/ 149
277

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 12/06/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 13


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ ba, hàng thứ hai từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai:

Mà tâm chẳng phải sắc, nên không thể thấy chấp. Chỉ là các pháp hư vọng hợp lại mà sanh khởi, rốt cuộc không có chủ, không có ta và cái của ta. Tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng, nhưng thật trong ấy không có tác giả. Thế nên tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn.

Đoạn này Phật nói rõ cho chúng ta biết căn nguyên của chân tướng sự thật, phía trước đã nói rõ cho chúng ta biết vì sao có hiện tượng lục đạo luân hồi. Hiện tượng này rốt cuộc phát sinh như thế nào? Từ đâu mà có? Phật nói từ tâm tưởng sanh, đều do tâm tạo nghiệp thiện và bất thiện mà biến hiện ra cảnh giới này, cho nên căn nguyên của nó là tâm. Tâm này vô cùng khó hiểu, đại đức xưa nay thường nói: “Nếu người biết được tâm, đại địa không tấc đất.” Phật pháp nói ngộ đạo, nói chứng đạo, chứng quả là ý gì vậy? Chẳng qua là muốn bạn thật sự hiểu rõ tâm là gì mà thôi! Cho nên gọi là minh tâm kiến tánh, đây chính là đại triệt đại ngộ, đây chính là chứng được Phật quả vô thượng Bồ-đề, là sự việc như vậy.

“Tâm”, chúng ta hiện nay nhìn thấy chữ này lập tức nghĩ rằng tâm là ở chỗ này, đây là quả tim máu thịt, tâm này không có lợi ích gì, không hữu dụng, đây là sai lầm. Kinh Lăng-nghiêm vừa mở đầu, Thế Tôn hỏi tôn giả A-nan: “Ông lúc mới phát tâm vào cửa Phật, là do nhân duyên gì?” Ngài rất thật thà trả lời Thế Tôn, ngài nói: “Con nhìn thấy tướng hảo của Thế Tôn, tướng này đẹp quá, tướng này dứt khoát không phải do cha mẹ sanh ra, nhất định là do Thế Tôn tu hành thành tựu. Con thường nghĩ về vấn đề này, và con cũng muốn được tướng hảo như vậy, cho nên phát tâm xuất gia để tu hành.” Thế Tôn nghe xong bèn gật đầu, ngài nói: “Là điều mà trong tâm ông nghĩ.” Phật bèn tiến thêm một bước hỏi ngài: “Tâm ở đâu?” Tâm này, Phật pháp thường nói có chân tâm, có vọng tâm, nhưng bất luận là chân tâm hay vọng tâm, vậy tâm ở đâu? Ngài thông minh hơn chúng ta, ngài đã nghĩ ra được bảy chỗ, còn chúng ta không cách nào nghĩ ra được! Nhưng bảy chỗ đó đều bị Phật phủ định tất cả, thế là ngài liền bối rối, sau đó hướng về Thế Tôn thỉnh giáo tâm ở đâu.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến), tâm này là chân tâm, còn thức là vọng tâm, chân tâm và vọng tâm là một tâm. Vì sao gọi là chân tâm, là vọng tâm? Hoàn toàn giác mà không mê thì gọi là chân tâm, kèm theo mê hoặc thì chúng ta gọi là vọng tâm. Mê hoặc là sao? Chúng tôi ở trong các buổi giảng thường nói vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trong tâm bạn chỉ cần chưa loại bỏ sạch sẽ ba thứ này thì đây chính là vọng tâm, chân tâm không thể hiện tiền. Nếu những thứ này thảy đều gạn lọc hết rồi, hoàn toàn không còn nữa, thì chân tâm hiện tiền. Quyết không phải nói, ngoài vọng tâm còn có chân tâm, vậy thì không tìm ra, vậy là chân tâm cũng không có; cho nên nói “chân vọng không hai” chính là đạo lý này. Chỉ cần xả bỏ hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chân tâm hiện tiền. Chân tâm là năng hiện, có thể hiện vũ trụ hư không, trong Phật pháp gọi là thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Ngay cả nhất chân pháp giới cũng đều do chân tâm hiện ra, trong cảnh giới được hiện ra phát sinh sự thay đổi; ban đầu nó hiện ra là nhất chân, gọi là nhất chân pháp giới, đó là hoàn toàn không có vọng tâm, do chân tâm hiện ra. Thế giới Hoa Tạng trong kinh Hoa Nghiêm, cõi Tịnh độ ở Tây Phương gọi là thế giới Cực Lạc, đều do chân tâm hiện ra, cho nên nó không có thay đổi. Người sinh về nơi đó ai nấy đều là vô lượng thọ, ai nấy năm nào cũng tuổi 18, họ không già, vĩnh viễn không suy, không già, không bệnh. Vì sao vậy? Họ là do chân tâm hiện ra. Do đây có thể biết, chúng ta ngày nay bị già, bị bệnh, bị chết là do thứ gì tạo ra vậy? Do vọng tâm tạo nên, vọng tâm chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Giả như thảy đều đoạn hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta cùng chư Phật Như Lai như nhau, cũng là bất sanh bất diệt, không già, không suy, không bệnh. Những đại đạo lý này ở trong tất cả kinh luận Đại thừa, Phật đều nhắc đến cho chúng ta, đây là thứ mà chúng ta cầu. Cho nên, Phật và chúng sanh là bình đẳng, khẳng định là bình đẳng, không có cao thấp.

/ 149