/ 149
52

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 28/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 96

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng sau cùng: “Tứ nhiếp trang nghiêm nên thường siêng năng nhiếp hóa hết thảy chúng sanh.” Điều này tuy phía trước đã giảng qua một lần, nhưng vẫn chưa thể nói rõ ý nghĩa được. Bởi vì tứ nhiếp pháp đối với pháp thế xuất thế gian đều vô cùng quan trọng, nên chúng ta dùng nhiều thời gian một chút để nghiên cứu thảo luận thì sẽ có lợi ích. Tứ nhiếp pháp là nói về quan hệ giữa người với người, nếu có thể xử lý tốt quan hệ này thì vấn đề gì cũng đều giải quyết được, còn như xử lý không tốt quan hệ này thì không những tạo nên rất nhiều khó khăn, mà chắc chắn sẽ dẫn đến rất nhiều tai họa. Thiên tai nhân họa từ đâu mà phát sinh? Sau khi thật sự hiểu rõ rồi chúng ta mới biết được, tứ nhiếp pháp có thể tiêu trừ tất cả tai họa, vì vậy chúng ta không thể không xem trọng điều này. 

Ở đây Phật dạy chúng ta, nếu có thể thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong tứ nhiếp pháp thì có thể tiêu trừ rất nhiều thiên tai nhân họa trong thế gian. Trong tứ nhiếp pháp thì điều đầu tiên là bố thí, hôm qua tôi cũng đã nói qua với quý vị, hôm nay chúng ta từ trong giáo nghĩa của Phật giáo mà vào sâu hơn một tầng để thể hội nó. Trong kinh điển, Phật dạy Bồ-tát, trong bố thí còn có bốn loại bố thí rộng khắp, danh từ Phật học gọi là “tứ tất đàn”. “Tứ” là chữ số, chữ “tất” này là từ của Trung Quốc, nghĩa là rộng khắp, “đàn” là đàn-na, là bố thí, bốn loại bố thí rộng khắp. Hay nói cách khác, hoàn toàn là dùng tâm chân thành, dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi để tu bốn loại bố thí này. Đây là nói một cách thâm nhập mà thấu triệt.

Loại thứ nhất là “thế giới tất đàn”. Hai chữ “thế giới” nghĩa là gì? “Thế” là nói thời gian, “giới” là nói không gian, nếu nói theo cách của người thông thường chúng ta ngày nay thì chính là vũ trụ, còn trong Phật pháp gọi là tận hư không khắp pháp giới. Bạn xem, tâm lượng mà Phật dạy Bồ-tát đó lớn biết bao! Nếu bạn có thể mở rộng tâm lượng đến viên mãn thì thật sự là “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, bạn tu loại bố thí này, lợi ích mà bạn đạt được là hoan hỷ, nhà Phật thường gọi là “thường sanh tâm hoan hỷ”. Tâm hoan hỷ được sanh ra từ đâu? Thông thường chúng ta hay nhìn thấy trong kinh luận là “pháp hỷ sung mãn”, sự sung mãn này là vũ trụ sung mãn, hư không pháp giới sung mãn, tận hư không khắp pháp giới là một mảng tường hòa, đây là hiệu quả thành tựu của sự bố thí như vậy, chúng ta phải học tập. Trong sự giáo hóa chúng sanh của Phật thì hiệu quả này chính là tiếp dẫn rộng khắp chúng sanh, kinh Phật thường gọi là phổ độ chúng sanh. Bạn không có tâm lượng này thì sao có thể giúp đỡ chúng sanh? Chẳng những không độ nổi chúng sanh, mà độ chính mình còn không xong. Bạn không có tâm lượng này thì mỗi ngày từng giây từng phút bạn thường sanh phiền não, bạn làm sao thường sanh hoan hỷ được? Cho nên chúng ta phải suy nghĩ, làm thế nào thực hành thập thiện nghiệp vào trong thế giới tất đàn. 

Loại thứ hai là “vị nhân tất đàn”. Loại này ở trong bố thí có một đối tượng riêng biệt, không phải vì bản thân, mà vì người khác. “Nhân” ở đây nghĩa rộng là chúng sanh. Trong mười pháp giới, nếu như vì người thì chỉ có một pháp giới người, còn chín pháp giới khác bị sót mất rồi. Cho nên chúng ta hiểu được ý của Phật, thật sự là nêu một, chúng ta liền biết mười: niệm niệm đều vì tất cả chúng sanh hữu tình trong mười pháp giới. Nói chúng sanh hữu tình thì nhất định cũng bao hàm cả chúng sanh vô tình, như vậy thì tâm bố thí và hành vi bố thí này của chúng ta mới có thể đạt đến cứu cánh viên mãn, lợi ích mà chúng ta đạt được là sanh thiện. Niệm niệm vì người, không vì bản thân là sanh thiện, là thuần thiện. Vì bản thân thì sẽ sanh ác chứ không sanh thiện. Vì người mới là sanh thiện, vì chúng sanh là sanh thiện. Ngay như phần trước kinh này, Phật đã khai thị cho chúng ta, bảo chúng ta “ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”. Phật đã dạy chúng ta như vậy, chúng ta phải tu như thế nào để thành tựu? Tu tứ nhiếp pháp thì thành tựu.

/ 149