/ 149
185

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 27/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 77


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ hai từ dưới lên, bắt đầu xem từ giữa:

Nếu có thể hồi hướng về A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, tương lai thành Phật sẽ nhanh chứng được hết thảy Phật pháp, thành tựu thần thông tự tại.

Đây là nói lìa tà kiến chẳng những thành tựu mười loại pháp công đức thù thắng, nếu có thể hồi hướng về vô thượng Bồ-đề. Đoạn kinh văn này, từ đầu đến giờ tổng cộng có mười đoạn nhỏ, mỗi một đoạn đều dùng câu này làm lời kết, ở đây có thể nói là tổng kết. Thế nào gọi là A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề? Câu này là tiếng Phạn, vào thời xưa dịch kinh, theo thể lệ có năm loại không dịch[1], câu này có thể phiên dịch, trong năm loại không dịch thì đây thuộc về “tôn trọng không dịch”. Mục tiêu cuối cùng của học Phật là gì vậy? Chúng ta sau cùng mong muốn đạt được, đắc được những gì? Chính là một câu này. Ý nghĩa của câu này, phiên dịch thành Hoa văn là Vô thượng chánh đẳng chánh giác; “a” dịch thành “vô”, “nậu-đa-la” dịch thành “thượng”, Ấn Độ gọi là “tam” thì Trung Quốc nghĩa là “chánh”, “miệu” là “đẳng”, “bồ-đề” là “giác”. Bởi vì tôn trọng nên giữ lại phần dịch âm. Trong câu này có ba thứ bậc là: Chánh giác, Chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đây là điều mà người học Phật mong cầu. 

Nếu đạt đến Chánh giác rồi, trong Phật pháp gọi là chứng quả A-la-hán, tiểu thừa A-la-hán, Bích-chi Phật đều đạt được Chánh giác. Phật nói với chúng ta, trời người của thế gian cũng có người rất thông minh, họ đối với vũ trụ nhân sinh có sự giác ngộ tương đối, thế nhưng không được gọi là chánh, danh hiệu “chánh” này rất khó đạt được. Nhà Phật nói tiêu chuẩn của chánh là gì? Nhất định là phá chấp ta rồi thì mới gọi là chánh. Nếu dùng cách nói trong kinh Kim Cang thì mọi người sẽ rất rõ ràng khái niệm này, “không tướng ta” mới được gọi là Chánh giác. Trời và người của thế gian rất thông minh, chúng ta biết hiện nay có rất nhiều nhà khoa học, nhà triết học, nhà tôn giáo, họ vẫn có ta, vẫn còn chấp ta, vẫn còn chấp pháp. Những người này tuy gọi là giác nhưng không thể gọi là Chánh giác, nhất định phải đạt đến “không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả” thì mới gọi là Chánh giác. 

Tuy phá bốn tướng rồi nhưng vẫn chưa phá hết triệt để, bốn tướng này có cao thấp khác nhau. Ví dụ nói đã phá 100% tướng ta rồi, không còn nữa, nhưng tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả vẫn còn, vẫn chưa phá hết. Vì sao vậy? Tướng ta là thuộc về chấp ta, chính là chấp trước, chấp trước không còn nữa; tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả là thuộc về phân biệt, là thuộc về vọng tưởng, những thứ này chưa đoạn hết. Do đó, nhà Phật chia giác ngộ làm ba giai đoạn. Đoạn hết phân biệt rồi, nhưng vọng tưởng vẫn chưa hết, cấp bậc này gọi là Chánh đẳng chánh giác. “Đẳng” là ngang bằng Phật, quý vị phải biết, ngang bằng Phật nhưng họ không phải Phật, chỉ là ngang bằng mà thôi. Cần phải đoạn hết phân biệt, vọng tưởng thì lúc này mới gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên, Vô thượng chánh đẳng chánh giác chỉ có một vị, đó là Phật quả viên mãn trong Viên giáo, Bồ-tát Đẳng giác trở xuống đều thuộc về Chánh đẳng chánh giác. Nhưng quý vị phải biết, thứ bậc thấp nhất của Chánh đẳng chánh giác là Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo. Do đây có thể biết, trong tứ thánh pháp giới, nói tóm lại đều là thuộc về Chánh giác, tuy thứ bậc của họ cũng có cao thấp khác nhau, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật. Phật ở đây trong tông Thiên Thai gọi là tạng giáo Phật, thông giáo Phật, đều thuộc về Chánh giác, không thể xưng là Chánh đẳng chánh giác. Đại sư Thiên Thai trong phán giáo “Lục tức Phật” xếp họ vào “tương tợ tức Phật”, tức là tứ thánh pháp giới là tương tợ tức Phật. 

/ 149