/ 149
140

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 21/11/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 105


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ hai:

Chánh cần trang nghiêm nên thảy đều có thể đoạn trừ tất cả bất thiện pháp, thành tựu tất cả thiện pháp. 

Đây là “tứ chánh cần” trong phẩm trợ đạo. Tứ chánh cần là tinh tấn ba-la-mật, đoạn ác tu thiện. Trong kinh nói với chúng ta, đây là cương lĩnh, phạm vi của nó cũng là sâu rộng vô tận. Câu đầu tiên là đoạn ác pháp đã sanh, câu thứ hai là đoạn ác pháp chưa sanh, “ác đã sanh thì khiến cho đoạn dứt, ác chưa sanh thì làm cho không sanh”, đây là hai điều của đoạn ác. Phàm phu sở dĩ luân hồi vô lượng kiếp đều là kết quả của tạo tác nghiệp bất thiện mà sanh ra. Hiện nay không chỉ ở phương Đông, mà người phương Tây đối với sanh tử luân hồi cũng đang nghiên cứu vô cùng nhiệt huyết, chúng ta nhìn thấy rất nhiều báo cáo. Gần đây, đồng tu từ Mỹ gửi cho tôi bảy quyển sách, mỗi một quyển phân lượng rất nhiều, đều đóng bìa cứng dày cỡ này, Phương Tây thời cận đại đối với những tác phẩm này khá là xem trọng. Tổng hợp tất cả những bài báo cáo lại thì có thể khẳng định rằng luân hồi thật sự tồn tại, con người chắc chắn không phải chết rồi thì tất cả đều hết. 

Ở các buổi giảng trước chúng tôi thường nói, người chết rồi thì sẽ rất nguy, phiền phức rất lớn. Nhưng vì sao có luân hồi? Chúng ta đọc rất nhiều bài báo cáo, đều nói không nói rõ ràng. Đối với sự việc này, thật sự nói một cách rõ ràng, thấu triệt là ở trong kinh Phật, đặc biệt là trong kinh luận Đại thừa mới thật sự nhận thức được bộ mặt xưa nay của vũ trụ nhân sinh. Tuy Phật nói rất nhiều, đồng tu học Phật chúng ta cũng nghe rất nhiều, cũng thấy rất nhiều, nhưng đối với cảnh giới trước mắt vẫn cứ mê chấp, không thể nhìn thấu, không thể buông xuống. Đây là do nguyên nhân gì? Nguyên nhân là chưa lĩnh ngộ thấu triệt đối với những đạo lý, chân tướng sự thật mà trong kinh luận đã nói. Biết là có sự việc như vậy nhưng không hiểu rõ, không rõ đạo lý rốt ráo, cho nên mới sinh ra hiện tượng mâu thuẫn trong học Phật. Vẫn mãi không chuyển được ý niệm, không có cách gì chuyển tâm luân hồi thành tâm Bồ-đề, hoặc là giống với điều mà trong kinh Lăng-nghiêm nói là “chân tâm thường trụ”. Chỉ cần đem vọng tâm luân hồi chuyển đổi thành chân tâm thường trụ thì người này siêu phàm nhập thánh, trong Phật pháp gọi người này là đã giải thoát cứu cánh, đây là chỗ thù thắng của Phật pháp. Sự kỳ vọng của chư Phật Như Lai đối với tất cả chúng sanh là ở chỗ này, hy vọng mỗi một chúng sanh đều giác ngộ, hy vọng mỗi một chúng sanh đều thoát khỏi luân hồi.

Thật ra mà nói, người thoát khỏi luân hồi rất nhiều, A-la-hán thoát khỏi, Bích-chi Phật thoát khỏi, chư vị Bồ-tát cũng thoát khỏi. Tuy họ thoát khỏi nhưng chưa chắc đạt được quả báo cứu cánh viên mãn. Cứu cánh viên mãn là gì? Chứng được pháp thân thanh tịnh, đó mới là cứu cánh viên mãn; chưa chứng được pháp thân thanh tịnh thì không viên mãn, tuy thoát khỏi luân hồi nhưng không viên mãn. Chúng ta nhất định phải biết chân tướng sự thật này. Chúng ta học Phật là học cái gì, là vì cái gì? Nếu vì phước báo trong sáu cõi luân hồi, vậy thì tứ chánh cần là đủ rồi. Bạn biết đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức thì bạn chắc chắn được phước báo trời người. Thế nhưng bạn phải nhớ kỹ, không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Muốn thoát khỏi luân hồi thì nhất định phải chứng được pháp thân thanh tịnh, đó mới là thật sự thoát khỏi, vĩnh viễn thoát khỏi.

Khởi điểm của tu hành chính là ở đoạn ác tu thiện, chúng ta phải siêng năng làm hai sự việc này. Tứ chánh cần, “cần” là siêng năng, phải hết lòng nỗ lực mà làm. Phật nói bốn điều này gọi là chánh cần, đây là chánh pháp, không phải tà pháp. Cái gì là ác, cái gì là thiện, nhất định phải có năng lực phân biệt. Sự khác biệt căn bản của thiện ác, chúng ta cũng không cần nói quá cao, chính là ở trong cảnh giới trước mắt của chúng ta. Phàm là vì bản thân thì đều là ác, phàm là vì chúng sanh thì đều là thiện, chúng ta phải biết đạo lý này. Người thế gian nói: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt”, ý này giống như nói con người khởi tâm động niệm vì bản thân là chuyện bình thường, có người nào mà không vì mình đâu? Tại sao Phật nói vì mình là ác? Cách nói của Phật không giống người thế gian, cũng chính là cách nói của người giác ngộ không giống với người chưa giác ngộ. Vì sao Phật dạy chúng ta như vậy? Người thường xuyên nghe Phật giảng kinh thuyết pháp thì tự nhiên có thể hiểu rõ. 

/ 149