/ 149
95

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 19/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 71

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ nhất, bắt đầu xem từ câu sau cùng:

“Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ được tâm vô ngại, người thấy nghe không chán.” Đây là nói đem công đức đoạn sân giận, không cầu phước báo thế gian. Quý vị đồng tu cần phải biết rằng, không cầu phước báo thế gian, không phải là không có phước báo, mà là phước báo càng thù thắng hơn. Tuy phước báo hiện tiền nhưng dứt khoát không được để ở trong tâm, dứt khoát không được sanh tâm hoan hỷ, đây chính là nói không thọ phước báo, phước báo dù lớn đến đâu cũng không hưởng thụ, mà đem công đức này hồi hướng vô thượng Bồ-đề; sau khi thành Phật thì quả báo sẽ thù thắng, loại thù thắng này không thể dùng ngôn ngữ miêu tả được, cho nên trong kinh Phật thường nói “không thể nghĩ bàn”. “Được tâm vô ngại”, vô ngại là không chướng ngại, chính là điều mà Khổng tử nói: “Tùy tâm mong muốn mà không vượt quy củ”, đây là tâm vô ngại. Trong đại tự tại lại có thể tương ưng với tất cả chúng sanh, không trái ngược pháp thế gian, đây là nhà Phật thường nói: “Phật pháp ở thế gian, không hoại pháp thế gian.” Nếu chúng ta đối với pháp thế gian có trở ngại, vậy thì có chướng ngại rồi. Với Phật pháp, với thế pháp, với pháp xuất thế đều vô chướng ngại thì mới gọi là pháp vô chướng ngại, mới thật sự giải thoát, trong kinh Hoa Nghiêm gọi là “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. “Người thấy nghe không chán”, đây là quả báo thù thắng; phàm người tiếp xúc với bạn, nghe tên, gặp mặt đều có thể sanh tâm hoan hỷ, đây là quả báo tu thập thiện nghiệp đời đời kiếp kiếp trong quá khứ.

Lại nữa, long vương! Nếu lìa tà kiến thì được thành tựu mười pháp công đức.

“Tà kiến” là ngu si, ngu si biểu hiện ra bên ngoài chính là tà tri tà kiến. Tà tri tà kiến là cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm, cách nghĩ cách nhìn của bạn hoàn toàn trái ngược với tự tánh, đây gọi là si; cho nên si chính là tà kiến. Có thể xa lìa ngu si, đây là việc khó khăn nhất, khó hơn nhiều so với hai điều phía trước. Trong thập thiện, bảy điều phía trước đều đoạn dễ dàng, chỉ có một điều sau cùng này là khó đoạn. Trong kinh điển Phật có một ví dụ, đoạn si hoặc giống như ngó sen đứt còn vương tơ, rất khó đoạn sạch sẽ. Đoạn phiền não bằng giới và định, trì giới tu định thì được. Trong mười điều này thì chín điều phía trước nếu có thể trì giới thì thân và khẩu có thể không phạm; nếu có thể tu định, định có thể đoạn tham, sân. Thế nhưng mà si thì vô phương, muốn đoạn si thì nhất định phải khai trí tuệ, sau khi khai trí tuệ rồi thì si mới có thể đoạn sạch, không khai trí tuệ thì không có biện pháp nào cả. Nhưng mà chúng ta phải biết rằng, ngu si là gốc rễ của mọi phiền não. Vì sao lại có tham? Vì sao lại có sân? Vì si, ngu si! Tại sao thân tạo ra giết, trộm, dâm; khẩu tạo ra nói dối, nói ly gián? Đều là do ngu si. Từ đó cho thấy, khai trí tuệ là quan trọng. Mục tiêu cuối cùng của tu học Phật pháp là khai trí tuệ, khai trí tuệ mới đoạn được phiền não ngu si căn bản. 

Làm thế nào để khai trí tuệ? Nhất định phải nương giới để được định, do định khai tuệ. Phật đã nói với chúng ta trình tự này, đây là quá trình mà tất cả mười phương ba đời chư Phật tu học, chúng ta muốn tu thì cũng không ngoại lệ. Rất nhiều người muốn tu mà tu cả đời cũng không thể khai trí tuệ. Nguyên nhân do đâu? Giới không thanh tịnh thì định cũng không đạt được, vậy làm sao có trí tuệ? Trí tuệ không có giới định, trong Phật pháp gọi là “thế trí biện thông”, nhà Nho gọi là “kiểu học ghi nhớ”, chẳng phải trí tuệ. Bạn nghe nhiều, thấy nhiều, nhớ rất nhiều, đây không phải từ trong tự tánh, mà toàn đến từ bên ngoài, đây là kiểu học ghi nhớ. Nhà Nho đối với sự việc này nói rất hay: “Kiểu học ghi nhớ, không đủ để làm thầy người.” Qua đó có thể thấy, thời xưa lựa chọn thầy, không chọn thầy học theo kiểu ghi nhớ, mà chọn người thầy thật sự có tu, có chứng. Gọi là “có tu” chính là phải đem những thứ đã học hoàn toàn thực hiện được. Nếu không thể thực hiện thì đó là giả, không phải thật, người chân tu thì nhất định thực hiện được, điểm này vô cùng quan trọng. Thực hiện tức là ở trong Phật pháp gọi là trì giới, trì giới mới có thể được định, thiền định thậm thâm mới khai trí tuệ, định nông cạn thì vẫn không có trí tuệ. “Tứ thiền bát định” mà nhà Phật nói đều không có trí tuệ, cho nên không ra khỏi tam giới. Định công này phải sâu. A-la-hán đã ra khỏi tam giới, định mà A-la-hán tu là định thứ chín, nên ra khỏi rồi, trong kinh Lăng-nghiêm gọi là “cửu thứ đệ định”. 

/ 149