PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 29/09/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 79
Mời mở quyển kinh, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười hai, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ tư:
Lìa việc không cho mà lấy, lại hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; thù thắng không gì bằng, đều có thể thâu thập đầy đủ pháp tạng của chư Phật.
Trong lục độ thì đây là điều thứ hai: trì giới ba-la-mật. “Không cho mà lấy”, đây là giới trộm; có thể lìa việc không cho mà lấy thì cũng chính là trì giới bố thí. Một điều này chính là trì giới bố thí, phần trước là không sát sanh bố thí, còn đây là trì giới bố thí. Bố thí nhất định được phước báo. “Tiền của” (tài bảo) nói ở đây là quả báo thông ba đời. Bố thí tài thì được giàu có, tiền của cũng được xem là bảo; bố thí pháp được thông minh trí tuệ, thông minh trí tuệ là pháp bảo; bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu, chúng ta nhất định biết được mọi người đều xem khỏe mạnh sống lâu là bảo vật hàng đầu, cho nên tài bảo là thông ba loại nhân quả. Người tuy thường hành bố thí nhưng nếu họ vẫn không lìa ác nghiệp; nghĩa là vẫn tạo mười ác nghiệp, nhưng họ cũng hoan hỷ bố thí thì họ có được phước báo hay không? Được phước báo. Nhưng phước báo của họ hưởng thụ ở đâu? Hưởng thụ ở ba đường ác, bởi chưa đoạn tham sân si. Nếu họ đọa trong cõi súc sanh, trong cõi súc sanh cũng có phước.
Chúng ta hiện nay thấy rất nhiều người nuôi thú cưng, bạn thấy chúng có phước báo biết bao! Một gia đình nuôi một con thú cưng, đó là bảo bối của gia đình ấy, không ai không ưa thích nó, không ai không quan tâm nó, phước báo đó của nó là do đời trước tu bố thí. Nếu thú cưng này rất thông minh là do nó còn có bố thí pháp; hoặc nếu nó khỏe mạnh sống lâu thì do nó còn bố thí vô úy. Cho nên, bạn hãy quan sát kĩ thú cưng mà người ta nuôi thì bạn có thể biết được nhiều con thú cưng trong đời quá khứ đều tu ba loại bố thí, nhưng do chúng chưa lìa tham sân si nên phải nhận quả báo này. Nếu phước báo lớn thì chúng sẽ biến thành la-sát, biến thành a-tu-la, đây là phước báo lớn; a-tu-la là đứng đầu trong cõi súc sanh, là quỷ vương trong cõi ngạ quỷ, sẽ được phước báo như vậy. Thế nhưng chúng ta biết rằng loại phước báo này sau khi hưởng hết rồi thì ác nghiệp của họ hiện tiền, lúc đó mới thật sự là khổ báo. Do đây có thể biết, nếu không tu thập thiện nghiệp thì tất cả phước tu được đều không chân thật; chỉ có tu thập thiện, nương theo thập thiện, lại tu bố thí, trì giới, lục độ vạn hạnh nữa thì phước báo này mới là chân thật, mức thấp nhất cũng là hưởng phước báo trời người.
Thế nhưng quý vị phải biết, phước báo trời người vẫn không phải cứu cánh. Chúng ta xem trước đây, trước đây thì có, hiện nay không còn người có phước báo lớn như vậy. Các vị vua thời tiền Thanh như Khang Hy, Càn Long, phước báo của họ là do đời đời kiếp kiếp đã tu, không biết họ đã tu tích trong bao nhiêu đời mới trở thành đế vương của nhân gian. Phước báo là do tu mà có, chắc chắn là họ thảy đều tu ba loại phước báo, cho nên họ giàu có, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu. Khang Hy đã làm hoàng đế 61 năm, Càn Long đã làm hoàng đế 60 năm và làm thái thượng hoàng 4 năm. Nếu họ không tu ba loại phước báo này thì phước từ đâu mà ra? Dĩ nhiên hai vị hoàng đế này đều là vị vua anh minh, đế vương anh minh, thật sự vì quốc gia dân tộc, vì nhân dân mà làm ra không ít việc tốt. Họ có lỗi lầm hay không? Vẫn có, đó là vụ xử tội dùng ngôn từ phạm húy, là chuyện nhỏ nhặt chẳng đáng kể mà giết biết bao nhiêu người có học, đây là tạo nghiệp. Khi hưởng hết phước báo rồi, họ còn dư phước, lại hưởng dư phước đáng kể rồi thì tội báo liền hiện tiền.
Cho nên, quả báo ở trong lục đạo đều chẳng phải cứu cánh, người thông minh nhất định phải thoát khỏi lục đạo. Dẫu rằng chúng ta phát nguyện muốn đến lục đạo cứu độ chúng sanh khổ nạn, nhưng nhất định phải là thừa nguyện tái lai. Vì sao vậy? Vì người thừa nguyện tái lai thì họ là thân nguyện lực, không phải là thân nghiệp báo; người thừa nguyện tái lai chắc chắn không tạo nghiệp. Chúng ta có thể từ chỗ này mà quan sát, họ là người tích lũy tu phước tu tuệ mà đến, hay là người đích thực thừa nguyện mà đến. Nếu như vẫn còn ác niệm, vẫn còn yêu ghét thì họ không phải thừa nguyện tái lai; người thừa nguyện tái lai thì tình đã chuyển thành trí tuệ rồi, cho nên chắc chắn không có cảm tình khởi tác dụng. Họ đối nhân xử thế tiếp vật là trí tuệ chân thật, nhất định không dùng tình cảm; nếu còn có tình thì đây là thân nghiệp báo, theo nghiệp mà lưu chuyển. Tông Pháp Tướng trong nhà Phật nói là chuyển thức thành trí, “thức” chính là tình thức. Cho nên nói chuyển tám thức thành bốn trí, bốn trí Bồ-đề, đây là người thừa nguyện tái lai; người không thể đem tâm, tâm sở chuyển biến thành bốn trí Bồ-đề thì người này là phàm phu sáu cõi. Phàm phu sáu cõi dù phước báo lớn đến đâu, làm đến Ma-hê-thủ-la thiên vương, nhưng khi hưởng hết phước rồi vẫn phải đọa lạc xuống; hay nói cách khác, chắc chắn không thoát khỏi luân hồi.