/ 149
131

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 09/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 31

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, bắt đầu xem từ hàng đầu tiên:

Long vương, nếu lìa sát sanh thì được thành tựu mười pháp lìa phiền não. Những gì là mười? Một, bố thí vô úy rộng khắp chúng sanh. Hai, thường khởi tâm đại từ bi với chúng sanh. Ba, vĩnh viễn đoạn trừ hết thảy tập khí sân giận. Bốn, thân thường không bệnh. Năm, thọ mạng dài lâu.

Cho đến điều thứ mười là “khi chết sanh lên cõi trời”. Đến đây là một đoạn. Trong tất cả kinh luận, chư Phật Bồ-tát không ngừng nói với chúng ta, sát sanh là điều nghiêm trọng nhất trong các ác nghiệp, quả báo cũng là khổ nhất. Tuy trong bộ kinh này chỉ nói lợi ích và điểm tốt của không sát sanh, nhưng quả báo của sát sanh chúng ta phải biết, tuy Phật không nói nhưng ngược lại với mười pháp lìa phiền não này chính là quả báo sát sanh. Trước đây, đại sư Ngẫu Ích đã nói cho chúng ta về việc này, ngài nói sát sanh có mười loại ác báo, không sát sanh có mười loại thiện báo, ngài đều viết ra từng điều từng điều một, chúng tôi phụ đính vào phần sau của bộ kinh này, quý vị có thể tham khảo. Trước tác này của đại sư Ngẫu Ích có thể bổ sung vào phần chưa đủ của kinh văn. Thật ra mà nói, kinh văn là đầy đủ rồi, nhưng người đọc kinh chúng ta thường không thể hội được nên tổ sư đã giúp chúng ta. Do đó nhất định phải đoạn trừ sát sanh, phải trừ bỏ ý niệm này từ trong tâm thì mới gọi là chân thật thanh tịnh.

Phần trước, Phật nhiều lần dạy chúng ta ngày đêm phải thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không cho mảy may bất thiện xen tạp. Nếu chúng ta làm được không sát sanh rồi, nhưng trong ý niệm vẫn không thanh tịnh thì đó gọi là xen tạp. Trong giới luật của Đại, Tiểu thừa, giới của Tiểu thừa thì luận sự không luận tâm, giống như pháp luật của thế gian chúng ta xử án vậy, nhất định phải có chứng cứ thực tế. Ví dụ sát sanh, thật sự là bạn đã giết chúng sanh thì mới có tội, nếu trên thực tế không có giết thì không phạm tội. Bạn khởi tâm động niệm muốn giết họ nhưng chưa giết họ thì không phạm tội. Còn trong pháp Đại thừa thì không như vậy, pháp Đại thừa là luận tâm không luận sự, trong tâm bạn khởi ý niệm muốn sát hại chúng sanh thì tội này liền thành lập. Do đây có thể biết, trong thiện pháp của Tiểu thừa có xen tạp bất thiện, trong thiện pháp của Đại thừa hoàn toàn không cho phép xen tạp bất thiện, ý niệm chính là bất thiện. Ý niệm còn không có thì làm gì có hành vi thực hiện? Nhất định không thể có hành vi thực hiện. Chúng ta phải từ chỗ này mà bồi dưỡng thiện tâm chân thật của mình.

Thế nhưng việc này rất khó, khó ở chỗ nào? Chúng tôi trong các buổi giảng thường nói, thứ nhất là phiền não tập khí của bản thân chúng ta quá nặng, nhìn thấy sự việc không như ý, đặc biệt là chúng sanh đối với mình bất lợi thì khởi lên ý niệm sát hại. Lại còn có tâm tham, nhìn thấy những động vật nhỏ này thì muốn ăn nó, đây thuộc về tâm tham; tâm tham là bạn ưa thích nó, muốn ăn nó. Cho nên, bạn yêu nó cũng giết nó, hận nó cũng giết nó, đây là tập khí phiền não từ vô thủy kiếp đến nay, đây là một nhân tố khiến bạn không cách gì đoạn được ý niệm sát hại chúng sanh. Thứ hai là không hiểu rõ chân tướng sự thật, đây là vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục thánh hiền. Nhà Nho nói không nghiêm khắc bằng Phật pháp, nhưng chúng ta cũng thường đọc thấy trong sách Nho: “Quân tử lánh xa nhà bếp, nghe tiếng nó kêu không nỡ ăn thịt nó.” Hay nói cách khác, điều mà nhà Nho tán thành là ăn tam tịnh nhục: không nhìn thấy giết, không nghe thấy giết, không phải vì ta mà giết, đây là thánh hiền của thế gian. Thánh hiền trong tôn giáo cũng chú ý đến vấn đề này, tín đồ Hồi giáo ở Singapore rất nhiều, các nước láng giềng chúng ta như Malaysia, Indonesia đều là quốc gia Hồi giáo. Bạn xem trong kinh Cô-ran nói: “Giết mổ súc sanh đều phải có thầy truyền giáo đi cầu nguyện chúc phúc. Thịt súc sanh chưa được thầy tế chúc phúc thì không được ăn”, trong đây đều có tâm thương yêu, đều là có lòng nhân từ bên trong.

/ 149