PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 14/06/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 15
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ ba, hàng cuối cùng, bắt đầu xem từ chính giữa: “Tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng, nhưng thật trong ấy không có tác giả. Thế nên tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn.” Phần trước, Phật nói cho chúng ta biết tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, mà tâm không phải sắc pháp, cũng tức là nói tâm không phải vật chất, cho nên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ngay cả ý của chúng ta cũng không duyên đến được. Nó xác thực là tồn tại, nó có thể hiện tất cả vạn pháp, có thể biến. Biến này là khiến tất cả pháp sinh ra biến đổi, cho nên nó là có thể hiện, có thể biến. Hôm nay, Phật tiếp tục nói cho chúng ta biết: “Tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng.” Nhà Phật nói thập pháp giới y chánh trang nghiêm, thập pháp giới là nói từ hiện tượng sai biệt lớn, nếu như nói chi tiết thì pháp giới là vô lượng vô biên, mỗi người đều không giống nhau. Vì sao vậy? Vì tư tưởng của mỗi người chúng ta không như nhau, ý nghĩ khác nhau, cho nên cảnh giới hiện ra đương nhiên là không tương đồng. Đặc biệt là tâm tưởng, trong kinh nói “do tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp cũng khác nhau”; ngạn ngữ thế gian có câu “tâm người bất đồng nên diện mạo mỗi người mỗi vẻ”. Hai câu nói này rất hay, nếu như tâm của hai người này giống nhau thì diện mạo của hai người này sẽ như nhau.
Cho nên, chúng ta quan sát tỉ mỉ, nếu như nhìn thấy có hai người diện mạo giống nhau, nếu bạn quan sát tỉ mỉ hơn thì sẽ thấy rất nhiều động tác của họ cũng giống nhau. Quan sát sâu hơn nữa thì thấy cách nghĩ, cách nhìn của họ đối với tất cả người việc vật cũng rất gần như nhau. Chứng minh những lời Phật nói trong kinh là chính xác. Tất cả chúng sanh tâm tưởng bất đồng, cho nên báo thân mà họ cảm được, thân tướng không như nhau, dung mạo không giống nhau, màu da không giống nhau, tình trạng sức khỏe không như nhau, những thứ này hoàn toàn là từ tâm tưởng sanh. Nếu chúng ta hiểu rõ đạo lý này, quan sát tỉ mỉ hơn, người nhiều bệnh thì vọng tưởng nhất định nhiều, lo nghĩ nhất định nhiều, phiền não nhất định nhiều. Bạn hãy quan sát, người thân thể khỏe mạnh, rất hoạt bát, rất vui vẻ thì người này vọng niệm ít, phiền não ít. Thảy đều bày ra trước mắt chúng ta, chúng ta rất dễ quan sát cảm nhận được, những nguyên lý, nguyên tắc này trong kinh Phật nói rất thấu triệt.
Tất cả mọi hiện tượng, chúng ta ngày nay nói tóm lại, hư không, vũ trụ, động vật, thực vật, tinh cầu, mọi loại hiện tượng này đều là từ tâm tưởng của chính mình biến hiện ra. Cho nên, mỗi người chúng ta có thế giới riêng của mỗi người, không thể có chuyện thế giới của hai người hoàn toàn tương đồng, không thể được! Chúng ta cùng nhìn một sự việc, nhưng cảm nhận của chúng ta không như nhau. Lấy việc trước mắt chúng ta mà nói, chúng ta mở kinh Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo ra, bản kinh của chúng ta giống nhau, câu chữ bên trong cũng giống nhau, nhưng mỗi người chúng ta đọc bộ kinh này cảm nhận sẽ khác nhau, hiểu không như nhau. Đây là nguyên nhân gì? “Do tâm tưởng khác nhau.” Trong kệ khai kinh dạy chúng ta “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, chúng ta có thể làm được không? Không làm được. Vì sao không làm được? Chúng ta có tâm tưởng. Phật không có tâm tưởng, tâm tưởng là việc của bên phía tám thức, Phật thì chuyển tám thức thành bốn trí, cho nên Phật không có tâm, ý, thức. Chúng ta đến khi nào trong tâm không tưởng nữa, tưởng là chấp trước, tư là phân biệt, nếu chúng ta rời xa được phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chúng ta xem lại những kinh điển này thì nghĩa chân thật của Như Lai sẽ hiện tiền. Đó chẳng phải là “tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng” đó sao? Do đây, chúng ta cũng có thể thể hội được trong rất nhiều kinh Đại thừa liễu nghĩa[1], Phật nói với chúng ta, tất cả vạn pháp trong thế gian đều là “bất khả đắc, vô sở hữu” (chẳng thể được, không sở hữu).