PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 09/01/2001
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 111
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ tư: “Ngũ căn trang nghiêm nên tin sâu kiên cố, tinh cần không biếng nhác, thường không mê mất, vắng lặng điều hòa, dứt các phiền não.” Cái đầu tiên của ngũ căn là “tín”, hôm qua tôi đã giới thiệu cho quý vị rồi. Thứ hai là “tấn”, tinh tấn. Từ những chỗ này chúng ta có thể thấy ra được, trong tứ thần túc có tinh tấn, trong ngũ căn có tinh tấn, trong ngũ lực cũng có tinh tấn, trong thất giác chi cũng có tinh tấn, trong bát chánh đạo cũng có tinh tấn. Từ đó cho thấy, bất kỳ một danh tướng nào trong Phật giáo, ở những chỗ khác nhau thì nó sẽ có cách giải thích không như nhau, tuyệt đối chẳng giải thích giống nhau, nhất định phải biết đạo lý này. Tinh tấn của “căn” và tinh tấn của “lực” đương nhiên là không giống nhau, nếu như giống nhau thì việc gì Phật phải phân ra nhiều khoa mục như vậy? “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” được phân thành bảy khoa mục. Từ đó cho thấy, cách nói của nó không như nhau. Cùng một đạo lý như vậy, Phật nói nhiều về bố thí, nói nhiều về trì giới, bạn cũng phải hiểu rõ, ở trong khoa mục nào thì nó sẽ có cách giải thích không như nhau. Bạn biết được những nguyên lý, nguyên tắc này, khi giảng giải cho người khác, bản thân họ tu học sẽ rất rõ ràng, thật sự có thể được thọ dụng.
Trong ngũ căn, “tấn căn” là căn của tinh tấn, theo cách nói của cổ nhân là “do tin các pháp nên hăng hái tinh tấn bội phần”. Ý nghĩa này không khó hiểu, đối với tất cả pháp mà Phật đã nói, bạn thật sự có thể tin, “tín căn” xác lập rồi. Nhưng mà tín này phải có căn, nó có bốn mức độ. Nếu chúng ta ngày nay nói tin Phật, tín đồ Phật giáo tại gia hay xuất gia đều tin Phật, vậy họ có căn hay không? Không có căn! Cho nên, niềm tin này tuyệt đại đa số là thuộc về mê tín. Sao gọi là mê tín? Phật là gì, giáo là gì, Phật giáo là gì, họ đều chưa hiểu rõ ràng. Họ nhìn thấy tượng Phật, tượng Bồ-tát, họ sẽ lạy, họ cũng rất kiền thành, nhưng họ không biết gì cả, xem Phật Bồ-tát như quỷ thần. Vì sao họ muốn đến lạy? Họ đến cầu phước, hy vọng quỷ thần có thể giúp họ, xem Phật Bồ-tát giống như quỷ thần vậy. Không phân biệt được Phật, thần, quỷ, đây chính là rơi vào mê tín.
Cho nên, trước đây một số đại đức đề xướng “chánh tín”. Thế nào gọi là chánh tín? Hiểu rõ ràng, hiểu tường tận đạo lý của Phật pháp thì tín này gọi là chánh tín; có lý luận làm căn cứ, vậy thì không phải là mê tín. Chánh tín có sự khác biệt với mê tín, nhưng mà cái tín đó, tín đồ Phật giáo chánh tín, họ có căn hay không? Không chắc. Chúng ta nhìn thấy một số hiện tượng, họ học rất nhiều, học rất tạp, học rất loạn, có thể thấy họ không có căn. Nếu họ có căn thì họ sẽ có thọ dụng. Có căn thì nhất định là thâm nhập một môn, huân tu trong thời gian dài, đây gọi là có căn, phải biết đạo lý này. Cho nên, tín này phải có căn, Phật đã nói “căn” có bốn mức độ là vô cùng có đạo lý. Thứ nhất là phải “tín”, thứ hai là phải “nhẫn”. Chữ “nhẫn” này nói theo hiện nay là khẳng định, nhất định không có hoài nghi, nhẫn là không có hoài nghi. Có một số người tin, nhưng họ còn có nghi hoặc hay không? Họ có; chưa đoạn nghi thì chỉ dừng ở tín, chưa có đến nhẫn. Đến nhẫn thì đã đoạn sạch cái nghi này rồi. Tuy không còn nghi nữa, khẳng định rồi, nhưng bạn có ưa thích hay không? Pháp thế xuất thế gian quá nhiều, trong tất cả pháp, rốt cuộc bạn ưa thích pháp môn nào? Có người ưa thích danh văn lợi dưỡng, có người ưa thích ngũ dục lục trần, có người ưa thích giàu có. Bạn đối với Phật pháp có ưa thích hay không? Mức độ ưa thích của bạn như thế nào? Hôm nay pháp sư giảng kinh ở đây, bạn nói bạn ưa thích Phật pháp. Nhưng ở bên kia có người nói với bạn, hôm nay bạn đi qua bên đó thì có thể kiếm được một triệu đô-la, bạn lập tức đi qua bên đó. Vậy thì cái ưa thích này của bạn là tiền tài, không phải là Phật pháp. Trước đây thầy Lý Bỉnh Nam thường nói với chúng tôi, bên đó nói bạn đi một chút có thể kiếm một triệu đô-la, họ cũng không đi, “tôi muốn nghe pháp”, đây mới là niềm vui thật sự! Như vậy đủ thấy là rất khó, muốn tín có căn chẳng phải dễ dàng. Nhất định không bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, không bị cảnh giới bên ngoài làm dao động, vậy tín này của bạn mới có căn. Dục là gì? Dục là có được niềm vui ở trong pháp, chúng ta thường gọi là pháp hỷ sung mãn.