Trì giới là gốc
Tịnh độ là nơi quay về
Quán tâm là trọng yếu
Bạn lành là chốn nương tựa
SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
Tập 9
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: 15/06/2016
Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp trên mạng tôn kính. Chúc mọi người buổi chiều tốt lành! Mời để tay xuống.
Chúng ta tiếp tục xem điều giới “không trộm cướp” này. Chúng tôi vẫn căn cứ theo kinh văn để giải thích, hôm qua nói đến “phàm là vật có chủ thì không được dùng tâm trộm cố ý lấy đi”. Vật có chủ, có ba loại chủ nhân là: vật của tam bảo, vật của người và vật của phi súc (là vật của phi nhân và súc sanh), nếu trộm cướp thì kết tội sẽ có mức nặng nhẹ khác nhau. Tội nghiệp đạo cũng có nặng nhẹ khác nhau, tôi đã nói rõ từng điều rồi. Hôm nay nói đến “dùng tâm trộm cố ý lấy đi”, tâm trộm tức là có tâm cố ý trộm cướp. Trên luật chia thành năm loại, thứ nhất là “tâm đen tối”, thứ hai là “tâm tà”, thứ ba là “tâm cong vẹo ngang ngược”, thứ tư là “tâm sợ hãi”, thứ năm là “thường có tâm trộm đồ của người”. Chúng tôi sẽ giải thích từng điều một.
Thứ nhất là “tâm đen tối”, tâm đen tối cũng là tâm ngu si, đối với giáo lý họ không biết chút gì, không hiểu giới luật; ở trong những trường hợp có thể trộm cướp, họ sẽ sanh khởi tâm trộm cướp, cho nên tạo nghiệp trộm cướp, vì vậy nhất định phải cố gắng học tập giới pháp. Nếu không học thì sẽ không biết cách bảo vệ tâm mình trước những cảnh giới trộm cướp này, thế nên khó tránh khỏi phạm giới.
Điều thứ hai là “tâm tà”, cũng chính là nói tâm tà mạng. Họ có tâm yêu quý tiền tài, tham tiếc tài vật, nên ở đó sắp đặt mưu đồ. Ví dụ, đây là nói đến chúng xuất gia vì tham lấy tài vật của tín thí nên đến thuyết pháp cho họ, đương nhiên cũng không phải chỉ riêng chúng xuất gia, mà nếu người tại gia làm như vậy thì cũng giống nhau. Đây là thuộc về tà mạng thuyết pháp. Đủ 5 tiền, tức là được thí chủ cúng dường đủ 5 tiền thì kết trọng tội. Suy rộng ra, phàm hễ tham lấy tài vật của đàn-việt, cư sĩ mà đến làm một số hoạt động Phật sự, hoạt động Phật sự vốn là lợi ích chúng sanh, nhưng chúng ta dùng tâm không thuần chánh, vì muốn lợi ích chính mình, muốn tham lấy đồ cúng dường của người ta. Làm bất cứ Phật sự nào, bất luận là giảng kinh thuyết pháp hay là kinh sám Phật sự, hoặc là truyền thọ tam quy, ngũ giới cho người, dù gì tất cả những hoạt động này chỉ cần là vì đạt được lợi dưỡng mà không phải thật sự muốn lợi ích chúng sanh thì việc này cũng thuộc về tà mạng. Lợi dưỡng do tà mạng đạt được chính là phạm tội trộm cướp, là thuộc về tâm tà, đủ 5 tiền thì kết trọng tội. Trong Ngũ Phần Luật cũng nói “dùng tâm nịnh hót để lấy tiền tài”, tức là tâm nịnh bợ, tâm nịnh nọt bất chánh, dùng tâm này để lấy tài vật của người khác thì thuộc về loại này.
Thứ ba là “tâm cong vẹo ngang ngược”, tâm cong vẹo ngang ngược chính là tâm sân, “ngang ngược” này là ngang ngược tàn ác, chính là sân giận. Ví dụ, thí chủ cúng dường chúng ta ít thì chúng ta sẽ ở đó oán trách, tại sao lại cúng dường tôi có chút xíu như vậy, thậm chí biểu hiện ra tướng đe dọa khiến đối phương cảm nhận được áp lực từ chúng ta. Loại tâm này chính là tâm cong vẹo ngang ngược.
Còn có loại thứ tư là “tâm sợ hãi”, sợ hãi chính là trường hợp áp bức, trách mắng đối phương, khiến đối phương sanh tâm sợ hãi. Ví dụ vì muốn được người ta cúng dường nên tuyên thuyết một số loại quả báo trong địa ngục để hù dọa người, ý nói nếu ông không cúng dường tôi thì tương lai ông sẽ đọa địa ngục, hoặc nói thế lực của vua quan, nói rằng một vị quan lớn nào đó của vua là đại hộ pháp của tôi, dựa vào thế lực của vua quan khiến đối phương sợ hãi, nhân đó lấy tài vật của đối phương. Đây thuộc về tâm sợ hãi.
Loại thứ năm là “thường có tâm trộm đồ của người”, tức là trong tâm thường ôm lòng tham cầu, cướp đoạt tài vật của đối phương, lấy được tài vật rồi thì mới chịu thôi. Loại này gọi là thường có tâm trộm đồ của người, tức là tâm trộm cướp đã thành thói quen rồi, thậm chí bản thân cũng không cảm nhận được, điều này rất nghiêm trọng.