/ 149
154

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 02/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 125

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Trong thất giác chi, phạm vi bao quát của “trạch pháp” vô cùng rộng lớn. Bất luận pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, chúng ta trong một đời, thí dụ nói cầu học, làm việc, đều phải nên chọn lựa thận trọng. Đi học, trong trường học có nhiều khoa hệ như vậy, trong xã hội có nhiều nghề nghiệp như vậy, đều phải có trí tuệ để chọn lựa. Tiêu chuẩn để chọn lựa, trong Phật pháp cho chúng ta một khải thị, đó là phải phân biệt thật giả, phải chọn thật, không được chọn giả; chúng ta đem thật giả đổi thành một tên gọi khác, chúng ta phải chọn điều thiện, không được chọn điều ác. Chúng ta phải chọn lấy việc có lợi ích chúng sanh, có lợi ích cho xã hội, quyết không được chọn việc tổn hại chúng sanh, tổn hại xã hội, chọn lựa như vậy mới chân thật có thể đạt đến đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Từ trong cuộc sống, công việc của chúng ta, cho đến đối nhân, xử thế, tiếp vật phải khéo chọn lựa, người hiện nay thường nói là phải biết nắm lấy cơ hội, trong Phật pháp gọi là duyên, phải nắm lấy duyên. Cơ duyên thù thắng rất không dễ gì gặp được, cơ duyên hiện tiền, nếu bạn không thể nắm lấy thì trong sát-na liền tiêu mất, sau này mong muốn cái duyên này xuất hiện thì không phải là việc dễ dàng. Cho nên, nhất định phải nắm lấy cơ hội, quyết không được tùy tiện đánh mất nó. Tu học pháp môn cũng không ngoại lệ, phải nắm lấy cơ hội học tập, hoàn cảnh học tập, vậy chúng ta mới có thành tựu.

Đối với pháp môn tu học, càng phải nên thận trọng mà chọn lựa. Trong một đời hãy chuyên dụng công một bộ kinh, làm chuyên gia, đừng làm thông gia. Sau khi chuyên đến một trình độ nào đó, chúng ta đích thực sẽ thông. Người xưa thường nói: “Một kinh thông, tất cả kinh thông.” Sau khi thông tất cả kinh rồi thì vẫn làm chuyên gia, không làm thông gia. Đó là gì vậy? Đó là đại từ đại bi, làm tấm gương cho hậu học, đừng để hàng hậu học nhìn thấy: “Thầy mọi thứ đều thông, mọi thứ đều giảng, vì sao muốn mình giảng một thứ?” Họ sẽ sinh ra hoài nghi. Cho nên, vì người sau mà làm gương, đó gọi là đại từ đại bi. Chúng ta nhìn thấy ví dụ này trong 53 tham của kinh Hoa Nghiêm. Trong 53 lần tham vấn, thực tế mà nói thì bất kỳ vị thiện tri thức nào họ cũng đều thông, Thiện Tài đồng tử hà tất phải đi tham vấn 53 vị thiện tri thức? Một người là đủ rồi, bản lĩnh của những vị thiện tri thức khác họ đều biết, tại vì sao họ không nói, mà lại nói: “Tôi chỉ giảng cho anh một môn, ngoài ra các môn khác, anh đi tìm người khác”, vì sao vậy? Mỗi vị đều thị hiện làm chuyên gia, không làm thông gia, dụng ý chính là ở chỗ này. Họ đều là pháp thân đại sĩ, đều là cổ Phật tái lai, vậy làm gì có lý nào mà không thông? Pháp thế xuất thế gian thảy đều thông đạt. Bạn xem, họ thị hiện chỉ biết một môn, “ngoài ra thì tôi không bằng người nào đó”, hàm nghĩa chân thật của lời nói này ở chỗ nào, chúng ta phải thể hội được thì chúng ta mới chân thật học được cái cần học.

Cho nên, suy nghĩ của các ngài đều là vì lợi ích chúng sanh, lợi ích cho hàng hậu học, quyết không toan tính cho sự tiện lợi của mình. Học trò của mình muốn học cái gì thì ta dạy cho họ cái đó, hà tất bảo họ đến nơi khác để tham học? Dụng ý đó rốt cuộc ở chỗ nào? Chúng ta nhất định phải hiểu được. Trừ trường hợp bất đắc dĩ, trong số đồng học của chúng ta phát tâm muốn học pháp môn khác, thật sự tìm không ra người dạy, đây gọi là bức bách không còn cách nào. Nếu như pháp môn này, hiện nay ở thế gian vẫn có người đang dạy, dạy không tệ, vậy chúng ta không dạy, liền giới thiệu họ đến nơi đó để tham học. Quý vị thấy trong Cao Tăng Truyện, ở Trung Quốc ngày trước, trong lịch sử của các tự viện, chùa chiền đều có thể xem thấy những mẩu chuyện ghi chép, học nhân đến tham học, sau khi gặp được lão hòa thượng rồi, lão hòa thượng nói với họ: “Duyên của anh không ở chỗ tôi, anh hãy đến nơi nào đó tìm một người nào đó.” Họ đến nơi đó ở ba năm, năm năm thì thật sự được thành công, họ khai ngộ, chứng quả. Lão hòa thượng có được bản lĩnh này, chỉ bảo họ đến nơi nào đó để tham học, họ có thể thành tựu. Còn ở chỗ của ngài vì sao họ không thể thành tựu? Những ngụ ý ngầm ở trong đó rất nhiều, chúng ta đều phải hiểu được. Nếu quả thật là việc bất đắc dĩ thì đó lại là chuyện khác.

/ 149