/ 149
79

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 27/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 131

 

Chúng tôi tiếp tục giảng điều thứ hai của bát chánh đạo là “chánh tư duy”, chánh tư duy tức là tư tưởng đúng đắn. Phần đầu kinh này, Thế Tôn dạy chúng ta: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”, tư duy vô cùng quan trọng! Nói đến phàm phu thì bao gồm sáu cõi trong đó, luôn không ngừng khởi ý niệm, ý niệm không dứt, ý niệm cũng không trụ. Không trụ chính là sát-na sanh diệt, niệm trước vừa diệt thì niệm sau liền sanh, hết thảy ý niệm đều thuộc về vọng niệm. Tư duy như thế nào mới được xem là chánh tư duy? Trong Phật pháp có một nguyên tắc, trong chân tâm bổn tánh không có tư duy, không có ý niệm, Phật thường nói trong kinh Đại thừa là “chân tâm lìa niệm”; hay nói cách khác, chỉ cần có ý niệm tồn tại thì ý niệm này đều là vọng niệm.

Chúng ta muốn hỏi: chúng ta mỗi ngày nghĩ A-di-đà Phật, niệm A-di-đà Phật có phải là vọng niệm không? Nói thật ra, vẫn là vọng niệm, nhưng vọng niệm này là gần với chân thật nhất. Phải nhớ kỹ, nó vẫn là vọng niệm, chẳng qua là vọng niệm này gần với chân thật, chúng ta dùng vọng niệm này để đoạn tất cả vọng niệm, phương pháp này hay! Đây gọi là phương tiện thiện xảo. Sau khi đến thế giới Cực Lạc rồi thì câu “A-di-đà Phật” này vẫn phải buông bỏ. Cho nên, trong bốn loại niệm Phật thì trì danh là tiện lợi nhất. Quán tưởng trong kinh Thập Lục Quán rất khó mà quán thành được, mở mắt ra, nhắm mắt lại, cái tướng này đều ở trước mắt, đến thế giới Cực Lạc vẫn phải đem cái tướng này trừ sạch, vì sao vậy? “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng.” Quán thành công không dễ dàng, mà trừ bỏ nó cũng rất khó! Không dính tướng, phải trừ bỏ cái tướng này và trừ bỏ cái giả danh này. Chúng ta liền có thể tưởng tượng được, không chấp trước giả danh thì dễ, xả bỏ giả danh thì dễ, nhưng xả bỏ vọng tướng thì khó, đây là nói rõ lợi ích của trì danh là ở chỗ nào. Thành phần chúng ta chấp trước vào danh hiệu thì nhẹ hơn rất nhiều so với chấp trước vào hình tướng. Vì vậy, người ta thông thường không thích cái tên này thì đổi sang cái tên khác, bỏ cái tên đó rất dễ dàng, nhưng tướng thì khó, chúng ta gọi là ấn tượng sâu sắc, đối với tướng thì khó.

Cho nên, tư duy phải chính xác. Trước mắt chúng ta, chúng ta không cần nâng mức độ của “chánh” này lên quá cao, vì quá cao là bàn huyền thuyết diệu rồi, đối với việc tu trì hiện thực của chúng ta, không thể đạt được lợi ích chân thật. Hôm nay, chúng tôi giảng bát chánh đạo là muốn đem bát chánh đạo ứng dụng vào trong thập thiện nghiệp đạo. Từ đó cho thấy, chúng ta thường xuyên tư duy thập thiện nghiệp thì đó chính là chánh tư duy, việc này rất quan trọng! Thường xuyên nghĩ đến điều Phật dạy chúng ta trong kinh, “ngày đêm thường niệm thiện pháp” chính là pháp thập thiện, thường niệm điều này; tư duy thập thiện, quán sát thập thiện. Mọi lúc mọi nơi, niệm niệm không lìa thập thiện thì chúng ta biến thành người thiện rồi. Người thiện niệm A-di-đà Phật thì chắc chắn vãng sanh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi các bậc thượng thiện cùng tụ hội, chúng ta giữ tâm thiện, tư tưởng thiện, ngôn hạnh thiện thì đâu có lý nào không vãng sanh? Vãng sanh, nói thật ra chỉ cần phát nguyện: “Con nguyện sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc”, niệm Phật một niệm, mười niệm là có thể vãng sanh, không cần niệm một ngày trăm ngàn tiếng, hai trăm ngàn tiếng, không cần thiết như vậy. Bạn muốn niệm nhiều cũng chẳng sao cả, bạn niệm ít cũng chẳng sao cả, chắc chắn vãng sanh. Tại sao vậy? Vì bạn là người thiện.

Từ “thiện” nâng lên cao, nâng lên đến “tịnh”, tịnh niệm tiếp nối thì phẩm vị của bạn cao rồi. Tâm thiện vãng sanh đến cõi Phàm thánh đồng cư, tịnh niệm vãng sanh đến cõi Phương tiện hữu dư và cõi Thật báo trang nghiêm. Thế nhưng quý vị phải biết, gốc của tịnh niệm là thiện niệm, nếu tâm bất thiện thì làm sao thanh tịnh được? Đây là điều không thể. Cho nên nhất định phải đoạn ác tu thiện, đạo lý này rất quan trọng! Cách đoạn ác tu thiện như thế nào? Từng giây từng phút phải phản tỉnh; nếu như từng giây từng phút không thể phản tỉnh được thì ít nhất là mỗi tối phải phản tỉnh một lần. Buổi tối thì công việc đều buông xuống rồi, trước khi đi ngủ hãy nghĩ kỹ lại một chút, ngày hôm nay đối với người, với việc, với vật, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, dùng thập thiện nghiệp làm tiêu chuẩn, xem ta có lỗi lầm gì không? Có lỗi thì phải sửa! Cho nên cuối thời Minh, đầu thời Thanh, đại đức trong cửa Phật, bất luận là xuất gia hay tại gia, họ đều dùng Công quá cách[1] để phản tỉnh, đây là việc tốt. Các bạn thấy tiên sinh Liễu Phàm, Viên Liễu Phàm là người ở vào cuối thời Minh. Người xuất gia dùng Công quá cách thì đại sư Liên Trì là người đại biểu, đại sư Liên Trì có viết một quyển sách nhỏ tên là “Tự Tri Lục”, trên thực tế chính là Công quá cách. Ngày hôm nay ta đã làm những việc thiện nào, ghi ra từng điều từng điều một; ta làm những việc ác nào, cũng từng điều từng điều ghi ra. So sánh xem việc thiện của ta nhiều hay là việc ác nhiều? Công đức của việc thiện lớn hay là nghiệp ác của việc ác lớn? Hãy làm sự so sánh. Phương pháp này vô cùng có hiệu quả đối với người trung hạ căn.

/ 149