/ 149
68

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 18/11/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 103

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ nhất: “Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập quán tứ niệm xứ.” Tứ niệm xứ có bốn điều, ba điều trước tôi đã giới thiệu qua, hôm nay tôi tiếp tục nói điều sau cùng là “quán pháp vô ngã”. Bốn điều này của tứ niệm xứ đều là trí tuệ, quán sát trí tuệ, cũng chính là nhân sinh quan và vũ trụ quan mà triết học hiện đại nói đến, trong bốn điều này thì ba điều phía trước thuộc về nhân sinh quan, điều cuối cùng “quán pháp vô ngã” là thuộc về vũ trụ quan. Pháp quán này là chính xác, xác thực nhìn thấy chân tướng của vũ trụ nhân sinh cùng với những gì mà Tâm Kinh nói: “Khi Quán Tự Tại Bồ-tát hành trì pháp bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu liền soi thấy năm uẩn đều không”, là cùng một ý nghĩa. Nếu như bảo chúng ta làm thế nào giống như Bồ-tát soi thấy năm uẩn đều không thì tứ niệm xứ chính là phương tiện thực hiện tốt nhất, bạn hãy quán sát từ chỗ này, bạn quán thân, bạn quán thọ, thọ là tất cả sự hưởng thụ, cảm thọ hiện tiền của chúng ta; bạn quán tâm, tâm này chính là ý niệm, khởi tâm động niệm; cuối cùng dạy chúng ta quán pháp, pháp là tất cả các pháp. Ba điều phía trước là thuộc về nhân sinh quan, còn điều sau cùng thì dạy chúng ta nhìn muôn sự muôn pháp trong vũ trụ. Bạn thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ rồi thì tư tưởng, kiến giải của bạn ngang bằng với chư Phật Bồ-tát, bình đẳng với các ngài, giống như các ngài. Rồi sau đó bạn mới có thể thể hội được việc chư Phật Bồ-tát du hí thần thông trong mười pháp giới, còn chúng ta là thọ nghiệp báo ở trong sáu cõi, tạo nghiệp thiện thì thọ phước báo, tạo các nghiệp ác thì thọ khổ báo.

Chúng sanh trong sáu cõi là thân nghiệp báo, bản thân không có cách gì làm chủ tể. Hơn nữa, trong nghiệp báo lại vô cùng phức tạp, chúng ta lắng lòng tư duy thì có thể nghĩ ra được, có chúng sanh nào trong một đời này đều tạo nghiệp thiện, không tạo nghiệp ác hay không? Không thể nào, một người cũng không tìm ra. Cùng đạo lý như vậy, bạn cũng không tìm ra một chúng sanh nào mà cả đời đều tạo nghiệp ác, không hề tạo chút nghiệp thiện nào. Cho nên, chúng sanh trong sáu cõi khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là thiện ác lẫn lộn, vậy thì xem thiện nhiều hay là ác nhiều. Thiện nhiều, ác ít thì bạn có thể hưởng phước báo trời người, tuy hưởng phước nhưng việc không như ý vẫn thường chiếm tám, chín phần, tại sao vẫn còn việc không như ý vậy? Vì ở trong thiện có xen tạp ác báo. Trong tạo tác nghiệp ác cũng có nghiệp thiện, cho dù đó là chúng sanh đọa trong địa ngục, vì sao đọa địa ngục? Trong hành vi hiện đời đã tạo tác ngũ nghịch thập ác cho nên đọa địa ngục. Thế nhưng chúng sanh đọa địa ngục cũng tạo một số nghiệp thiện, hoặc là tạo ở đời trước, hoặc là tạo trong nhiều đời nhiều kiếp trước đây, cho nên Phật Bồ-tát thị hiện vào địa ngục thì cũng có thể giúp đỡ họ.

Nhưng quý vị phải biết, trong bốn loại duyên thì sự giúp đỡ của Phật Bồ-tát thuộc về tăng thượng duyên, đây là sức mạnh bên ngoài có thể giúp đỡ bạn, đây là duyên. Thế nhưng bản thân bạn phải có nhân thiện, nếu không có nhân thiện thì duyên thiện cũng không thể giúp nổi. Nhân thiện là thân nhân duyên, sở duyên duyên và vô gián duyên, ba cái này là nhân thiện, nhân thiện cộng thêm duyên thiện thì quả thiện sẽ hiện tiền. Giống như ai vậy? Chúng ta thấy trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, mẹ của cô Bà-la-môn tạo tác nghiệp ác đọa địa ngục, bà có nhân thiện hay không? Có. Sao biết là có? Con gái của bà học Phật, con gái tu hành, con gái niệm Phật, tuy bà không tin nhưng mắt bà thấy, tai bà nghe, gọi là “một phen lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, trong a-lại-da thức của bà có hạt giống này, đây chính là nhân thiện. Vì vậy mà con gái của bà nỗ lực tu hành, do bởi bà đọa lạc mà cô ấy tu hành chứng quả, nên bà có thể thoát khỏi địa ngục, đạo lý này rất trọn vẹn, không phải mê tín. Nếu trong a-lại-da thức của bà ngay cả ý niệm cũng không có, hình ảnh cũng không có thì dù Phật Bồ-tát có thị hiện cũng chẳng thể giúp nổi, đạo lý này chúng ta luôn phải hiểu được. Thế là chúng ta liền hiểu rõ, trong tất cả pháp thì quả thật đúng như điều mà Bồ-tát Phổ Hiền nói: Cúng dường pháp là đệ nhất. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong kinh Hoa Nghiêm, nói về sự so sánh của bố thí cúng dường thì cúng dường pháp là đệ nhất. Chúng ta phải có tâm tu cúng dường pháp, giúp đỡ tất cả chúng sanh trồng thiện căn. 

/ 149