/ 100
109

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 06/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 31

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Phẩm kinh văn thứ sáu là Bồ-tát Pháp Tạng tuân theo lời dạy của thầy ngài là Thế Gian Tự Tại Vương Phật, ở trong đại hội tuyên nói đại nguyện mà ngài đã phát. Bồ-tát Pháp Tạng trở thành A-di-đà Phật, người đời gọi [nguyện ngài đã phát] là đại nguyện vương. Tất cả chư Phật không có một vị Phật nào mà không phát đại nguyện, không có đại nguyện thì sao có thể gọi là Phật được. Nhưng chỉ có duy nhất [nguyện của] A-di-đà Phật được gọi là đại nguyện vương, có thể thấy đại nguyện mà ngài đã phát ở nhân địa đặc biệt thù thắng.

Sách Chân Giải khen ngợi rằng: “Bốn mươi tám nguyện công đức thành tựu, quy kết ở việc A-di-đà Phật thành Phật, thệ nguyện này vốn do tu tập được, biển vạn công đức được gọi là “hoằng thệ bổn thừa hải”, cũng gọi là “bi nguyện Nhất thừa”. Nhất thừa là khiến cho tất cả chúng ta đều được thành Phật, không có thừa nào khác, bởi vì chúng sanh vốn dĩ là Phật. Đây chính là công đức chánh giác của đức Di-đà, công đức này không thể nghĩ bàn. Vì sao công đức này không thể nghĩ bàn? Do vì thệ nguyện không thể nghĩ bàn.

Sách Chân Giải dẫn chứng quyển Hành nói, hoằng thệ Nhất thừa hải đã thành tựu không có chướng ngại, không có giới hạn, là đức tột cùng tối thắng thâm diệu không thể nghĩ bàn, thù thắng nhất, thâm diệu nhất, là diệu đức không gì cao hơn, không thể nghĩ bàn. Thệ nguyện như hư không, cho nên tất cả công đức thù thắng vi diệu rộng lớn vô biên từ trong đây mà sanh ra. Bởi vì là không nên sanh ra tất cả, giống như giấy trắng mới có thể vẽ, giống như xe lớn và gió lớn đi khắp thế gian cứu độ tất cả, không có chướng ngại, có thể ra khỏi ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới đều là trói buộc).

Ngoại đạo xem việc sanh lên cõi trời là rốt ráo, còn chúng ta xem việc sanh thiên là đọa lạc, lục đạo luân hồi là trói buộc lớn nhất. Hơn nữa, thệ nguyện hải khai hiển bảo tạng phương tiện độ sanh, tất cả diệu pháp phương tiện độ sanh đều ở trong đại thệ nguyện của đức Di-đà, không có pháp nào phương tiện hơn nữa. Pháp môn công đức không thể nghĩ bàn bắt nguồn từ biển thệ nguyện không thể nghĩ bàn. Tất cả công đức, tất cả sự thù thắng, tất cả phương tiện thảy đều xuất phát từ biển đại nguyện không thể nghĩ bàn của đức Di-đà.

Từ hôm nay trở đi chúng tôi bắt đầu giảng kinh văn phẩm thứ sáu: “Phát Đại Thệ Nguyện” để chúng ta ngao du trong biển đại nguyện của Di-đà, thỏa thích hưởng thụ sự áo diệu không cùng tận của nó.

PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC

Mời xem kinh văn bên dưới:

Ngã nhược chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, thành Chánh giác dĩ, sở cư Phật sát, cụ túc vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm.

Con nếu chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, thành Chánh Giác rồi, cõi Phật ấy có đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn.

Bốn câu này là khen ngợi chung về thế giới Cực Lạc, tổng quát toàn bộ đại nguyện. Bốn câu này là nói tổng quát, bốn mươi tám nguyện là nói riêng, nói chi tiết. Bốn câu này vô cùng quan trọng, phần sau chúng ta sắp học đến bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện đều là giảng rộng ra từ bốn câu này, mỗi một nguyện đều đầy đủ bốn câu này thì ý nghĩa mới có thể viên mãn. Nói theo thông thường thì bốn câu này là câu công dụng của mỗi một nguyện.

“Ngã” là Bồ-tát Pháp Tạng tự xưng, cõi nước mà ngài cư trụ khi thành Phật có đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn. Cụ túc nghĩa là viên mãn, là hàm nhiếp tất cả, không có khiếm khuyết. Vô lượng nghĩa là không cách nào dùng chữ số để biểu thị rõ nó có bao nhiêu. Cõi nước Phật đây trọn khắp tất cả mọi nơi, hàm nhiếp tất cả, không có khiếm khuyết, không có thiếu sót, không thể dùng số lượng để thể hiện công đức thù thắng và sự thanh tịnh trang nghiêm, tất cả đều là siêu tình ly kiến.

Bất khả tư nghị, “bất khả tư” nghĩa là tư duy của con người không nghĩ tới được, “bất khả nghị” là lưỡi của con người không thể nói ra được. Tư duy và miệng lưỡi của con người đều không hữu dụng nữa, cho nên suy nghĩ đều không đúng, nói ra cũng toàn không đúng. Phàm có lời nói đều không phải thật nghĩa, công đức của thế giới Cực Lạc, không phải suy nghĩ phân biệt mà có thể biết được, ngôn ngữ chữ viết không thể biểu đạt được. Cõi nước Cực Lạc có công đức trang nghiêm như vậy, không thể nghĩ bàn như vậy.

/ 100