợi dụng nhĩ căn của chính mình. Vì sao nói nhĩ căn của chúng ta nhạy bén nhất? Trong sáu căn của chúng ta, mọi người có thể quan sát nhĩ căn của chúng ta, nó đặc biệt bình đẳng đối với âm thanh. Bất luận là âm thanh khó nghe hay là âm thanh dễ nghe, bất luận là âm thanh xa hay âm thanh gần thì tai không thể đóng lại, chỉ cần có âm thanh thì người đến không chối từ, kẻ đi cũng không níu giữ. Trạm nhiên tịch tĩnh. Tai luôn ở đó, tiếng Anh gọi là standby. Chỉ cần bạn có âm thanh thì tôi sẽ tiếp nhận, Âm thanh không còn thì tôi cũng không còn, tôi không chấp trước âm thanh. Mắt thì không được. Mắt chúng ta chỉ có thể nhìn phía trước không nhìn được phía sau. Tai thì không như vậy, âm thanh phía sau đều có thể nghe thấy. Bạn xem, đúng là viên. Thế còn thông? Phòng bên cạnh có âm thanh thì có thể nghe thấy thông qua tường. Nên tai chúng ta có sức mạnh này.

/ 2