Trì giới là gốc
Tịnh độ là nơi quay về
Quán tâm là trọng yếu
Bạn lành là chốn nương tựa
SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
Tập 2
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: 24/05/2016
Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, thành phố Sán Vĩ
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, chư vị cư sĩ tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành. Mời để tay xuống!
Xin cùng mọi người học tập “Sa-di thập giới oai nghi lục yếu” do đại sư Ngẫu Ích biên soạn:
“Hai chữ Sa-di, thời xưa đã bị truyền sai và lược bớt âm, nhưng nay dùng ba ý nghĩa phiên dịch để giải thích. Một là tức từ, dứt kiến tư ác, tu sanh duyên từ là Tạng giáo sa-di”.
Hôm qua chúng ta học đến đây. Chỗ này có nói đến bốn giáo do tông Thiên Thai lập ra, nên cần dùng một chút thời gian để nói rõ đại ý của bốn giáo với mọi người, sau đó quay lại đọc đoạn lời nói đầu này của đại sư Ngẫu Ích thì có thể tương đối tường tận.
Hôm qua nói đến Tạng giáo. Tạng giáo là chánh hóa, chính thức giáo hóa người Nhị thừa và kiêm giáo hóa, cũng là giáo hóa kèm thêm, kiêm giáo hóa cả Bồ-tát. Đức Phật dạy người Tam thừa dùng “tích không quán”, tức là phân tích hết thảy vạn pháp đến cuối cùng biết được hết thảy pháp đều là không thì có thể đoạn trừ được kiến tư phiền não và chứng đắc Niết-bàn. Loại Niết-bàn này là thân tâm đều diệt tận, gọi là vô dư Niết-bàn, đốt nhục thân thành tro, dứt bặt tâm trí, nghĩa là mọi thứ đều là không. Loại này cũng gọi là thiên chân Niết-bàn,tức là Niết-bàn lệch về phía tánh của “chân không”, nên không thể thông đạt được đạo lý “bất không”. Họ chỉ nhận thức được “không” rồi sinh ra chướng ngại đối với “diệu hữu”.
Giáo lý của Thông giáo là nói cho những Bồ-tát tương đối thông minh nhạy bén. Thông giáo, gọi là thông nghĩa là “trước thông Tạng giáo; sau thông Biệt, Viên”, thông đạt Tạng giáo ở phía trước, thông đạt Biệt giáo và Viên giáo ở phía sau. Đối với Bồ-tát độn căn thì Phật giảng Tạng giáo cho họ. Đối với Bồ-tát lợi căn thì Phật giảng Biệt giáo, Viên giáo, cho nên căn tánh của Thông giáo chính là Bồ-tát độn căn. Đối tượng giáo hóa chính thức của những giáo này là Bồ-tát, và kiêm giáo hóa thêm hàng Nhị thừa. Phật đối với những người Thông giáo, những người có căn tánh Thông giáo thì Phật giảng pháp vô sanh tứ đế, biết hết thảy pháp vốn dĩ không sanh. Nếu chỉ chứng đắc lý “chân không” thì sẽ giống như người Tạng giáo ở phía trước. Nếu chẳng những chứng đắc lý “chân không” mà còn có thể thông đạt đạo lý “bất không” thì hạng này thuộc vào căn tánh giống như người Biệt giáo, Viên giáo ở phía sau, cho nên đây là nói Thông giáo.
Nội hàm của Thông giáo chủ yếu là kinh điển Bát-nhã trong tạng kinh, nghĩa lý là dung thông hàm nhiếp Đại Tiểu thừa, giảng cho người Tam thừa “thể không quán”. Thể không quán nghĩa là đương thể tức không, dùng cách quán này. Cách này so với “tích không quán” của Tạng giáo có thể nói là càng thẳng tắt hơn. Bởi vì tích không quán vẫn thông qua phân tích, dùng lô-gic để suy luận, biết rằng vật chất, hay hết thảy vạn pháp, phân tích đến cuối cùng là không. Thể không quán thì không cần thông qua phân tích, mà ngay đó biết được hết thảy vạn pháp là pháp duyên sanh nên không có tự tánh, cho nên ngay thể chính là không, không cần phân tích. Ví dụ cái thước này, người Tạng giáo họ phải đi nghiên cứu, dùng kính hiển vi để quan sát, cái thước này là do các phân tử gỗ hợp thành, phân tử do nguyên tử cấu tạo thành, nguyên tử lại do các hạt cơ bản cấu tạo thành, các hạt cơ bản phân tích đến cuối cùng là không. Đây là thuộc về người độn căn. Người lợi căn không cần nghĩ như vậy, mà ngay đó liền biết pháp do duyên sanh, ngay thể chính là không, làm gì có tự tánh của gỗ? Làm gì có tự tánh của thước? Điều này gọi là thể không quán, hạng người này biết vạn pháp vốn dĩ là vô sanh, cho nên căn tánh của họ tương đối nhạy bén.
Loại thứ ba là Biệt giáo. Biệt giáo nghĩa là cách biệt khác nhau, gọi là “khác Tạng Thông ở trước, khác Viên giáo ở sau”. Nghĩa là khác với Tạng giáo, Thông giáo ở phía trước, và cũng có khác biệt với Viên giáo ở phía sau, tức là nó rất đặc biệt. Giáo pháp này chỉ gia trì cho Bồ-tát, gia trì riêng cho Bồ-tát, không phải nói đối với người Nhị thừa. Bởi vì Biệt giáo xem trọng “thứ đệ tam quán”, tu hành nói đến pháp môn thì có cách biệt, thứ lớp mà không thể viên dung vô ngại, cho nên cũng không giống với Viên giáo ở phía sau. Viên giáo là viên dung vô ngại, không trải qua thứ lớp, cho nên đây thuộc về Biệt giáo. Nội hàm của Biệt giáo là chỉ các kinh điển Phương Đẳng khác, không tuyên thuyết chung với người Nhị thừa, mà chuyên nói cho hàng Bồ-tát Đại thừa. Nói đến pháp tứ đế là vô lượng tứ đế, nghĩa là mỗi một thứ khổ tập diệt đạo đều là vô lượng. Đối với phương pháp tu mà nói là dùng thứ đệ tam quán để phá trừ ba loại hoặc, tức là ba loại phiền não mà chứng đắc lý “đãn trung”. Đãn trung chính là trung đạo. “Đãn” nghĩa là duy nhất, duy nhất chỉ có trung đạo. “Trung” chính là tam quán: không - giả - trung.