/ 9
41

THÂN GIÁO CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

LỜI NÓI ĐẦU

Ngụy Mặc Thâm nói: “Thân giáo thiết thực hơn ngôn giáo”. Người xưa có lời dạy “người lãnh đạo bất chánh, dù có sai bảo cũng không ai làm; dùng thân giáo thì mọi người vâng theo, dùng ngôn giáo thì sẽ có người tranh biện”. Từ xưa đến nay, nhà Phật chú trọng thân giáo. Đại hạnh của Phổ Hiền Bồ tát được chư Phật trong mười phương tán thán. Tổ sư có dạy: “Nói được một thước, chẳng bằng thực hành được một tấc”, “chí nguyện lập cao vút như đỉnh núi, hạnh thực hành sâu thẳm tựa đáy biển”, các bậc cao Tăng Đại đức trong nhiều đời, chẳng có vị nào không lấy mình làm gương, làm mô phạm cho chúng sanh. Đại sư Trí Giả soạn mười điều pháp chế, Quốc sư Thanh Lương lập mười thệ nguyện tự khắc chế mình, thiện tri thức trong Giáo môn cũng có sự hành trì thù thắng.

Khi giảng kinh, lão Hòa thượng thượng Tịnh hạ Không nhiều lần đề cập đến “giáo dục Thánh Hiền lấy thân giáo làm đầu”, “phải thực hành lời dạy trong kinh điển cho người thế gian thấy”, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm là tổng kết của Kinh Hoa Nghiêm”, “nói được làm được là Thánh Hiền, nói được không làm được là kẻ lừa gạt”. Lão Hòa thượng đặc biệt đề xướng cắm chặt gốc rễ giáo dục, dốc sức hoằng dương “Đệ Tử Quy”, “Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Sa Di Luật Nghi”, nhiều lần nhấn mạnh sự quan trọng của đức hạnh, chỉ ra cho chúng ta biết: Nói được không làm được, cuối cùng cũng không có thành tựu.

Lão Hòa thượng giảng kinh hơn 60 năm, giáo hóa vô số chúng sanh, hoằng dương Tịnh độ tông rộng khắp thế giới, tuyên dương văn hóa truyền thống, thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, sự thành tựu phi thường này đã quá rõ ràng. Trên thực tế, lão Hòa thượng có được những thành tựu này không chỉ vì Ngài có thể “giảng”, mà bởi vì Ngài lấy mình làm gương, dung hòa kinh điển vào cuộc sống, Ngài đối nhân xử sự đều làm gương mẫu cho người thế gian, đó gọi là noi theo đức hạnh “hiển bày, dẫn dắt, làm lợi ích và tán thán” của Phổ Hiền Bồ tát. Do đó, lão Hòa thượng giảng kinh đặc biệt có sức cảm hóa mọi người, chẳng phải chỉ là những lời nói suông trên giấy. Cả đời lão Hòa thượng đều lấy việc hoằng dương Thánh giáo làm nhiệm vụ của mình, không làm kinh sám, không xây dựng đạo tràng, không phan duyên, không hóa duyên; đối với mọi người luôn khiêm tốn, từ bi, nhẫn nhục, lời nói ôn hòa, nét mặt hoan hỷ; trong tâm và bên ngoài tương ưng, nghe lời hủy báng không tranh biện, rộng tu tán thán, những việc như vậy nhiều không kể xiết. Điều rất đáng tiếc là: đại đa số thính chúng chỉ có thể nghe thấy âm thanh giảng kinh của lão Hòa thượng, mà không biết được sự hành trì của lão Hòa thượng trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài việc giảng kinh ra, lão Hòa thượng còn có rất nhiều câu chuyện làm cảm động lòng người mà chưa được mọi người biết đến.

Vào năm Mậu Tuất, quyển sách “Chín mươi năm cuộc đời của Lão Pháp Sư Tịnh Không” đã được in ấn lưu hành. Từ quyển sách này, đọc giả có thể biết được những việc từng trải của lão Hòa thượng trong khoảng 90 năm. Nhưng đối với những tình tiết nhỏ, tuy là trong đó có đề cập đến, nhưng vẫn chưa thể triển khai nhiều hơn. Để bổ sung vào sự thiếu sót này, nay tổ biên tập đã hoàn thành bản thảo đầu tiên cho quyển sách “Thân Giáo Của Hòa Thượng Tịnh Không” để tặng cho đọc giả. Đây cũng được xem là một quyển sách kể về lão Hòa thượng mà trước nay chưa từng có. Mục đích biên tập quyển sách này là muốn cho những người quan tâm đến lão Hòa thượng biết được lão Hòa thượng dưới giảng đài là người như thế nào. Có thể xem đây là một món quà dành tặng cho tất cả những người kính trọng ngưỡng mộ lão Hòa thượng.

Lão Hòa thượng là người khiêm tốn, rất ít khi nói về sự hành trì của mình với người khác, chỉ có những vị đã sống bên cạnh lão Hòa thượng, mới biết được những tình tiết nhỏ khiến người khác khâm phục và ngưỡng mộ của lão Hòa thượng, mà những sự việc này lại là những điều thính chúng không biết đến nên mong muốn được biết rõ. Để khai thác được thân giáo của lão Hòa thượng, tổ biên tập đã kêu gọi khắp nơi gửi bản thảo, mời những học trò, đệ tử, các vị Pháp sư, cư sĩ thường bên cạnh lão Hòa thượng, học viên ở Viện Hán Học Anh Quốc viết bản thảo, mong rằng có thể khám phá nhiều hơn về những câu chuyện không được nhiều người biết đến của lão Hòa thượng. Công sức bỏ ra đã được đền đáp, những bản thảo thu thập được liên tục tăng lên, từng sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống của lão Hòa thượng cũng càng ngày càng thu thập được nhiều. Khi chỉnh sửa những bản thảo này, soạn giả đã thấy được một vị lão Hòa thượng rất khác, không phải là lão Hòa thượng khoác áo cà sa nói năng nhẹ nhàng trong giảng đường, mà là một vị Sư ông không cầu lợi đáng mến với sự khiêm tốn, ôn hòa, cần cù, tiết kiệm, lúc nào cũng nghĩ cho người khác, lúc nào cũng đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu, soạn giả vô cùng cảm động.

/ 9